| Hotline: 0983.970.780

Thi công quốc lộ 8A: Hơn 150 hộ từ chối nhận tiền vì mức bồi thường

Thứ Bảy 25/05/2024 , 12:49 (GMT+7)

HÀ TĨNH Trong quá trình thi công quốc lộ 8A, có 168 ngôi nhà của người dân xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn bị nứt, hư hỏng tài sản.

Bồi thường bèo bọt và chậm

Theo phản ánh của người dân xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong quá trình thi công nâng cấp quốc lộ 8A, áp lực của các loại xe máy hạng nặng đã khiến nhiều nhà dân bị nứt từng vết lớn, hư hỏng tài sản.

Thi công quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Kim 1 làm nứt 168 nhà dân.

Thi công quốc lộ 8A đoạn qua xã Sơn Kim 1 làm nứt 168 nhà dân.

Bà Hồ Thị Vân, trú thôn Kim Cương 1 bức xúc cho biết, vào tháng 3/2023, khi đơn vị thi công tiến hành lu nền đường ngay trước cổng nhà chị, thấy nhiều vật dụng trong nhà bị rung lắc mạnh nên chị đã yêu cầu dừng thi công. Sau đó, đơn vị thi công đã tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà dân 2 bên đường và cam kết nếu thi công làm ảnh hưởng sẽ bồi thường.

“Chúng tôi nghĩ đây là dự án giao thông quan trọng nên đã tạo điều kiện cho họ (chủ đầu tư, đơn vị thi công) tiếp tục làm. Tuy nhiên, mới đây họ thông báo chỉ thống kê, bồi thường cho gia đình 23 triệu đồng thì tôi không thể chấp nhận. Số tiền bồi thường này quá bèo bọt so với thiệt hại. Hiện ngôi nhà gia đình tôi bị nứt nẻ khắp tường, nước thấm từ sàn tầng 2 xuống tầng 1”, bà Vân nói.

Cũng không đồng tình với cách kiểm kê, áp giá bồi thường của các cơ quan chức năng, ông Trịnh Bá Lữ, thôn Kim Cương 1 cho biết, ngôi nhà hai tầng của gia đình ông nằm sát quốc lộ 8A, được xây dựng vào năm 2016. Khoảng tháng 4/2023, khi nhà thầu thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8A, ông cùng nhiều hộ dân trong thôn phát hiện nhà cửa bị nứt nên yêu cầu dừng thi công.

Ngôi nhà 2 tầng của hộ ông Lữ chi chít vết nứt quanh tường nhưng chỉ được đền bù hơn 30 triệu đồng.

Ngôi nhà 2 tầng của hộ ông Lữ chi chít vết nứt quanh tường nhưng chỉ được đền bù hơn 30 triệu đồng.

Đến tháng 5/2023, các bên liên quan đã họp bàn, cam kết 90 ngày sẽ chi trả đền bù. Song mãi đến đầu tháng 5/2024, phía ban quản lý dự án quốc lộ 8A mới có thông báo chi trả tiền. Và số tiền gia đình ông sẽ được đền bù là hơn 30 triệu đồng.

“Nhà của tôi xây dựng hết hơn 2 tỷ đồng, phần tường gần như nứt toàn bộ nhưng bây giờ chỉ bồi thường hơn 30 triệu đồng là quá thiệt thòi cho người dân và thấp so với thực tế thiệt hại. Chúng tôi chưa thể đồng ý với mức bồi thường này”, ông Lữ nói.

Đồng thời cho rằng, cơ quan chức năng cần yêu cầu chủ đầu tư làm việc lại với bên bảo hiểm để họ kiểm kê, áp giá bồi thường cho dân đúng thực tế và đảm bảo quyền lợi hài hòa. Bởi, bây giờ người dân sửa chữa nhà tất cả chi phí từ vật liệu, nhân công đều tăng hơn so với 1 năm trước. Chưa kể, giải pháp sửa chữa chỉ mang tính “chắp vá”, phần kết cấu nhà bị phá vỡ chưa đo đếm được là thiệt hại vô hình người dân phải gánh.

Người dân cho rằng thiệt hại nặng nhưng bồi thường quá thấp nên không đồng tình nhận tiền. 

Người dân cho rằng thiệt hại nặng nhưng bồi thường quá thấp nên không đồng tình nhận tiền. 

Bà Phan Thị Tịnh, 56 tuổi, cùng trú thôn Kim Cương 1 cũng bức xúc khi việc thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A gây nứt nhà dân nhưng chỉ được tính bồi thường hơn 5,9 triệu đồng.

“Nhà tôi bị nứt mạnh trước sảnh mái, nước thấm xuống nền mà chỉ được bồi thường như tiền mua rau như thế ai mà chấp nhận được. Chúng tôi chia sẻ điều không mong muốn đã xảy ra với dự án nhưng nó phải phù hợp, chúng tôi cũng đâu muốn nhà bị nứt để mà đòi bồi thường cao”, bà Tịnh nhấn mạnh.

Ngoài việc áp giá chi trả bồi thường thấp, không tương xứng với thiệt hại, người dân xã Sơn Kim 1 còn bức xúc khi chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chậm chi trả tiền.

“Việc chi trả tiền đền bù các bên liên quan thực hiện còn chậm. Mới đây có thông báo nhận tiền nhưng chỉ có 11 hộ ký nhận. Còn lại dân cho rằng chưa thỏa đáng và làm không đúng quy trình. Quá trình lu lèn ảnh hưởng đến tài sản của dân, mà trong khi đó các bước triển khai đền bù hơi chậm”, ông Hoàng Văn Thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 nói.

Ngoài việc áp giá thấp, việc chi trả bồi thường chậm cũng khiến người dân bức xúc. 

Ngoài việc áp giá thấp, việc chi trả bồi thường chậm cũng khiến người dân bức xúc. 

Theo ông, việc đền bù cần có nội dung cụ thể về khoản chi trả và tính toán bồi thường phải có cơ sở để người dân hiểu rõ. Phía chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan liên quan kiểm tra lại và sớm giải quyết, để đảm bảo quyền lợi cho người dân đúng theo quy định pháp luật.

Tiếp tục thông báo nhận tiền

Theo tìm hiểu, Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A đoạn km 37 + 00 - km 85 + 300 đi qua xã Sơn Kim 1 thuộc gói thầu XL8, có chiều dài 8km, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 4 làm bên mời thầu. Tổng giá trị hơn 163 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Ban Quản lý dự án 4 cho biết, trên cơ sở tính toán bồi thường bên bảo hiểm đưa ra, đơn vị đã thông báo chi trả tiền cho dân. Sau lần 1, lần 2 hầu hết người dân chưa đồng ý nhận tiền, sắp tới phía Ban tiếp tục thông báo lần 3.

“Chúng tôi sẽ mời bảo hiểm (Tổng công ty cổ phần bảo hiểm hàng không) vào xin ý kiến để có hướng xử lý. Hiện bên bảo hiểm độc lập tính toán theo chế độ chính sách nhà nước. Các đơn giá vật liệu, nhân công, máy móc để đền bù đấy họ căn cứ theo quyết định công bố giá của tỉnh. Ban chỉ là trung gian nên chỉ thông báo đến dân”, ông Anh nói.

Các vết nứt trên nền gạch nhà dân do ảnh hưởng quá trình thi công quốc lộ 8A. 

Các vết nứt trên nền gạch nhà dân do ảnh hưởng quá trình thi công quốc lộ 8A. 

Khi được hỏi về việc áp giá cách đây 1 năm nhưng nay mới thực hiện chi trả tiền, ông Tuấn Anh cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo, đồng thời tổng hợp ý kiến người dân như thế nào để cùng ngồi lại với đơn vị bảo hiểm xem xét hướng giải quyết.

Ban Quản lý dự án 4 đã công bố có tất cả 168 hộ bị ảnh hưởng nứt nhà với tổng số tiền bồi thường 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn người dân chưa nhận tiền vì họ cho rằng mức bồi thường quá thấp.

Để đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành trước 30/6/2024, thiết nghĩ chính quyền địa phương, chủ đầu tư, đơn vị bảo hiểm và các cơ quan liên quan cần ngồi lại với người dân để tính toán lại thiệt hại, áp giá bồi thường đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước – đơn vị bảo hiểm - người dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ẩn họa từ việc người dân lấn đường để phơi thóc

Nhiều tuyến đường bị người dân chiếm dụng để làm nơi phơi thóc. Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người tham gia giao thông.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm