| Hotline: 0983.970.780

Thiệt hại liên quan đến nước ‘không tính xuể’

Thứ Bảy 07/05/2022 , 10:12 (GMT+7)

Chỉ tính riêng các tổ chức tài chính lớn sẽ phải đối mặt với khoản thiệt hại trước mắt ít nhất là 225 tỷ USD vì các rủi ro liên quan đến nước.

Hình ảnh chụp từ trên cao một cánh đồng lúa bị chết khô do thiếu nước tưới ở xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre hồi tháng 3/2000. Ảnh: VCCI

Hình ảnh chụp từ trên cao một cánh đồng lúa bị chết khô do thiếu nước tưới ở xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre hồi tháng 3/2000. Ảnh: VCCI

Đây là kết quả báo cáo môi trường do hai nền tảng quốc tế CDP và Planet Tracker tính toán, với một phần ba trong số các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới kể trên “không có hành động nào để đánh giá những tác động tiềm tàng của an ninh nguồn nước”.

Trước đó, Liên Hợp quốc cũng đã cảnh báo về sự thiếu hụt 40% nguồn cung nước vào năm 2030, một khi các mô hình sản xuất và tiêu thụ nước hiện nay không thay đổi. Và cái gọi là “rủi ro về nước”, bao gồm lũ lụt, hạn hán hoặc ô nhiễm, sẽ trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn đối với nhân loại trong thập kỷ tới.

Các tác động phổ biến nhất đã được nền tảng CDP đánh dấu bằng cờ, kèm dữ liệu cảnh báo các quyết định đầu tư của những công ty tài chính đang nắm giữ hơn 130 nghìn tỷ USD tài sản, liên quan đến sụt giảm sản lượng, tăng chi phí và giảm doanh thu.

Trong phân tích đầu tiên, các chuyên gia của CDP và tổ chức phi lợi nhuận Planet Tracker đã trưng ra các kết quả khảo sát về an ninh nguồn nước từ 1.112 công ty, trong đó 69% bị đánh dấu rủi ro có tác động "đáng kể" đến hoạt động kinh doanh của họ.

Trong số 377 tổ chức tài chính được CDP nghiên cứu, 33% cho biết họ không đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến nguồn nước, ví dụ như khả năng bị phạt tiền và các khoản nợ khác, những vụ kiện tụng của cổ đông hoặc không có khả năng mua bảo hiểm.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nếu đánh giá thấp rủi ro về nước, các ngân hàng, nhà đầu tư và công ty bảo hiểm sẽ có thể phân bổ quá nhiều tiền vốn cho các doanh nghiệp và dự án mà kết quả là không kinh tế, dẫn đến tài sản bị “mắc cạn” hoặc khoản đầu tư hoặc cho vay bị xóa sổ.

Cate Lamb, giám đốc toàn cầu về an ninh nguồn nước của CDP cho biết: “Các tổ chức tài chính lớn cần hiểu được mức độ rủi ro trước những rủi ro liên quan đến nước và thực hiện các bước đi ngay lập tức trước khi quá muộn”.

CDP đã phân tích giá trị 225 tỷ USD bị thiệt hại từ một nhóm nhỏ gồm 499 công ty tài chính lớn nhất thế giới nhằm tiết lộ dự báo tài chính về các chi phí tiềm ẩn liên quan. Vì vậy, con số của tất cả các công ty trên thế giới sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo CDP, cuộc khủng hoảng nước đã gây ra thiệt hại nhiều tỷ đô la trong lĩnh vực dầu khí, thiết bị điện, than, kim loại và khai thác mỏ.

CDP và Planet Tracker cũng khẳng định, nhà nước và các tổ chức công nên liên kết chặt chẽ với 42 công ty bị ảnh hưởng bởi nước nhiều nhất trên thế giới, thông qua cổ phần hoặc cho vay. Lý do là có đến 20 thực thể đang nắm giữ tổng vốn chủ sở hữu 2,7 nghìn tỷ USD và đã cho vay 2,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua. Các công ty này cũng đang có khoản 327 tỷ USD tài trợ sẽ đáo hạn trong 5 năm tới.

Hậu quả của khủng hoảng nước

Nông dân xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đo độ mặn do nước biến xâm nhập sâu vào đất liền đã vượt ngưỡng cho phép (5,3gr/lít), không thể dùng nước này để tưới cho vườn cây ăn trái được. Ảnh: VCCI

Nông dân xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đo độ mặn do nước biến xâm nhập sâu vào đất liền đã vượt ngưỡng cho phép (5,3gr/lít), không thể dùng nước này để tưới cho vườn cây ăn trái được. Ảnh: VCCI

Thiếu nước sạch được coi là một bệnh dịch ảnh hưởng đến 1,8 tỷ người trên thế giới mỗi năm do không có đủ nước sinh hoạt và sản xuất, từ đó dẫn đến hạn hán, đói kém và chết chóc.

Nguyên nhân chính của khủng hoảng nước bao gồm:

Nguồn nước bị ô nhiễm do điều kiện vệ sinh kém và thiếu nhà máy xử lý chất thải, nhất là ở các vùng nông thôn. Mức độ tổng thể của các chất ô nhiễm toàn cầu đang có tác động tiêu cực đến nguồn nước và theo thời gian, thiệt hại này sẽ ngày một trầm trọng hơn.

Nước ngầm sụt giảm: Việc sử dụng quá nhiều nước ngầm trong các ngành nông nghiệp của chúng ta đang dẫn đến sụt giảm sản lượng và lãng phí nước. Hơn 70% lượng nước mà nhân loại sử dụng để trồng trọt, và hầu hết lượng nước này bị lãng phí do đường dẫn bị rò rỉ và kỹ thuật tưới kém.

Lạm dụng nước dẫn đến nhiều nguồn nước bị lãng phí và dẫn đến sự leo thang hơn nữa của cuộc khủng hoảng. Tổng lượng nước ngầm được sử dụng cho tưới tiêu đã tăng từ 30% trong những năm 1980 lên gần 60% ngày nay.

Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố làm thay đổi cách nước bốc hơi và lượng mưa. Nghiên cứu cho thấy, sự nóng lên toàn cầu đã làm thay đổi đáng kể lượng mưa ở Ấn Độ. Trước đây, lượng mưa gió mùa trung bình kéo dài 45 ngày. Con số này hiện đã giảm xuống còn 22 ngày, với mỗi đợt gió mùa có cường độ mưa nhỏ hơn.

Quản lý yếu kém: Việc đào tạo và giáo dục không đúng cách dẫn đến tình trạng lãng phí nước sạch, an toàn mỗi ngày, cũng như sử dụng quá mức ở những khu vực không cần nhiều nước. Tại các nước kém phát triển đến nay vẫn không có tổ chức tư vấn về quản lý và xử lý nước, điều này dẫn đến lãng phí. Không có nước nghĩa là không có mùa màng, khiến nông dân không thể trồng trọt, chăn nuôi được.

(Reuters: TH)

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất