| Hotline: 0983.970.780

Thượng bất chính, hạ tắc loạn

Thứ Ba 12/01/2016 , 10:15 (GMT+7)

Những sai phạm của lãnh đạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) trong nhiều năm qua đã khiến các dự án triển khai trên địa bàn dù đúng hay chưa đúng pháp luật, hầu hết đều không nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Quan tham tiến chức

Từ sự kiện huyện Gia Lâm định chuyển vị trí trường học ở trung tâm xã Ninh Hiệp ra giữa cánh đồng, gần khu nghĩa trang khiến nhân dân trong xã bức xúc, tới việc ông Lý Duy Thanh – Phó Chủ tịch huyện, nguyên Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy dung túng cho người nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, biến 36.000 mét vuông đất nông nghiệp trở thành nhà hàng sinh thái để vợ, con trai và con dâu quản lý.

Rồi ông cho xây dựng trái phép tới 18 ki ốt mặt đường nhựa cho thuê kiếm lời mà các cấp chính quyền xã, huyện đều cố ý làm ngơ. Hàng năm, gia đình ông Thanh kiếm bạc tỉ chỉ nhờ “quyền lực” có thể chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thương mại, dịch vụ.

Việc một cán bộ lãnh đạo UBND huyện và là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy như ông Thanh, biết rõ người trong gia đình mình vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất mà không có biện pháp ngăn chặn là đã vi phạm Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Đương nhiên, sai phạm của ông Thanh cũng không thể qua mắt nhân dân Ninh Hiệp. Họ hiểu rằng ông Thanh cố tình tạo điều kiện bao che để trục lợi và họ đã tố cáo lên các cơ quan cấp trên cũng như phản ánh với báo chí, công luận.

Trớ trêu thay, khi công luận càng lên tiếng, báo chí càng phản ánh thì ông Lý Duy Thanh lại càng thăng tiến. Chuyển công tác từ Huyện ủy sang UBND huyện, ông Thanh vẫn là Ủy viên Thường vụ và được đề bạt làm Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách văn xã.

Chính quyền bất lực

Cũng vì bất mãn trước hàng loạt hành động nhằm mục đích tư lợi cá nhân, không vì lợi ích cộng đồng nên người dân Ninh Hiệp tỏ ra mất niềm tin vào sự chính trực của đội ngũ lãnh đạo huyện, liên tục phản đối hầu hết các dự án triển khai trên địa bàn, bất luận dự án đó là đúng hay chưa đúng pháp luật. 

Có thể nói đến thời điểm này UBND huyện Gia Lâm đã gần như bất lực khi phải chấp nhận đứng nhìn một nhóm người đang vượt quá giới hạn pháp luật. Vì vậy trước hết UBND huyện Gia Lâm cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tổ chức cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép của gia đình ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, sau đó mới có thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với từng cá nhân đang có hành vi vi phạm trên đất dự án.

Một phần do nhận thức chưa đầy đủ nên phản ứng của một số người dân địa phương đã bị đẩy đến mức tiêu cực khiến ngay cả các công trình thuộc “Dự án xây dựng công trình hạ tầng và hạ tầng xã hội để hoàn thiện Nông thôn mới” cũng bị đình trệ.

Đỉnh điểm là việc nhân dân Ninh Hiệp tổ chức cản trở Dự án xây dựng Chợ và Dịch vụ Thương mại tổng hợp (TMTH2) ngày 27/11/2015 khi dự án này bắt đầu khởi công.

Đây là dự án có trong quy hoạch và đã được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng..., toàn bộ quy trình thủ tục đã được thực hiện hợp pháp nhưng trước áp lực của hàng trăm cư dân địa phương dự án đã không thể thực hiện.

Mặc dù Huyện ủy Gia Lâm đã họp với các cơ quan, đoàn thể chính trị để tháo gỡ, tìm mọi cách tuyên truyền vận động nhưng hàng ngày vẫn có đông người tụ tập ăn ngủ ngày đêm trên khu đất dự án. Quá khích trước sự bất lực của chính quyền cơ sở, một số người thiếu hiểu biết pháp luật còn tự ý xây dựng nhà vệ sinh, hàng rào gạch kiên cố trên đất dự án rồi tổ chức trông coi, thu tiền gửi xe trái phép...

Nhìn dưới góc độ pháp luật, hoạt động tụ tập đông người cản trở dự án, gây mất trật tự công cộng của người dân là không đúng. Đặc biệt hành vi xây dựng, tổ chức thu tiền gửi xe trên đất dự án còn có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.

Tuy nhiên, xét đến cùng thì cái sai của dân cũng khởi nguồn từ những bức xúc do sai phạm của cán bộ. Bởi lãnh đạo huyện còn “nêu gương” khinh nhờn pháp luật, để người nhà xây hàng loạt công trình kiên cố trên đất nông nghiệp nhằm trục lợi, nghĩa là "thượng bất chính" thì kiểu gì "hạ" cũng loạn.  Nhưng quan sai đã không xử lý theo pháp luật, vậy dân sai sẽ xử lý như thế nào?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.