Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với trên 82.000ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Trong đó, sầu riêng là cây trồng có diện tích lớn nhất với khoảng 20.000ha, diện tích cho trái trên 12.000ha và sản lượng khoảng 300.000 tấn. Cây khóm có diện tích trên 15.000ha, sản lượng hơn 250.000 tấn. Cây mít trên 13.000ha, sản lượng đạt trên 250.000 tấn.
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, sản phẩm trái cây của tỉnh chủ yếu tiêu thụ thông qua xuất khẩu tại thị trường các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… Tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng để hoạt động xuất khẩu được thuận lợi hơn.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đến nay, Tiền Giang có 271 mã số vùng trồng cây ăn trái đang hoạt động với tổng diện tích trên 20.000ha. Trong đó, có 175 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích gần 19.000ha. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 257 mã số cơ sở đóng gói trái cây được cấp phục vụ xuất khẩu chính ngạch các nước, riêng thị trường Trung Quốc có 250 mã số.
Ông Võ Văn Men cho biết thêm, Tiền Giang đang phấn đấu đến năm 2025, diện tích cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái đạt 100% (diện tích hiện có), trong đó có gần 14.500ha sầu riêng. Riêng năm nay, dự kiến có trên 25.800ha vườn cây ăn quả đặc sản được cấp mã số vùng trồng, trong đó có gần 7.800ha sầu riêng.
Đối với thị trường Trung Quốc, đơn vị đang tiếp nhận xử lý thêm 204 hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu sang thị trường này với tổng diện tích gần 8.900ha. Đồng thời, tiếp nhận xử lý thêm 83 hồ sơ đăng ký cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây.
“Đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh đã cấp mã số và hồ sơ gần hoàn chỉnh gần 9.000ha. Phía Trung Quốc đã đồng ý cấp 66 mã số với diện tích khoảng 2.400ha. Năm nay, phấn đấu diện tích sầu riêng được cấp mã số đạt 70%, đến năm 2025 phải hoàn thành”, ông Men thông tin thêm.
Xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy có vùng chuyên canh sầu riêng gần 1.500ha. Địa phương này chú trọng tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho nông dân và phấn đấu 100% diện tích sầu riêng chuyên canh sẽ được cấp mã số vùng trồng.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết: Tháng 2/2023, HTX được cấp mã số cơ sở đóng gói và 2 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Đến tháng 4, HTX có thêm 6 mã số vùng trồng. Đến nay, diện tích sầu riêng có mã số vùng trồng do HTX liên kết với bà con nông dân tại xã Ngũ Hiệp là trên 200ha. Tháng 5 vừa qua, HTX Ngũ Hiệp tiếp tục tập huấn cho bà con nông dân về xây dựng mã số vùng trồng, kỹ thuật canh tác sầu riêng đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích trên 200ha.
Chia sẻ về những thuận lợi của việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, ông Phạm Tấn Lộc cho biết: So với 3 năm trước đây, thị trường sầu riêng xuất khẩu rất ổn định. Tháng 12/2022, giá sầu riêng mua xô tại vườn lên rất cao, dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg. Tháng 4 - 5/2023, sầu riêng vào mùa nhưng vẫn có giá cao, giá mua xô tại vườn dao động từ 47.000 - 57.000 đồng/kg, cao hơn so với các năm từ 15.000 đồng/kg. Đối với thị trường nội địa, sầu riêng cũng được giá do xuất khẩu tốt nên kéo giá nội địa tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, với việc đẩy nhanh tiến độ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nói riêng, xuất khẩu sang thị trường các nước nói chung, Tiền Giang đang nắm bắt cơ hội để phát triển vững chắc các vùng chuyên canh trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh. Qua đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập, xây dựng thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.