Khởi kiện UBND xã vì thu hồi đất trước thời hạn
Ngày 12/11/2022, Chủ tịch UBND xã Giao Hà Phùng Văn Lập ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đất, buộc ông Láng ngừng các hoạt động sản xuất; thu dọn toàn bộ hoa màu, thủy sản và tài sản trên đất để trả lại mặt bằng cho UBND xã Giao Hà.
Quyết định này đã gây thiệt hại lớn tới hoạt động sản xuất của Hợp tác xã nông thủy sản Giao Hà do ông Láng đứng tên đại diện pháp luật. Toàn bộ 13 khu ao phải dừng nuôi thả, đất canh tác bị hoang hóa, cỏ dại phủ kín; hệ thống chuồng trại, nhà kho, xưởng sấy đinh lăng bỏ hoang, xuống cấp, hư hại nghiêm trọng công trình.
Cuối năm 2023, ông Láng gửi Đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy; yêu cầu Tòa xét xử buộc UBND xã Giao Thủy phải bồi thường thiệt hại cho ông do đơn phương chấm dứt hợp đồng, ngừng toàn bộ sản xuất số tiền 2,1 tỷ đồng; bồi thường tiền cải tạo do đất đai bị để hoang hóa là 200 triệu đồng; trả lại mảnh đất mà ông bỏ kinh phí 300 triệu đồng để làm đường, lấp sông để gia đình ông tiếp tục sản xuất.
Ngày 16/1/2024, TAND huyện Giao Thủy đã có Quyết định thụ lý vụ việc “Tranh chấm Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Mai Xuân Láng; bị đơn là Ủy ban Nhân dân xã Giao Hà do ông Phùng Văn Lập, Chủ tịch UBND xã là người đại diện trước pháp luật.
Theo kế hoạch, ngày 26/9, phiên xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra nhưng phiên tòa này đã bị hoãn. Mới đây, TAND huyện Giao Thủy đã có Thông báo về việc ấn định phiên tòa vào ngày 24/10/2024.
"Trong thời gian tôi ký kết các Hợp đồng thuê đất nông nghiệp của xã Giao Hà, ông Phùng Văn Lập đã là cán bộ công tác tại xã, trải qua nhiều chức vụ, trong đó từng đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch, hiện giờ là Chủ tịch UBND xã. Như vậy ông Lập cũng biết rõ tình hình của vấn đề. Việc xã ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của người nông dân", ông Láng bức xúc.
Trong Đơn khởi kiện, ông Láng cho biết: “Ngày 5/11/2022 ông Phùng Văn Lập lập biên bản buộc tôi ngừng sản xuất nên mảnh đất để hoang, ảnh hưởng tới cả khu dân cư bị chuột phá hoại nên khu ruộng liền kề cũng phải bỏ hoang. Ngày 12/11/2022, ông Lập lại ra Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đấu thầu, bắt ngưng các hoạt động sản xuất, canh tác nuôi trồng thủy sản trên diện tích 3 hợp đồng số 09, 10, 13; tra lại mặt bằng cho xã đồng thời ông Lập cho thông báo lên loa truyền thanh xã mấy tháng trời.
Vì trang trại của ông Láng đầu tư với số tiền rất lớn, phải huy động vốn của nhiều kênh, xã viên HTX… Những người đầu tư vốn thấy vậy đã cùng nhau đòi rút vốn khiến trang trại phải ngưng sản xuất dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, tinh thần.
Do không tiếp tục được sản xuất, nuôi trồng nên HTX nông thủy sản Giao Hà không có nguồn thu để trả lãi ngân hàng, khiến vợ chồng ông rơi vào tình trạng khánh kiệt.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, chủ tịch UBND xã Giao Hà Phùng Văn Lập xác nhận: vụ việc đã được TAND huyện thụ lý, đang trong quá trình xét xử. Ông Lập cũng từ chối cung cấp các thông tin liên quan tới vụ việc với lý do: “Tòa đang thụ lý nên xã không có ý kiến và không cung cấp thông tin”.
Hợp đồng thuê đất sản xuất tới năm 2034
Theo hồ sơ vụ việc, ông Mai Xuân Láng có 4 Hợp đồng đấu thầu đất nông nghiệp để nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế với UBND xã Giao Hà.
Cụ thể: ngày 26/2/2014, tại HĐ số 09 được ký kết giữa UBND xã Giao Hà với ông Mai Xuân Láng, diện tích đất cho thuê là 5,5ha; thời gian cho thuê 20 năm (kết thúc thời hạn thuê đất vào ngày 26/2/2034); giá tiền cho thuê tương ứng 70kg thóc/sào/năm.
Ngày 15/5/2014, UBND xã Giao Hà ký 2 Hợp đồng cho đấu thầu đất với ông Láng, lần lượt các HĐ số 10 cho thuê 7.572m2 (tương đương 20 sào Bắc bộ); giá cho thuê tương đương 70kg thóc/sào/năm; thời hạn cho thuê 20 năm.
Tại HĐ số 13, UBND xã Giao Hà cho ông Láng thuê 8.090m2 đất hai lúa công ích, giá cho thuê 60kg thóc/sào/năm; thời hạn kết thúc cho thuê vào ngày 17/11/2034.
Cả 3 Hợp đồng nói trên đều ghi rõ các điều khoản: Bên thuê (bên B) được phép đào ao, đắp bờ, làm vườn; được phép làm nhà ở trông coi sản xuất; được làm nhà tạm trên diện tích chuyển đổi và xây dựng công trình chăn nuôi tùy theo mô hình của từng hộ; tự huy động vốn để đào ao thả cá, đắp bờ, kéo điện, nước… để nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm.
Riêng Hợp đồng số 15 ngày 13/6/2016, UBND xã Giao Hà ký kết với ông Mai Xuân Láng cho đấu thầu 67.290m2 đất sản xuất nông nghiệp; thời hạn cho thuê 5 năm; giá cho thuê là 56kg thóc/sào/năm; ông Láng cũng được phép đào ao đắp bờ để nuôi trồng thủy sản.
Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đấu thầu đất mà chủ tịch UBND xã Giao Hà Phùng Văn Lập ban hành, buộc ông Láng dừng sản xuất đối với 67.290m2 đất theo HĐ số 15. Thế nhưng, đối với hơn 20 sào đất nông nghiệp ký kết cho ông Láng thuê với thời hạn 20 năm vẫn còn thời hạn (10 năm theo HĐ ký kết).
"Chủ trương cải tạo đất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản được UBND huyện Giao Thủy khuyến khích từ giai đoạn những năm 2010 về trước. Trong đó, khu vực đất hai lúa tại xóm 6 xã Giao Hà cũng nằm trong chủ trương này. Do thuộc quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước ngọt lâu dài, ổn định nên chúng tôi mới đầu tư, đi vay mượn để sản xuất với số tiền lên tới 15 tỷ đồng. Việc thu hồi đất trước thời hạn, không cho chúng tôi sản xuất trong 2 năm qua khiến đất đai bị hoang hóa, lãng phí tài nguyên, trong khi đó không có bất kỳ dự án nào triển khai tại khu vực này đã dồn chúng tôi vào con đường khánh kiệt", ông Láng bức xúc.
Tới đây, theo kế hoạch, phiên tòa sơ thẩm sẽ được TAND huyện Giao Thủy mở vào ngày 24/10 tới đây. Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đưa tin sự việc.