* Xuất hiện thủ đoạn sử dụng chất cấm mới
Vậy nhưng sự vào cuộc cũng như vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương lại rất mờ nhạt..
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong tháng 11 vừa qua, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C49) lấy 89 mẫu TĂCN của các công ty nghi vấn để kiểm tra và phát hiện 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol.
Thanh tra Bộ NN-PTNT đang phối hợp với C49 xác lập hồ sơ để xử lý và điều tra mở rộng tại nơi sản xuất.
Trước mắt, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã tiến hành thanh tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng TĂCN tại các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, có dấu hiệu sử dụng chất cấm, và đã bắt quả tang hai doanh nghiệp phối trộn chất cấm vào TĂCN, là Cty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang) và Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương).
Lực lượng chức năng niêm phong toàn bộ sản phẩm TĂCN của hai doanh nghiệp trên để chờ hoàn thiện hồ sơ và tiến hành xử lý theo pháp luật.
Thủ đoạn mới
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) thì các cơ sở sản xuất TĂCN sử dụng chất cấm thường là doanh nghiệp nhỏ, làm ăn theo kiểu chộp giật, luôn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đoàn kiểm tra của Bộ ráo riết lấy mẫu sản phẩm của các doanh nghiệp thì họ đã sớm nghĩ ra cách đối phó. Doanh nghiệp không phối trộn trực tiếp chất cấm vào sản phẩm nữa mà giao chất cấm cho chủ trang trại như là một sản phẩm khuyến mại đi kèm và hướng dẫn tỉ lệ phối trộn.
Ngày 26/11/2015, nhận được thông tin phản ánh về việc một số trang trại chăn nuôi tập trung tại huyện Hoài Đức và Quốc Oai (Hà Nội) có hiện tượng một công ty TĂCN bán sản phẩm có kèm theo túi bột màu trắng, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã thanh tra đột xuất và lấy mẫu để phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh, ở xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức.
Kết quả kiểm định cho thấy, chất bột màu trắng chính là Salbutamol.
Theo thông tin bước đầu, người cung cấp gói bột màu trắng có chứa chất cấm là Hoàng Kim Cường, ở thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức. Hiện cơ quan Công an huyện và C49 tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm.
Để chặn đứng được việc sử dụng chất cấm, đại diện Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng, chính quyền cấp tỉnh, TP trực thuộc TƯ cần phát động phong trào đấu tranh chống sử dụng chất cấm trong toàn dân, giao nhiệm vụ cụ thể cho một đơn vị chủ trì đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. |
Ngoài ra, đầu tháng 12, đoàn thanh tra cũng thanh tra đột xuất trang trại của ông Nguyễn Văn Quý ở Thành Tân, Sài Sơn, Quốc Oai, phát hiện lô cám ông Quý mới nhập có sản phẩm đi kèm là một gói bột màu trắng.
Ông Quý cho biết ông mới mua 20 bao cám và được đại lý đưa cho gói bột này nói là “men tiêu hóa”.
Nhân dân vào cuộc, cơ quan quản lý đứng ngoài
Trước thủ đoạn mới của các doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong TĂCN, ông Dũng cho rằng, không dễ để phát hiện và xử lý bởi hiện nay giá lợn được nuôi bằng thức ăn có chất cấm luôn cao hơn so với giá lợn nuôi cám thông thường từ 2.000-3.000 đồng/kg.
Vậy nên nhiều chủ trang trại vẫn lén lút thông đồng với các doanh nghiệp trộn chất Salbutamol vào TĂCN. Để bắt được quả tang, cần phải có sự phối hợp của nhân dân trong địa bàn cung cấp thông tin, ngoài ra cũng phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Thanh tra Bộ NN-PTNT phát hiện ra thủ đoạn mới của các doanh nghiệp sử dụng chất cấm cũng là nhờ thông tin nhân dân cung cấp qua đường dây nóng.
Lập tức Bộ NN-PTNT đã quyết định thưởng nóng cho người cung cấp tin 2 triệu đồng và có văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức có phần thưởng xứng đáng cho người dám đứng ra đấu tranh với những vi phạm này, mức thưởng cho người phát giác, cung cấp thông tin có thể lên mức 50 triệu đồng.
Sau khi đi kiểm tra tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước, Thanh tra Bộ NN-PTNT nhận thấy hầu hết các địa phương vẫn buông xuôi, chưa giao rõ nhiệm vụ thanh kiểm tra VSATTP cho đơn vị nào, chưa có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị: Thanh tra Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Cảnh sát Môi trường, nên không phát huy được hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thậm chí có những đơn vị có chức năng quản lý nhà nước nhưng khi nhận được thông tin đề nghị phối hợp từ Thanh tra Bộ NN-PTNT vẫn cố tình thờ ơ.
NAM PHƯƠNG