| Hotline: 0983.970.780

Trả nợ Cham Chu

Thứ Năm 31/10/2013 , 09:45 (GMT+7)

Rừng giàu có và nhiều gỗ quý nên một thời Cham Chu là thủ phủ tập trung những lâm tặc vô cùng khét tiếng. Bây giờ, nếu có dịp lên Cham Chu, ai ai cũng phải bất ngờ.

Nhìn trên bản đồ, rừng núi Cham Chu là một màu xanh thẫm chạy dài trên vùng giáp ranh hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Rừng giàu có và nhiều gỗ quý nên một thời Cham Chu là thủ phủ tập trung những lâm tặc vô cùng khét tiếng. Bây giờ, nếu có dịp lên Cham Chu, ai ai cũng phải bất ngờ.

>> Cô đơn mãi mãi
>> Bữa cơm nòng nọc trên Khau Tép
>> Ký sự miền rừng

Lời nguyền của rừng thiêng

Rừng Cham Chu vốn dĩ được ví von như một kho báu cực kỳ quý hiếm chưa khai quật. Quả thật, hiếm có nơi nào trên đất nước này tập hợp đủ loài gỗ quý vào hạng bậc nhất như ở đây. Từ những rừng nghiến vòng thân to ba bốn mét, những rừng chò chỉ đen thẫm một góc trời, những rừng trai nghìn năm tuổi cho đến loài cây hoàng đàn chỉ cần cắt được một khúc bằng chiếc phích nước thôi thì giá trị cũng bằng cả năm trời làm nương, làm ruộng.

Tất thảy những thứ quý giá nhất rừng Cham Chu đều tập trung ở xã Yên Thuận. Và chẳng có gì lạ, Yên Thuận trở thành điểm hút lâm tặc hơn bất kể khu rừng nào khác. Có chăng, lạ ở chỗ, Yên Thuận là xã nghèo nhất huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, vậy mà rừng Cham Chu vẫn yên bình.

Từ đời này qua đời khác, trong cộng đồng người Dao, người Mông ở Yên Thuận tồn tại một lời nguyền: Nếu ai đó đụng đến rừng thiêng thì sớm muộn gì cũng gặp tai họa.

Ông Vi Thành Ích, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận, cũng giải thích với tôi rằng: Dân bản quan niệm, mỗi cây cối trên rừng đều có sinh linh. Cây càng già thì sinh linh càng lớn. Rừng già mọc đến tận vách nhà, nhưng nếu cầm dao chặt thì tội trạng vô cùng. Suốt một thời gian dài, Yên Thuận chẳng cần đến kiểm lâm và rừng vẫn được giữ đâu ra đấy.

Nhưng độ mười năm trước, nhiều người Dao, người Mông ở Yên Thuận chuyển từ làm nương rẫy sang sống bằng nghề phá rừng. Đó là lúc trên đỉnh núi Đá Trắng của dãy Cham Chu người ta phát hiện loài cây hoàng đàn vô cùng quý hiếm. Hiếm đến nỗi, Nhà nước phải ban hành những quy định ngặt nghèo nhất để bảo vệ. Với ngôn ngữ văn bản hành chính thì “chỉ định tính không cần định lượng”, còn người dân chỉ hiểu nôm na là chỉ cần phát hiện vận chuyển khối lượng bằng chiếc ấm pha trà thôi cũng phải chịu tội khởi tố rồi.


Kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân trồng rừng

Một cây hoàng đàn hàng nghìn năm tuổi, nếu to lắm cũng chỉ bằng phích nước là cùng. Loài cây này thường mọc trên đỉnh những ngọn núi đá cao nhất, lạnh nhất, khắc nghiệt nhất. Những nơi mà chỉ có người Mông giỏi leo, người Dao giỏi tìm đường mới có thể tiếp cận được chúng mà thôi.

Bản làng đang yên bình bỗng chốc lên cơn sốt. Lâm tặc tứ phương kéo về cung cấp cho người dân bản địa đủ thứ dụng cụ đi rừng: Cưa xăng, quần áo, võng dù để leo núi… Và tất nhiên là cả tiền đặt cọc lớn hơn bất cứ thứ gì có giá trị trong nhà. Ba thôn Cao Đường, Hao Bó và Khau Làng trở thành điểm nóng.

Chứng kiến cảnh ấy, Chủ tịch xã Vi Thành Ích phải vượt đường rừng bốn năm chục cây số ra tận trung tâm huyện Hàm Yên kêu hạt kiểm lâm bố trí thêm lực lượng chứ tình hình nguy ngập lẳm rồi. Trên rẻo cao Yên Thuận, dân các bản chia thành hai phe. Một phe kiên quyết bảo vệ rừng theo qui ước rừng thiêng bao đời, còn một phe theo hướng thỏa hiệp với các đầu nậu hòng kiếm chút tiền.

Trước tình cảnh ấy, 4 kiểm lâm viên được điều vào Yên Thuận khi tình thế đã thay đổi. Rừng tự nhiên rộng cả chục ha, 4 kiểm lâm tiếng là lập chốt, lập trạm nhưng chẳng khác nào đem châu chấu đi đấu với voi. Cũng may, những người theo hướng thỏa hiệp chỉ tìm đúng cây hoàng đàn khai thác, còn lại những rừng nghiến, rừng trai, rừng chò chỉ vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt theo qui ước của bản làng.

Cái lý của những người thỏa hiệp cũng vô cùng đơn giản: Hoàng đàn sống trên đỉnh núi đá, có lấy về bán cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Để trên ấy làm gì cho nó phí đi. Với lại, đám người lạ mà người ta vẫn thường gọi là lâm tặc ấy nó chỉ nhờ mình lên lấy xuống rồi nó trả tiền chứ mình có buôn bán gì đâu. Mất một thời gian khá dài, số người thỏa hiệp lần lượt đi tù vì tội khai thác hoàng đàn đem bán thì người Mông, người Dao ở các bản mới ớ ra là vi phạm pháp luật rồi. Số còn lại cho rằng đấy là cái giá mà phải trả, bị rừng thiêng trách phạt.

“Chung qui cũng tại đói nghèo. Xã Yên Thuận có 1.170 hộ, 5.14 nhân khẩu, hộ nghèo còn gần 50%. Nhưng nếu đổ hết cho nghèo thì không phải. Vì thực tế người dân chốn này đã nghèo từ bao đời nay rồi còn gì. Chẳng qua là bị xúi giục thôi”, Chủ tịch Ích nói thế.

Trả nợ cho rừng

Cơn sốt hoàng đàn lắng xuống vì ở Yên Thuận không ai chịu thỏa hiệp với lâm tặc nữa. Những người ngày xưa từng lên núi lấy hoàng đàn hối hận, day dứt lắm. Làm thể nào để “gỡ tội” với rừng thiêng đây? Giữa lúc ấy thì có dự án trồng rừng đặc dụng phòng hộ theo chỉ thị của Bộ NN-PTNT. Cơ hội đây rồi, những kẻ phá rừng ngày trước ào ào đi đăng ký. Họ xem trồng rừng là cái cách để mà trả nợ cho rừng vậy.

Ba bản trồng rừng quyết liệt nhất trên Yên Thuận hiện nay lại chính là Hao Bó và Cao Đường và Khau Làng, những “điểm nóng phá rừng” ngày xưa. Một bản toàn người Dao còn một bản toàn người Mông. Chỉ trong vòng 3 năm, 70 ha rừng đặc dụng phòng hộ, 40 ha rừng sản xuất được người dân các bản “điểm nóng” đăng ký trồng. Lạ ở chỗ, dân bản tích cực trồng rừng đặc dụng phòng hộ, loại rừng hầu như không có giá trị nhiều về kinh tế.

Bản Hao Bó có 112 hộ, 507 khẩu, độc người Dao áo dài sinh sống. Nghèo thì vẫn vậy, chiếm tới 70%. Nhưng hôm tôi lên đây, trưởng bản Bàn Văn Cường khoe rối rít: Ngày xưa phá rừng khỏe một thì bây giờ trồng rừng khỏe gấp mười. Rừng gì cũng trồng cả, năm nay nữa là dân bản hết đất để trồng rồi.

Người trồng rừng hăng hái nhất ở Hao Bó là Bàn Văn Tuấn (33 tuổi). Nhà Tuấn nghèo, hai vợ chồng, 2 đứa con và ba sào ruộng. Một năm thiếu ăn vài ba tháng. Cũng vì cái nghèo ấy mà có một dạo Tuấn “tay cưa tay búa” theo người ta lên Đá Trắng kiếm hoàng đàn. May mắn không phải vào vòng tù tội nhưng mà Tuấn ân hận vô cùng. “Xưa nay dân bản cũng đói nghèo nhưng rừng thiêng không ai đụng đến cả. Qui ước của bản nói rừng là của nhà nước, thế mà mình lại vì tiền tiếp tay cho kẻ xấu phá rừng”, suốt một thời gian dài Tuấn vẫn thường day dứt như thế.


Bàn Văn Tuấn trồng rừng để trả nợ rừng

Khi có chương trình trồng rừng về bản, Tuấn tình nguyện đăng ký vào danh mục trồng cây lát. Khá lạ. Lát là loài cây có chu kỳ sinh trưởng cả trăm năm, còn nếu tính giá trị kinh tế thì cũng phải 50 năm nữa mới hạch toán nổi. Ở những nơi còn đói nghèo thì chẳng ai đi trồng lát cả. Bao giờ mới được thu đây? Với lại, trồng rừng đặc dụng là trồng cho Nhà nước, tham gia dự án này chỉ được mỗi tiền công thôi chứ chờ thu hoạch thì có mà đến đời... mục thất.

Một lựa chọn không nhiều người nghĩ tới, nhưng Tuấn có lý của riêng mình: “Ngày xưa đói quá nên mới theo lâm tặc phá rừng. Bây giờ, cũng đang đói, nhưng đi trồng rừng thôi. Rừng thiêng, rừng quý, trồng được thêm chỗ nào thì trồng, mình không hưởng thì con cháu mình sẽ hưởng”.

Sau ba năm, bây giờ rừng lát của Tuấn nhìn xanh lắm rồi. Anh lại còn tham gia tổ trồng rừng của bản. Ngày ngày Tuấn cùng với tổ trưởng Bàn Văn Sinh, tổ phó Lý Văn Luận cũng là những cựu lâm tặc đi thúc giục dân bản trồng rừng.

Ngược qua Hao Bó, đến bản Cao Đường, bản người Mông sống cao nhất trên Yên Thuận. Trưởng bản Giàng Seo Sàng cười ha hả: Thế là hòa nhé. Ngày xưa có phá nhưng bây giờ trồng lại hết rồi. Chỉ cần có đất thì dân Cao Đường tình nguyện trồng rừng hết.

Mà không chỉ trồng thôi đâu. Các bản làng còn lập ra qui ước giữ rừng. Người lạ, nếu có ý định tác động đến rừng thì đừng mong vào được đất này.

Cái lý thật đơn giản, nhưng thử hỏi nhiều nơi khác, mấy nơi làm được như người dân trên vùng cao Yên Thuận này?

Trạm kiểm lâm Yên Thuận chỉ có 4 người, đang phải thuê nhà của dân để ở nhưng quản lý hơn 7.000 ha rừng đặc dụng. Trạm trưởng Phạm Liên Tú thừa nhận rằng, từ ngày dân bản chung tay giữ rừng thì lực lượng kiểm lâm đỡ vất vả đi nhiều.

Cái chính vẫn là nhờ nhận thức về bảo vệ rừng của người dân đã thay đổi. Nhưng nếu không có giải pháp để người dân vùng cao này phát triển kinh tế thì rừng Cham Chu luôn luôn báo động.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.