| Hotline: 0983.970.780

Trạm bơm tiền tỷ làm 3 năm chưa xong

Thứ Sáu 26/06/2020 , 09:08 (GMT+7)

Đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng trạm bơm, kênh tưới phục vụ sản xuất cho 60ha ruộng nhưng dự kiến 3 năm sẽ hoàn thành, công trình đến nay vẫn dang dở.

Đồng ruộng của người dân vẫn khô khát qua nhiều mùa vụ. Ảnh: Lê Khánh.

Đồng ruộng của người dân vẫn khô khát qua nhiều mùa vụ. Ảnh: Lê Khánh.

Những năm trước đây, tại cánh đồng Rộc (thôn Long Khánh, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cứ mỗi lần đến vụ hè thu (HT) là đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất. Điều này khiến hàng chục ha đất ruộng của bà con đa phần chỉ canh tác được 1 vụ đông xuân (ĐX) còn lại là bỏ hoang.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2016, huyện Phú Ninh đầu tư xây dựng trạm bơm Long Sơn và hệ thống kênh dẫn, sau khi hoàn thành trạm bơm và kênh tưới sẽ lấy nước từ suối Đập Đàn (do trạm bơm Đại An cung cấp lên), cung cấp nước cho khoảng 60 ha diện tích các cánh đồng Rộc, Hốc Bầu, Gò Bút của thôn Long Khánh.

Năm 2017, dự án bắt đầu thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm này. Công trình ngoài đảm bảo vấn đề nước tưới chống hạn còn góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, đã nhiều năm xây dựng nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Không những vậy, dọc tuyến kênh nhiều đoạn cỏ dại mọc um tùm, thậm chí kênh đã nứt toác và bị đất đá bồi lấp. Đến vụ HT năm 2020, nhiều diện tích ruộng của thôn Long Khánh vẫn bỏ hoang vì không có nước sản xuất.

Đường kênh dẫn nước không sử dụng được bị cỏ dại mọc um tùm xung quanh. Ảnh: Lê Khánh.

Đường kênh dẫn nước không sử dụng được bị cỏ dại mọc um tùm xung quanh. Ảnh: Lê Khánh.

Chỉ tay ra 3 sào ruộng đang bỏ hoang của gia đình ở cánh đồng Rộc, bà Phạm Thị Tựu (57 tuổi, trú thôn Long Khánh, xã Tam Đại) cho biết, trước đây diện tích ruộng này nhờ nước mưa nên chỉ sản xuất được vụ ĐX còn vụ HT thì thiếu nước nên bỏ hoang.

“Đến năm 2016, tôi và nhiều người dân nghe thông tin có việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm Long Sơn và kênh mương dẫn nước về cho bà con sản xuất nên mọi người ai cũng vui mừng. Năm 2017, công trình này bắt đầu xây dựng nhưng đến nay chưa xong, bà con vẫn mong mỏi chờ đợi. Người dân rất mong tiếp tục triển khai hoàn thành công trình để người dân có nước sản xuất”, bà Tựu nói.

Ông Phan Văn Hoa (53 tuổi, trú thôn Long Khánh, xã Tam Đại) cũng có 2 sào ruộng thiếu nước sản xuất trong vụ HT. Nghe có chủ trương làm kênh, ông đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất sản xuất để đơn vị thi công làm kênh, thế nhưng công trình làm quá lâu và chưa trả lại mặt bằng ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình.

“Nếu đơn vị tiếp tục xây dựng công trình này để dẫn nước tưới thì khẩn trương triển khai trong thời gian sớm hoặc đơn vị không làm nữa thì phải hoàn trả lại mặt bằng để tôi lấy đất tìm phương án sản xuất khác. Hiện nay, mỗi khi đến vụ HT, tôi đành bỏ đất hoang rất lãng phí”, ông Hoa chia sẻ.

Cũng theo người dân, trong các cuộc họp, cử tri đã nhiều lần kiến nghị hoàn thành công trình để người dân có nước sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa có tiến triển.

Bên cạnh đó, công trình cũng có một số đoạn thiết kế không phù hợp, kênh sâu hơn so với mặt ruộng nên khi đi vào hoạt động,một số diện tích không thể lấy nước được.

Trước sự việc này, ông Nguyễn Văn Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết, dự án trạm bơm Long Sơn và kênh dẫn nước tưới nói trên có tổng mức đầu tư hơn 4,8 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh 3,18 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện. Trạm bơm do Ban Quản lý dự án Đầu tư- Xây dựng huyện (nay là Ban Quản lý dự án - quỹ đất - đô thị huyện Phú Ninh) làm chủ đầu tư.

“Trước khi triển khai dự án, địa phương đã tổ chức họp dân và người dân thống nhất hiến đất. Đến khi đi vào thực hiện thì có một số hộ dân yêu cầu bồi thường, hiện còn vướng mặt bằng của 4 hộ dân. Thời gian qua, địa phương đã tổ chức họp và đối thoại với người dân nhiều lần nhưng một số hộ chưa chịu và yêu cầu bồi thường”, ông Vương thông tin.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.