Hiện tại cá tại các lồng bè vẫn bị chết |
Được biết, vào chiều 22/2 phao dầu mang số hiệu HD 1355 của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn trên sông Kinh Thầy bị nghiêng và chìm cách khu vực nuôi cá của người dân xã Nam Tân khoảng 300m. Sự cố xảy ra làm hàng tấn cá chuẩn bị xuất bán bị chết, hàng trăm lồng cá bị ảnh hưởng. Đến thời điểm này công tác khắc phục sự cố cơ bản đã hoàn thành, hiện tượng cá chết ở các lồng đã giảm.
Ghi nhận tại thôn Trung Hà, xã Nam Tân, các khu vực nuôi cá dầu vẫn còn loang lổ; ở các lồng bè, hễ người dân chạm nhẹ lưới, một lớp dầu lại nổi lên. Dọc bờ sông, hàng chục thùng dầu được người dân vớt chưa được di chuyển đi.
Anh Trần Văn Ngôn ở thôn Trung Hà có 40 lồng cá, nằm ngay cạnh tàu bị chìm, phải gánh hậu quả nặng nhất. “Dầu chảy tràn qua, cá bỏng hết cơ thể và chết. Tôi có một lồng cá chết khoảng 85%, số lượng khoảng hơn 2 tấn. Ngay cả đàn ngỗng của tôi thì một số con bỏng hết cổ, rụng cả lông. Cá đang nuôi, vì sự cố dầu nên 10 ngày không thể cho cá ăn, cá hao hụt đi rất nhiều. Sau này, nếu muốn cá lớn như cũ thì lại phải chăm sóc lại, rất tốn kém thức ăn”.
Theo anh Ngôn, người dân ở đây không chỉ thất thu do cá chết, mà thương hiệu cá lồng bè Nam Sách cũng bị ảnh hưởng theo. Chưa kể, trong nhiều ngày, các hộ gia đình phải huy động người thân vớt dầu tràn, dọn vệ sinh, tốn nhiều công sức.
Nhiều loại cá cho kinh tế cao bị chết |
“Trong thời gian dầu tràn và khắc phục không được cho cá ăn, không nuôi được cá nhưng nhiều người dân vẫn trả lãi ngân hàng tiền vay đầu tư. Người dân mong muốn được thay lưới ở các lồng cá, vì dầu ngấm vào lưới nhưng doanh nghiệp không chấp nhân. Tiền hỗ trợ trung bình khoảng 5 triệu/bộ lưới. Chúng tôi không ai ăn vạ doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi bị thiệt hại thì cũng phải kiến nghị, thế nhưng đến nay doanh nghiệp chưa hề có động thái đền bù, hỗ trợ”.
Như gia đình ông Hoàng Khánh Hưng, có khoảng 50 lồng, là hộ nuôi cá cuối khu vực, nhưng sau bao nhiêu ngày dầu đều tập trung dồn về đọng trong lưới, váng dầu vẫn nổi, hằng ngày có hiện tượng cá chết.
“Trong 10 ngày qua, mỗi ngày số lượng cá nhà tôi chết khoảng vài chục kilogam, thời gian qua số lượng cá chết khoảng vài tạ. Chúng tôi mong muốn chủ tàu phải thay lưới, đồng thời chịu trách nhiệm với thiệt hại của người dân. Nếu không, người dân sẽ kiện. Bình quân mỗi lồng cá ở đây khoảng 200 triệu, trong đó mỗi gia đình sở hữu ít cũng khoảng vài chục lồng”.
Dầu vẫn còn đọng lại tại khu vực nuôi cá |
Sau nhiều ngày chờ đợi chủ phao dầu hỗ trợ trong vô vọng, anh Nguyễn Văn Viên thu thập tư liệu, chuẩn bị hồ sơ để kiện ra tòa.
“Bà con thiệt hại nhiều, doanh nghiệp lẽ ra phải có động thái nào đó hỗ trợ bà con nhưng doanh nghiệp không hề có động thái gì. Điều này khiến bà con hết sức bức xúc. Gia đình tôi đã mất ăn mất ngủ nhiều ngày nay rồi”, anh Viên chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ phao tàu cho biết: “Đây là sự việc không mong muốn cho cả người dân và doanh nghiệp chúng tôi. Khi sự việc xảy ra, tôi đã rất nhanh chóng khắc phục hậu quả, thu gom dầu, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra. Hiện tại chúng tôi chờ kết quả giám định, nếu cá chết do dầu tôi sẽ đền bù. Tôi cũng đã làm việc với chính quyền và người dân, là sẽ hỗ trợ tiền công dọn dầu tràn cho người dân”.
Cũng theo ông Tuấn, hiện tại chỉ còn một số hộ dân là chưa đồng ý với mức hỗ trợ này và "yêu cầu tôi phải thay cả lưới, việc này quá sức đối với tôi”.
Dầu người dân vớt cho vào thùng phuy |
Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: “Chúng tôi ghi nhận có hiện tượng cá chết. Chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, giám định, xét nghiệm, trong một vài ngày tới sẽ có kết quả, khi có kết quả sẽ thông báo cho các hộ dân. Chính quyền đã tổ chức đối thoại giữa người dân và chủ tàu dầu. Hai bên đã bàn bạc với nhau một số vấn đề, còn đền bù bao nhiêu, đền bù thế nào thì chính quyền xã không có thẩm quyền xử lý vấn đề này”. |