| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở cởi 'nút thắt' vùng nguyên liệu

Thứ Tư 07/07/2021 , 09:20 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu rau quả tự tin về công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nhưng muốn sản xuất với số lượng lớn cần nguồn đầu vào ổn định.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 6/7, Viện Nghiên cứu rau quả hỗ trợ sơ chế 1,5 tấn nhãn cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa trước khi đơn vị này xuất khẩu sang Hà Lan. 

Đây là lô nhãn sớm T6 được trồng bởi hợp tác xã Hoa Mười, trú tại Xã Chiềng Khoong, Huyện Sông Mã, Tỉnh Sơn La. Nhãn được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, và đã được cấp chứng chỉ VietGAP. 

Khác với vải, sơ chế nhãn không yêu cầu cao trong việc giữ màu. Tuy nhiên, vỏ nhãn mỏng hơn, cần những phương pháp sơ chế khác như ngâm nước đá, khử khuẩn trong thời gian ngắn, nhằm đảm bảo độ tươi ngon sau khi di chuyển bằng đường hàng không.

Anh Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng Bộ môn Sinh lý sinh hóa và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: "Chúng tôi đã áp dụng nhiều quy trình công nghệ tiên tiến của thế giới để giúp nông sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, đồng thời kéo dài thời gian bảo quản rau, củ, quả".

Theo anh Hạnh, mỗi thị trường xuất khẩu lại có một yêu cầu khác nhau. Do đó, Viện Nghiên cứu rau quả luôn phải cập nhật công nghệ, nhằm cân bằng lợi nhuận cho bà con nông dân.

 

Một trong những khó khăn chính của Viện Nghiên cứu rau quả trong việc hỗ trợ sau thu hoạch, là nguồn nguyên liệu đầu vào. Nếu nông sản không đồng nhất về mặt chất lượng, mẫu mã, và các tiêu chuẩn khác về kỹ thuật, rất khó để chế biến, bảo quản với số lượng lớn.

"Nếu như cởi được nút thắt về nguyên liệu đầu vào, tôi nghĩ nông sản Việt Nam sẽ tăng sức cạnh tranh và sẽ đi được xa hơn, đủ sức chen chân vào những thị trường khó tính", anh Hạnh nhận định. 

Chung quan điểm với anh Nguyễn Đức Hạnh, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, cán bộ Bộ môn Sinh lý sinh hóa và Công nghệ sau thu hoạch nói: "Viện Nghiên cứu rau quả tự chủ một phần về kinh tế. Do đó, những công nghệ chế biến của Viện luôn tùy biến theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Nếu có một vùng nguyên liệu chuyên canh, kết hợp chặt chẽ từ lúc gieo trồng, thu hái và sơ chế để hình thành một chuỗi liên kết, tôi nghĩ nông sản Việt Nam sẽ đa dạng được sản phẩm đầu ra".

Là đơn vị của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ NN-PTNT, những năm qua Viện Nghiên cứu rau quả đã đạt nhiều thành tựu như chuyển nhượng thành công bản quyền 2 giống lan hồ điệp cho Sở NN-PTNT Lâm Đồng, tuyển chọn thành công giống xoài tròn Yên Châu, hỗ trợ nông dân Sơn La canh tác rau quả trong mái che, và chọn tạo thành công 2 giống dưa lê vàng.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu rau quả xem đây mới là những viên gạch đầu tiên trên con đường hình thành một nền nông nghiệp có trách nhiệm, như lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Ông bày tỏ: "Thực tế, nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp tổn thất lớn sau thu hoạch. Vì vậy, Viện Nghiên cứu rau quả sẽ tập trung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ sau thu hoạch, giúp nâng cao thương hiệu nông sản địa phương".

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.