| Hotline: 0983.970.780

Trẻ nói dối có nên trừng phạt?

Thứ Bảy 10/11/2018 , 14:50 (GMT+7)

Có nhiều cha mẹ vô tư nói dối ngay trước mặt con. Những chi tiết này dù rất nhỏ thôi nhưng để trẻ biết thì vô hình trung chúng sẽ nghĩ bản thân mình cũng được quyền nói những câu như thế. 

Dần dà, chúng sẵn sàng bắt chước cha mẹ nói sang hướng khác mà chúng muốn.
 

Do... bố mẹ!

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trường Đào tạo kỹ năng sống và Phát triển tư duy - Wedo- Wegood) chia sẻ, với thời gian hơn 16 năm làm tư vấn, dạy trẻ kỹ năng sống chị từng gặp không ít những câu hỏi, những trăn trở của các bậc phụ huynh với tâm trạng lo lắng chỉ bởi “vì sao con tôi lại nói dối kinh khủng như vậy”.

1-144493081632506
Ảnh minh họa

Và dường như, băn khoăn này ngày càng nhiều hơn, xu hướng “trẻ hóa” hiện tượng nói dối cũng được phổ biến hơn. Theo đó, có những bà mẹ không khỏi hoang mang khi cho biết “nó mới 4 tuổi đầu, nứt mắt mà nói dối thành thần. Làm vỡ bát, đổ ngay sang tại mẹ. Đi vấp ngã đổ tại cái bàn…, hỏi cô giáo có giao bài không thì bao giờ cũng bảo không…”.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo chuyên gia Phạm Hiền thì chính là do… bố mẹ. “Tại sao ư? Chúng ta nên nhìn lại cách ứng xử của mình trong gia đình cũng như đối với bạn bè. Có nhiều cha mẹ vô tư nói dối ngay trước mặt con. Ví dụ ban bố gọi điện rủ đi nhậu, dù đang ở nhà có mặt con ở đấy, nhưng qua điện thoại bố vẫn vô tư bảo không ở nhà mất rồi.

Những chi tiết này dù rất nhỏ thôi nhưng để trẻ biết thì vô hình trung chúng sẽ nghĩ bản thân mình cũng được quyền nói những câu như thế và sẽ đi vào tiềm thức của con. Dần dà, chúng sẵn sàng bắt chước cha mẹ nói sang hướng khác mà chúng muốn”, chuyên gia Phạm Hiền nêu.

Nguyên nhân thứ hai, chuyên gia Phạm Hiền chỉ ra rằng đó chính là cách ứng xử của cha mẹ, gia đình trong tình huống mắc lỗi. Trên thực tế, hoạt động của con trong gia đình, bạn bè, hàng xóm không tránh khỏi con gây ra lỗi gì.

“Đơn giản chỉ là còn làm vỡ cái cốc do chẳng may va vào một người bạn, đứa em. Rất tiếc, cha mẹ Việt Nam chưa có tính kiên trì, bình tĩnh, vì vậy khi một sự cố, sự việc xảy ra dù rất nhỏ thôi nhưng cha mẹ cũng phải quát tháo, mắng mỏ, lấn lướt các con”, chuyên gia Phạm Hiền nói.

Hay như hiện tượng khá phổ biến ở những gia đình trẻ hiện nay, khi anh, chị em chơi với nhau. Thực ra, ra các em bây giờ không hiền lành ngoan ngoãn như những đứa em của vài chục năm trước mà anh nói gì cũng nghe, thậm chí những đứa em bây giờ còn đành hanh hơn, ghê gớm hơn rất nhiều các anh chị của nó.

Tuy nhiên cha mẹ lại luôn áp tư duy làm anh thì phải nhường em, làm anh thì không được phép có bất kỳ hành động hay lời nói nào mà khiến cho em phải khóc, phải buồn… Vì thế có thể trong cuộc chơi giữa hai anh em hoặc hai chị em thôi nhưng khi đứa em tranh giành đồ chơi hoặc nó đòi một cái gì đó có thể gào khóc thì cha mẹ sẵn sàng quay ra mắng chửi, thậm chí đánh anh chị của nó hoặc bắt phải thế này, phải thế kia…

“Đó chính là nguyên nhân khiến con mình trở nên sợ hãi. Và khi nó gây ra lỗi gì thì chắc chắn nó sẽ không dám nhận lỗi với cha mẹ và sẽ phải tìm cách nói bớt đi, hoặc bằng cách nào đó chúng sẽ nói nhưng với mục đích của chúng để cha mẹ không mắng chửi được chúng”, chuyên gia Phạm Hiền phân tích.
 

Đòn roi có ích không?

Theo bà Phạm Hiền, với một tâm hồn non nớt, một tư duy non nớt của con trẻ thì đối với chúng không thể phân biệt được như nào là nói dối cũng như chưa thể phân biệt được nói dối vô hại và nói dối có hại mà chúng chỉ muốn làm sao đấy để chúng không bị bố mẹ mắng, làm sao đấy để không bị bố mẹ đánh.

Một lần nữa, bà Hiền cho rằng, từ những cái rất đơn giản trong ứng xử thôi, từ lần sau đứa trẻ sẽ hình thành nên bản năng sinh tồn của nó làm sao, tìm cách để lấp liếm, tìm cách để biện hộ cho bản thân. Trẻ sẽ tìm cách nào đấy để nó có thể đổ lỗi bất kỳ một cái gì, cho bất kỳ một ai khác để tránh những trận đòn roi, quát tháo.

Từ những nguyên nhân này, chuyên gia Hiền đưa ra lời khuyên cho những bậc phụ huynh. Cụ thể, các bậc phụ huynh không tạo cơ hội cho con nói dối bằng cách thay bằng dùng các câu nói “Ai làm thế này?”, “Con làm phải không?”, cha mẹ nên dùng “Nào chúng ta cùng dọn?”, “Theo con thì tại sao điều này xảy ra?", "Con có cách nào để lần sau không như thế?". Đặc biệt, cha mẹ không mắng hoặc phạt khi phát hiện con gây ra lỗi mà phân tích cho con hiểu về việc con đã sai và hãy rút kinh nghiệm lần sau, đồng thời hướng dẫn cho con thực hiện.

Sau đó, bố mẹ cần kiên nhẫn giải thích phân tích cho con phân biệt được loại nói dối vô hại và có hại giúp trẻ phân biệt được để không có những nhận thức sai lệch khi lắng nghe xung quanh. Lưu ý rằng dù với bất kỳ lý do gì phải nói dối dù vô hại cha mẹ không nên nói trước mặt con cái.

“Cha mẹ hãy nhớ đòn roi không làm con nên người mà chỉ làm tổn thương con mà thôi! Vì vậy ứng xử khi con nói dối cũng là một kỹ năng rất cần thiết cho các bậc làm cha làm mẹ”, chuyên gia Phạm Hiền nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?