| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Trà Leng: Tết buồn gợi nhớ về ký ức

Thứ Ba 26/01/2021 , 08:20 (GMT+7)

Những móng nhà của ngôi làng mới ở Trà Leng dần hình thành. Họ sẽ có nhà mới để đón Tết. Cũng ấm lòng nhưng chắc chắn rằng, niềm vui không thể nào trọn vẹn.

Vượt lên nỗi đau

Những ngày cuối năm, nắng đã xuất hiện trên vùng núi lở. Những chiếc xe múc, máy ủi ầm ào san lấp mặt bằng để dựng nhà mới cho 51 hộ dân bị mất nhà trong bão lũ. Làng, vẫn sẽ giữ lại cái tên cũ, như để nhắc nhớ nỗi đau mà họ đã trải qua rồi từ đó biến thành động lực để sống tiếp quãng đời còn lại, thay cho những người đã khuất.

Già Hồ Văn Đề có 8 người thân mất trong vụ sạt lở ngày nào cũng ra nơi làng cũ để ngóng chờ tin tức của những người còn mất tích. Ảnh: L.K.

Già Hồ Văn Đề có 8 người thân mất trong vụ sạt lở ngày nào cũng ra nơi làng cũ để ngóng chờ tin tức của những người còn mất tích. Ảnh: L.K.

Còn nhớ, khi Trà Leng hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên nhiên, nỗi mất mát quá lớn mà họ phải gánh chịu khiến cho cả nước phải quặn thắt. Nhiều lòng hảo tâm khắp mọi miền đất nước cùng hướng về chia sẻ khó khăn, chỉ mong sao những con người ấy sớm vượt qua thương đau, bắt đầu một cuộc sống mới.

Chính quyền các cấp cũng tích cực tạo mọi điều kiện để người dân Trà Leng không phải cô đơn, buồn tủi. Đặc biệt, trong thời gian này, tất cả lực lượng đang nỗ lực xây nhà mới cho các nạn nhân, gấp rút hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đó là niềm an ủi lớn nhất với những phận đời nơi đây.

Trên khu đất rộng 6ha được chọn làm khu Tái định cư, hàng chục công nhân vẫn tích cực làm việc để bàn giao nhà cho người dân vùng sạt lở Trà Leng. Tết này bà con sẽ có nhà mới đón Tết đầm ấm, an lành.

Ước mong được sống trong ngôi nhà mới của bà con vùng sạt lở Trà Leng không còn quá xa khi tiến độ xây dựng đang rất “thần tốc”. Bất chấp thời tiết nhiều ngày qua giá rét, mưa phùn đặc trưng của vùng núi, công trình xây dựng vẫn nhộn nhịp, tiếng cười nói của công nhân, tiếng cưa, máy... vang cả một góc rừng.

Phía xa, những người ở trong nhà tạm vẫn dõi mắt về phía khu tái định cư đang gấp rút xây dựng. Họ vẫn không thể nào quên, thời điểm này, vào năm ngoái là Tết mùa, tết máng nước của người đồng bào Ca dong. Đây là dịp người làng cám ơn thần rừng cho vụ mùa bội thu rồi bước vào mùa vụ mới. Nhưng nay, trong ngổn ngang đồ đạc, họ chỉ ngồi bó gối rồi quay ánh mắt về phía con sông Leng với bao sự ám ảnh. Tết với họ mà nói, gần nhưng mà xa lắm…

Những người dân trong vụ sạt lở đang sống trong nhưng ngôi nhà tạm. Ảnh: L.K.

Những người dân trong vụ sạt lở đang sống trong nhưng ngôi nhà tạm. Ảnh: L.K.

Anh Nguyễn Thanh Sơn kể rằng, nhưng năm trước, vào thời điểm này thì gia đình anh gần như đã tề tựu đông đủ. Những miếng thịt heo, thịt sóc đã được mấy bận khói ở trên gác bếp, bốc mùi thơm lừng. “Nhưng năm nay, đến cái nhà cũng chưa có mà ở thì mua sắm gì. Tiền, để phụ làm lại nhà rồi, chẳng dám tiêu gì hoang phí. Ngay cả việc cải thiện bữa ăn cũng phải đắn đo nói gì mua mứt hay bánh kẹo?”, anh thở dài, đôi mắt đăm đăm nhìn vào đống lửa để hong khô bộ quần áo treo phía trên.

Tết đã rất cận kề, nhưng khác với những năm trước, người dân ở Nóc ông Đề cảm thấy lòng lạnh lẽo. Bởi, thời gian 3 tháng kể từ ngày xảy ra thảm họa không thế nào xoa dịu đi vết thương quá lớn trong lòng những người ở lại. Nhiều khi, những món quà Tết được các đoàn từ thiện đến cũng mang lại một chút ấm áp vì biết rằng, còn có rất nhiều người quan tâm mình nhưng nỗi buồn lại lớn hơn vì lúc đó những ký ức về cái Tết rộn rã bên những người thân các năm trước lại ùa về, điều mà chẳng bao giờ họ có được nữa.

Nỗi niềm người ở lại

Chính quyền đang nỗ lực đốc thúc các đơn vị khẩn trương hoàn thành nhà mới cho người dân có nhà cửa bị vùi lấp do sạt lở có nơi ở để đón Tết. Ảnh: L.K.

Chính quyền đang nỗ lực đốc thúc các đơn vị khẩn trương hoàn thành nhà mới cho người dân có nhà cửa bị vùi lấp do sạt lở có nơi ở để đón Tết. Ảnh: L.K.

Giờ đây làng cũ không còn, nhiều người cũng đã mãi mãi ra đi. Những ngày tháng tuy còn nhiều gian khó nhưng tươi đẹp đó họ chỉ còn trong ký ức, sẽ mãi mãi không bao giờ tìm lại được.

Hơn ai hết, già Hồ Văn Đề là người hiểu rõ nhất những đau thương này bởi già chính là người lập nên nóc ông Đề (năm 1998). Hơn 20 năm gắn bó, bao thăng trầm, buồn, vui của làng già đều chứng kiến hết. Nên bây giờ, mỗi lúc trời về chiều, cái thời điểm gợi cho con người cảm giác buồn bã nhất, già Đề lại ra nơi làng cũ, ngồi bần thần ở đó.

Điếu thuốc trên tay già chẳng bao giờ tắt. Những hoài niệm cũ cứ quấn lấy rồi phà ra theo làn khói thuốc. Già Đề kể rằng, cuộc sống của cả làng chủ yếu dựa vào nương rẫy. Cuộc sống tuy không giàu sang gì nhưng cũng no đủ.

Mỗi dịp Tết đến, nhà nào được mùa thì có mấy ché rượu cần, ít thịt sóc, nai, lợn rừng để treo lên giàn bếp. Thứ rượu cay nồng, thơm lừng mùi lá quế được người dân ủ sớm để đón Tết. Nhưng nay, làng chỉ còn lại đống đổ nát. Kí ức càng tươi đẹp, thì nỗi đau mà người đàn ông 77 tuổi này đang gánh lại càng lớn hơn. Cả tiếc nuối, hoài thương và cả hối hận.

“Thời gian qua bà con chúng tôi được nhà nước, nhiều người khắp nơi quan tâm, đến tặng quà, an ủi động viên trong lòng cũng vui lắm. Tới đây lại có nhà mới để ở đón Tết nữa, thực sự rất xúc động. Năm nay, về vật chất thì bà con có một cái tết đầy đủ nhưng chắc chắn là sẽ không thể nào trọn vẹn được như năm trước khi mà nhiều người thân chúng tôi đã…”, già Đề nghẹn giọng.

Màn đêm dần buông xuống, một màu đen bắt đầu bao phủ khu làng cũ vẫn còn khá ngổn ngang. Già Đề đưa ánh mắt nhìn quanh một hồi rồi quay mặt bước đi, lững thững về khu nhà tạm mà gia đình đang ở. Một đợt gió mạnh thổi qua, điếu thuốc trên tay già những tưởng đã tắt ngấm bất chợt sáng lên đỏ rực. Giống như sức sống của con người nơi đây, trải qua bao nhiêu giông bão nhưng niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp sẽ không bao giờ tắt…

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để bà con vùng sạt lở có một cái Tết đầy đủ. Qua vận động xã tiếp nhận 50 hệ thống điện năng lương mặt trời, dự kiến sẽ bố trí thắp sáng các vùng tái định cư, khu tạm trú sạt lở để tạo không khí ngày Tết.

Hiện tại, số lương thực hỗ trợ cho người dân sau mưa bão vẫn còn nhiều, đủ để cho người dân trước trong và sau Tết. Nếu thiếu, xã sẽ mở 2 kho lương thực để hỗ trợ cho bà con. “Cùng với đó, hiện có nhiều đoàn từ thiện mong muốn đến địa phương để trao bánh, mứt cho người dân. Khi đủ điều kiện chúng tôi sẽ tiếp nhận để phân phối cho người dân vui xuân, đón tết…”, ông Cường nói.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chính sự đồng thuận cao từ phía người dân và chính quyền đã giúp mặt bằng nhanh chóng được triển khai thực hiện, đảm bảo các điều kiện sớm thi công công trình nhà ở cho người dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ theo chủ trương của tỉnh.

“Việc triển khai phải đảm bảo các yếu tố vừa nhanh về tiến độ nhưng cũng vừa đảm bảo an toàn trong lao động. Cố gắng đến Tết Nguyên đán 2021 một số hộ dân kịp thời có nhà ở để đón năm mới, ổn định cuộc sống, vui xuân đón tết”, ông Bửu nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.