| Hotline: 0983.970.780

"Nữ hoàng mắc ca" cổ nhất Việt Nam

Thứ Hai 02/02/2015 , 06:13 (GMT+7)

Ngày 29/1, từ nguồn tin của một cán bộ lâm nghiệp kỳ cựu của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã đến biệt thự số 26 trên đường Trần Hưng Đạo để trực tiếp mục sở thị cây mắc ca được cho là “cổ” nhất của Việt Nam./ Bàn thêm về giống mắc ca

Không ai biết cây mắc ca cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo (Đà Lạt, Lâm Đồng) đến từ phương trời nào, do ai trồng, mục đích để làm gì... Nhưng theo đoán định của một số chuyên gia lâm nghiệp, đây rất có thể là cây mắc ca đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

Ngày 29/1, từ nguồn tin của một cán bộ lâm nghiệp kỳ cựu của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã đến biệt thự số 26 trên đường Trần Hưng Đạo để trực tiếp mục sở thị cây mắc ca được cho là “cổ” nhất của Việt Nam.

14-06-47_dsc02511
Cây mắc ca lâu đời nhất của Việt Nam(?) đang đứng đơn độc trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt

Không quá khó khăn để tìm thấy cây mắc ca ấy, dù hỏi nhiều nhân viên đang làm việc ở Dalat Cadasa Resort - đơn vị đang quản lý và kinh doanh khu biệt thự Trần Hưng Đạo - đều được trả lời rằng “không biết”: Nó nằm ngay bên hông biệt thự số 26 ở cuối đường Trần Hưng Đạo, tiếp giáp với đường Hùng Vương và đường Mimoza (ngã ba).

Bất ngờ cây mắc ca cổ thụ

Quả thật, chúng tôi không thể tin được rằng ngay giữa lòng thành phố du lịch Đà Lạt vốn “lạ lẫm” với loại cây trồng này lại có một (và chỉ một mà thôi) cây mắc ca to lớn đến nhường kia.

Biết chúng tôi tìm hiểu về giống cây quý trong khuôn viên biệt thự, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó GĐ điều hành Dalat Cadasa Resort - xuất hiện và chia sẻ: “Tôi vừa tiếp quản khu du lịch này nên thú thật là chưa hiểu nhiều về cây mắc ca độc nhất vô nhị trong khuôn viên biệt thự 26 hiện đang được giới chuyên môn ngành lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng quan tâm.

Chỉ có thầy của tôi, ông Nguyễn Thế Hùng (một nhà khoa học, Tổng GĐ Cadasa TP.HCM), thỉnh thoảng nhắc chúng tôi phải bảo vệ một cách tốt nhất cái cây này, vì nó rất có giá trị về nhiều mặt”.

Trực tiếp nhìn thấy cây mắc ca cổ thụ của Đà Lạt, chúng tôi quan sát bằng mắt thường: Đường kính gốc không dưới 40cm, chiều cao khoảng 11 - 14m, tán rộng khoảng 9 - 10m.

Như nhiều người khác ở Lâm Đồng có tiếp xúc thường xuyên với cây mắc ca (hiện Lâm Đồng đang trồng thử nghiệm giống cây nhập ngoại này ở nhiều địa phương), chúng tôi khẳng định đây là cây mắc ca cổ nhất, to lớn nhất ở Lâm Đồng hiện nay.

14-06-47_dsc02529
Hiện cây mắc ca cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) đang cho hoa

Mắc ca có tên khoa học là Macadamia, là tên chỉ cây thân gỗ có nguồn gốc từ rừng châu Úc, thuộc họ Proteaceae. Mắc ca là loại cây trồng khá mới mẻ đối với thế giới (được phát hiện vào năm 1857) và càng mới mẻ đối với Việt Nam (du nhập vào Việt Nam từ sau năm 2000).
Hiện ở Việt Nam, mắc ca được mệnh danh là “hoàng hậu quả khô” hay “cây tỷ đô” bởi giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng của nó. Đây là cây trồng đang được khuyến khích ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - GĐ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (đơn vị đầu tiên trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Lâm Đồng), cán bộ chuyên ngành lâm nghiệp - nói: “Trước và sau khi Trung tâm chúng tôi triển khai trồng thử nghiệm cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tôi có đi tham quan nhiều vùng trong cả nước có trồng mắc ca. Theo chỗ tôi biết, đây là giống cây nhập ngoại, mới trồng ở Việt Nam chưa đến 20 năm nay.

Đến thời điểm này, tuổi trung bình của mắc ca Việt Nam chỉ trên dưới 10 năm, cây lâu năm nhất cũng chưa đến 20 tuổi. Nhưng với cây mắc ca trên đường Trần Hưng Đạo, với những thông số sơ bộ mà chúng tôi có được, bằng cảm quan, tôi khẳng định tuổi của cây mắc ca này trên dưới 50 năm.

Ở Lâm Đồng, trong quá trình triển khai dự án, tôi cũng đã đi nhiều nơi nhưng không ở đâu tôi nhìn thấy cây mắc ca “khổng lồ” như thế này. Có thể nói, đây là cây mắc ca ít nhất là đại thụ và duy nhất có tuổi trên dưới 50 năm trong thời điểm hiện tại ở Lâm Đồng, và có khi còn cả ở Việt Nam”.

Có thể là cây mắc ca lâu đời nhất

Thạc sỹ Lương Văn Dũng, một chuyên gia lâm nghiệp, hiện là Phó khoa Sinh trường Đại học Đà Lạt, nói: “Nhà tôi ở gần khu biệt thự Trần Hưng Đạo nên tôi nhìn thấy cây này từ lâu lắm rồi.

Đến 1995, khi đang là sinh viên của khoa sinh trường Đại học Đà Lạt, được học về cách phân loài thực vật, tôi đã nhớ lại cây mắc ca gần nhà mình. Đến 2006, khi cây mắc ca được du nhập về Việt Nam để trồng, tôi biết thêm là nó là thứ cây có giá trị rất cao về kinh tế”.

Thạc sỹ Lương Văn Dũng chia sẻ thông tin: “Tuy không chính thức nhưng trong vài năm gần đây, tôi có tiến hành nghiên cứu cây mắc ca “gần nhà” này và biết được: Nhờ đứng chân ở địa bàn Đà Lạt từ rất nhiều năm qua (trên dưới 50 năm) nên đến lúc này, nó hoàn toàn thích nghi với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng nên nó có thể được xem như là một giống cây bản địa của Lâm Đồng.

Bởi vậy, đây rất có thể là một nguồn giống quý dùng để ghép với các giống mắc ca nhập ngoại nhằm tạo ra một dòng mới có giá trị cao về nhiều mặt, trong đó có giá trị về mặt kinh tế”.

Thạc sỹ Lương Văn Dũng nhấn mạnh: “Dù đây chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên nhưng nếu như có sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng một cách thích đáng và bài bản thì sản phẩm của một “cây cảnh” mắc ca cổ thụ bản địa Lâm Đồng này sẽ cho chúng ta thu lợi về nhiều mặt, nhất là về nghiên cứu giống và về kinh tế”.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất