Sau khi tận mắt chứng kiến nông dân Việt Nam trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, chè… nhằm tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và lao động, đoàn chuyên gia nông nghiệp đến từ nước Mỹ đã khẳng định: Đây là cách làm khác biệt, phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, tạo thêm sản phẩm có tính cạnh tranh cao và giúp đa dạng nguồn thu cho nông dân trong tương lai.
Ông Dick Kim, một chuyên gia đến từ vùng lãnh hải Micronesia của Mỹ, cho biết: Nhu cầu tiêu dùng về sản phẩm mắc ca trên thế giới ngày càng tăng, trong khi diện tích trồng cây mắc ca trên thế giới không nhiều, đây chính là lợi thế đầu tiên cho Việt Nam.
Theo ông Kim, đời sống kinh tế toàn cầu ngày một nâng lên, lợi ích sức khỏe của hạt mắc ca cũng được khẳng định và phổ biến rộng rãi, khiến nhu cầu sử dụng loại hạt này ngày càng lớn, nhất là tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Ngay tại Việt Nam, thu nhập người dân cũng đang cải thiện, một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao sẵn sàng chi tiền để sử dụng các loại hạt tốt cho sức khỏe, trong đó có mắc ca.
Ông Kim cũng giải thích băn khoăn lớn nhất của nhiều người, là tại sao mắc ca có giá trị kinh tế, nhu cầu sử dụng lớn, nhưng các nước như Úc, Mỹ không phát triển nhanh diện tích? Nguyên nhân chính là chi phí lao động tại các nước này rất cao, trong khi quả mắc ca không chín đồng loạt, rất khó để cơ giới hóa.
Việc thu hoạch mắc ca kéo dài trong nhiều tháng và phải sử dụng nhiều lao động trực tiếp, khiến giá thành sản xuất tại các nước này không có tính cạnh tranh.
Ngược lại, đây lại là lợi thế cực lớn của Việt Nam. Thử so sánh, chi phí trả công lao động bên Mỹ hay Úc lên tới 17 USD/giờ. Với số tiền này có thể trang trải 2 ngày công cho một lao động tại Việt Nam.
“Cách làm của chúng tôi là luôn thận trọng và mong muốn nông dân có thêm lựa chọn cho mình. Quan điểm của Công ty là đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu, bởi nông dân có thành công thì dự án mới có thể thành công”, đại diện Công ty Him Lam khẳng định. |
Còn ông Arona Palamo, một cố vấn cao cấp về nông nghiệp vùng lãnh hải Tây Somoa của Mỹ thì nhận định: Ở VN, nông dân trồng xen cây mắc ca cùng chè và cà phê là điểm khác biệt với các nước (chủ yếu trồng chuyên canh).
Với mô hình trồng xen, sẽ tạo ra lợi ích lớn khi tận dụng tối đa sự thuận lợi của khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn lao động trong chăm sóc cùng lúc nhiều loại cây trồng. Việc trồng xen còn giúp nông dân Việt Nam đa dạng nguồn thu và luôn có tiền trang trải cuộc sống gia đình trong thời gian (6 – 7 năm) đợi mắc ca cho thu hoạch trái.
Tuy nhiên, đoàn chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế. Theo ông Dick Kim, vườn mắc ca tại Việt Nam trồng giống thực sinh khá nhiều, hiệu quả không cao, đây cũng là sự khác biệt với các nước (chủ yếu trồng giống mắc ca ghép). Trong một vườn mắc ca tại Lâm Đồng, đoàn còn thấy nông dân trồng rất nhiều giống mắc ca khác nhau...
Đại diện Công ty Cổ phần Him Lam, đơn vị đang phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) triển khai dự án trồng mắc ca tại Tây Nguyên, cho biết: “Khi so sánh lợi thế cây mắc ca với các loại cây trồng khác, chúng tôi nhận thấy, nếu không triển khai dự án này thì sẽ mất đi một cơ hội tăng thêm nguồn thu cho người nông dân”.
Chính vì vậy, dự án này đã được Công ty Cổ phần Him Lam mời các chuyên gia nông nghiệp quốc tế sang khảo sát, đánh giá khách quan, từ đó đưa ra các bước đi phù hợp cho quá trình triển khai dự án. Hàng loạt các công việc khác như xây dựng vườn ươm giống, xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và mua bảo hiểm cho bà con nông dân trồng mắc ca..., cũng đang được Công ty thực hiện hết sức chặt chẽ.