Trước đó, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Sở Y tế Thanh Hóa về việc tổ chức chào mừng kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tâm y tế TP. Thanh Hóa đã gửi văn bản tới các đơn vị y tế đóng trên địa bàn thành phố (có danh sách kèm theo) để xin tiền làm băng rôn.
Công văn nêu rõ: “Căn cứ vào nhiệm vụ do Sở Y tế giao, Trung tâm Y tế TP. Thanh Hóa đề nghị các Bệnh viện tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa các đơn vị y tế đóng trên địa bàn thành phố đóng góp kinh phí để làm băng rôn chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2023).
Điều lạ là, mặc dù phát đi công văn xin tiền ủng hộ làm băng rôn, nhưng lãnh đạo Trung tâm y tế TP. Thanh Hóa lại quy định mức đóng góp cụ thể cho các đơn vị. Theo đó, mức đóng góp cao nhất được ấn định đối với mỗi đơn vị cao nhất là 6,6 triệu đồng, thấp nhất là 3,3 triệu đồng. Theo danh sách phóng viên có được, tổng mức huy động đóng góp mà Trung tâm Y tế TP. Thanh Hóa dự kiến thu được là 99 triệu đồng.
Được biết, trước khi Trung tâm Y tế TP. Thanh Hóa phát hành văn bản, Sở Y tế Thanh Hóa đã yêu cầu tất cả các đơn vị y tế trong ngành phải tổ chức thực hiện treo băng rôn. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị y tế hỗ trợ, đóng góp băng rôn cho Trung tâm Y tế tuyến huyện trên địa bàn. Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa phải đóng góp ít nhất 10 băng rôn; Các đơn vị y tế còn lại trên địa bàn đóng góp ít nhất 5 băng rôn...
Một số đơn vị khi nhận được công văn nói trên tỏ ra khó hiểu với việc ấn định mức kinh phí đóng góp nêu trên, đồng thời cho rằng, việc treo băng rôn và tổ chức kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam cần thực hiện ở mức phù hợp, tránh lãng phí.
Trao đổi nhanh với NNVN qua điện thoại, ông Lê Việt Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa cho hay, việc vận động kinh phí để làm băng rôn là thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế Thanh Hóa.
“Những năm trước đây, Sở Y tế chủ động làm việc này (vận động kinh phí để tổ chức kỷ niệm) nhưng năm nay Sở giao cho các Trung tâm y tế trên địa bàn các huyện triển khai. Sở chỉ đạo nên chúng tôi mới thực hiện”, ông Hùng nói.
Nói về việc ấn định mức đóng đối với các đơn vị Y tế đóng trên địa bàn TP. Thanh Hóa, ông Hùng cho hay: “Căn cứ vào số lượng băng rôn, chúng tôi làm kế hoạch in ấn để các đơn vị có căn cứ đóng góp. Dự kiến sẽ có 140-150 băng rôn được treo trong dịp kỷ niệm”. Ông Hùng cho biết thêm, trong kinh phí vận động đóng góp đã bao gồm cả phụ phí khác (công treo, tháo dỡ băng rôn…).
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, sẽ cho kiểm tra lại thông tin phản ánh nêu trên, đồng thời từ chối trả lời về câu hỏi: Việc Trung tâm Y tế TP. Thanh Hóa đưa ra quy định mức thu, đóng góp đối với các đơn vị y tế đóng trên địa bàn thành phố là đúng hay sai?
“Chúng tôi sẽ kiểm tra xem họ thu và nộp có sử dụng có đúng mục đích hay không”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, theo văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, kinh phí thực hiện tổ chức kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc quản lý và sử dụng kinh phí trên phải tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Việc tổ chức các hoạt động truyền thông phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
Câu hỏi đặt ra là, theo chỉ đạo của Sở Y tế, việc Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa làm văn bản vận động các đơn vị hỗ trợ kinh phí làm băng rôn và ấn định mức thu có phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế? Việc huy động cả trăm triệu để làm băng rôn có gây ra lãng phí? Việc kiểm soát sử dụng nguồn kinh phí nêu trên được thực hiện ra sao?