| Hotline: 0983.970.780

Từ nghề chằm nón ngựa đến được đề nghị xét tặng Nghệ nhân Ưu tú

Thứ Hai 23/01/2023 , 08:45 (GMT+7)

Năm 2023, Bình Định dự kiến sẽ đón 5 triệu lượt khách du lịch, đây là cơ hội để nón ngựa, 1 "đặc sản” của tỉnh này theo chân du khách vươn xa.

Người thâu tóm tinh hoa của nghề chằm nón ngựa

Theo Sở Du lịch Bình Định, trên nền tảng sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch trong năm 2022 với hơn 4 triệu lượt khách, dự kiến năm 2023 ngành du lịch tỉnh này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với dự báo sẽ đón 5 triệu lượt khách.

Khách du lịch về Bình Định càng đông, những món đặc sản của Bình Định càng có cơ hội theo chân du khách đi xa. Bởi, khi khách du lịch đặt chân lên miền đất nào, là khi về đều muốn trong tay có 1 món đặc sản của địa phương ấy mang về tặng người thân.

Ở Bình Định thì có vô số đặc sản, riêng nón ngựa, 1 đặc sản kết tinh của sự sáng tạo, kỳ công, khéo tay, hiện đã được nâng tầm từ 1 chiếc nón che mưa che nắng thành 1 tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, chiếc nón ngựa còn mang trong mình cả 1 chiều dài lịch sử suốt hơn 300 năm, đó là món quà không thể thiếu của bất cứ du khách nào đến Bình Định để lưu giữ chút kỷ niệm về vùng đất được mệnh danh là “đất Võ, trời Văn”.

Nhập chú thích ảnh

Cụ Đỗ Văn Lan với chiếc nón ngựa của bậc tiền nhân trong dòng họ Đỗ ở làng Phú Gia chằm đã được gìn giữ 120 năm. Ảnh: V.Đ.T.

Nơi khai sinh ra chiếc nón ngựa độc đáo nói trên là làng Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định). Thế nên bây giờ chiếc nón ngựa có cái tên gọi ghép là “nón ngựa Phú Gia”.

Qua bao nhiêu biến thiên, nhất là trong bối cảnh sự hiện đại hóa ngày càng lấn lướt những gì xưa cũ, thế nhưng đến nay nón ngựa Phú Gia không những vẫn tồn tại, mà còn được nâng tầm thành sản phẩm OCOP 4 sao và được quảng bá rộng rãi, xuất ngoại sang nhiều nước trong khu vực châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương. Ấy là nhờ công lớn của dòng họ Đỗ ở làng Phú Gia.

Dòng họ Đỗ ở Phú Gia đến nay đã có 4 đời nối nghiệp theo nghề chằm nón ngựa. Thời kỳ nào dòng họ Đỗ cũng sản sinh ra những nghệ nhân chằm nón. Nổi bật nhất trong đó là cụ Đỗ Đạt, cụ Đạt còn có tên gọi khác là Thủ Tiện, người được cả làng Phú Gia liệt vào bậc tiền bối trong nghề chằm nón ngựa. 1 trong những chiếc nón ngựa của cụ Đạt chằm ngày xưa giờ được con cháu lưu giữ đến nay đã 120 năm.

Nhập chú thích ảnh

Cụ Đỗ Văn Lan với chiếc nón ngựa đã được cách tân. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ Đỗ Văn Lan năm nay đã 76 tuổi, là hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ Đỗ ở Phú Gia hiện vẫn đang miệt mài gìn giữ, truyền nghề chằm nón ngựa cho người dân trong làng. Năm 9 tuổi, cụ Lan đã bộc lộ tài năng chằm nón ngựa bằng đôi tay khéo léo đến thần kỳ của mình, được cả làng ví như “thần đồng” trong nghề chằm nón.

Người làng Phú Gia truyền miệng rằng cậu bé Đỗ Văn Lan lúc nhỏ đã “thâu tóm” hết tinh hoa của các bậc tiền nhân trong nghề chằm nón ngựa.

Theo cụ Đỗ Văn Lan, đặc trưng của nón ngựa Phú Gia là trên chóp nón có chụp bằng đồng hay bạc. Trên mê của chiếc nón ngựa dành cho phái nam thường được thêu hoa văn long-lân-quy-phụng, lưỡng long tranh châu, ngũ long tranh châu; còn nón dành cho phái nữ thường được thêu ngũ phụng, mai-lan-cúc-trúc hoặc cảnh vật, hoa lá. Ngày xưa, những họa tiết khác nhau trên chiếc nón ngựa là để phân biệt chức sắc của người sử dụng trong xã hội phong kiến thời ấy.

Nhập chú thích ảnh

Những bậc cao niên ở làng Phú Gia tích cực truyền nghề chằm nón ngựa cho lớp hậu duệ. Ảnh: V.Đ.T.

Xưa kia, nón ngựa được nghĩa quân nhà Tây Sơn đội trong lúc ra trận vì độ bền của nón. Khác với nhiều dòng nón truyền thống của người Việt, nón ngựa độc đáo hơn với phong cách thể hiện đặc trưng, tinh xảo.

Người xưa sử dụng 3 vật liệu chủ đạo làm nón ngựa, gồm: lá kè mỡ (1 loài cây rừng), rễ cây dứa và thân cây tre nứa. Sau khi lợp lá, trên mê nón còn được người thợ thêu hoa văn họa tiết, bên trên được chụp chóp làm bằng bạc, đồng hoặc đá…

“Từ xưa đến giờ, gia đình tôi làm 2 loại nón ngựa. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người bình dân đội. Loại khuôn nón trảng, tức lòng nón cạn hơn nón thường, trên chóp có gắn chóp đồng hay bạc, bên trên có ngù dành cho quan lại đội. Bây giờ, 2 loại nón này đều là những sản phẩm dành cho khách du lịch”, cụ Lan kể.

Đặc sản của miền đất Võ

Bước sang thời kỳ đổi mới, xu thế công nghiệp đe dọa đến sự tồn vong của các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề chằm nón ngựa.

Có thời, ở làng nghề nón ngựa Phú Gia không còn thấy bóng dáng chiếc nón ngựa nào, vì người dân ở dây đã bỏ nghề vì không thể sống nổi với mức thu nhập bèo bọt. Khi ấy, cụ Đỗ Văn Lan lo nghề chằm nón ngựa bị mai một, ông đã cố tìm cách vừa giữ nghề, vừa tìm đầu ra nhằm cải thiện thu nhập cho người làm nghề, đồng thời nỗ lực tìm truyền nhân.

Sinh ra được 4 người con gái, cụ Lan truyền nghề cho cả 4. Tuy nhiên, dù được truyền dạy nghề từ nhỏ, song cả 4 cô con gái của cụ Lan không thể đạt đến ngưỡng tinh hoa của cha mình, nên cuối cùng không ai chịu bám nghề.

Nhập chú thích ảnh

Du khách ngỡ ngàng trước độ tinh xảo của chiếc nón ngựa Phù Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Đến bây giờ, dù đã qua 15 năm, nhưng cảm xúc rưng rưng của lần đầu tiên chiếc nón ngựa được khách thập phương biết đến với những trầm trồ thán phục như vẫn còn nguyên trong cụ Đỗ Văn Lan.

Ấy là vào dịp Bình Định tổ chức Festival Tây Sơn-Bình Định năm 2008. Năm ấy, chiếc nón ngựa Phú Gia do chính tay cụ Đỗ Văn Lan làm đã khiến khách về tham dự lễ hội ngỡ ngàng vì vẻ đẹp tinh xảo của nó.

Đến những Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức tại Bình Định những năm sau đó, nón ngựa Phú Gia được đưa ra trưng bày, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Cũng từ đó, làng chằm nón ngựa dần hồi sinh, sản phẩm rộng đường tiêu thụ, đời sống người chằm nón được cải thiện.

Năm 2013, tỉnh Bình Định tuyển chọn 105 người dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có đam mê về làng Phú Gia học chằm nón ngựa. Năm ấy, cụ Đỗ Văn Lan tình nguyện bỏ công sức, thời gian để đào tạo, truyền nghề miễn phí cho các học viên trong 3 tháng. Từ khóa học đó, nghề chằm nón ngựa được lan rộng khắp tỉnh.

Nhập chú thích ảnh

Nghề chằm nón ngựa rất kỳ công. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm qua, cụ Đỗ Văn Lan vẫn không ngừng “đứng lớp” truyền nghề chằm nón ngựa cho nông dân trong tỉnh. Mới đây, cụ Lan làm đơn trình UBND huyện Phù Cát xin được chiêu sinh, mở lớp để đào tạo, truyền nghề cho giới trẻ, các em học sinh, sinh viên. Trong lớp học viên này có 1 nữ sinh viên học ngành kiến trúc ở TP.HCM học nghề rất đam mê.

“Tâm nguyện của tôi là tuyển chọn được trong lớp trẻ những người ưu tú để truyền nghề, phát triển nghề. Chỉ cần người trẻ có tâm huyết, đam mê thì tôi sẵn sàng bỏ công sức, thời gian truyền dạy hoàn toàn miễn phí”, cụ Lan chia sẻ.

Từ năm 2013 đến nay, nón ngựa Phú Gia được truyền bá rộng rãi tại các phiên chợ thương mại, các đợt trưng bày, triển lãm du lịch. Tận dụng cơ hội đó, cụ Lan liên hệ nhiều doanh nghiệp lữ hành để tìm đầu ra cho nón ngựa Phú Gia.

Nhập chú thích ảnh

Càng ngày, lớp trẻ ở làng Phú Gia học nghề chằm nón ngựa ngày càng nhiều. Ảnh: V.Đ.T.

“Có rất nhiều đoàn khách, nhất là du khách nước ngoài khi ghé thăm làng Phú Gia họ rất thích thú với chiếc nón ngựa. Khi trở về, họ tìm cách liên hệ để đặt hàng, mua bằng được nón ngựa mang về nước.

Thấy được tiềm năng đó, tôi duy trì kết nối để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề. Đoàn du khách nào cần trải nghiệm thì chúng tôi tổ chức cho bà con trong làng chằm nón cho khách du lịch thưởng ngoạn”, cụ Đỗ Văn Lan nhớ lại.

Hiện nay, nón ngựa Phú Gia do cụ Đỗ Văn Lan chằm không chỉ được tiêu thụ mạnh cho khách du lịch trong nước mà cả khách du lịch nước ngoài như Anh, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Hà Lan… Bên cạnh đó, cụ Lan còn kết nối với bạn bè, người thân ở nước ngoài để đưa nón ngựa “xuất ngoại” nhằm quảng bá, mở rộng đầu ra cho nón ngựa Phú Gia.

“Hiện nay, tại làng Phú Gia có 120 hộ chuyên chằm nón ngựa. Ngoài ra, trong quá trình hình thành chiếc nón ngựa phải trải qua 10 công đoạn chính, lao động nông thôn ở các làng khác trong xã Cát Tường có thể tham gia từng công đoạn trong những lúc nông nhàn. Với công trạng bảo tồn, phát triển nghề chằm nón ngựa Phú Gia, đầu tháng 12/2022 vừa qua, cụ Đỗ Văn Lan được Sở Công thương Bình Định đề nghị Bộ Công thương xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú về lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ”, ông Nguyễn Kế Sinh, Chủ tịch UBND xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định) cho hay.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.