| Hotline: 0983.970.780

'Tứ quý' Thái Nguyên: (Bài 3) Cây nhả tiền

Thứ Năm 05/11/2020 , 15:35 (GMT+7)

Nhà nào cũng có vài cây, với giá bán bình quân từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, quy ra thóc, mỗi cây bằng cả mẫu ruộng mà người dân không mấy vất vả chăm bón.

Anh Nguyễn Văn Viện (xóm Táo xã Hà Châu) giới thiệu về cây trám cổ thụ của gia đình. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Anh Nguyễn Văn Viện (xóm Táo xã Hà Châu) giới thiệu về cây trám cổ thụ của gia đình. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Cây vàng - Trám đen

Đó thực sự là cây tiền cây vàng của xã thuần nông Hà Châu, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Sôi nổi kể về "cây vàng" ở Hà Châu, chị Tạ Thị Yến, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã cho hay, trước đây loài cây này mọc tự nhiên ở soi bãi, nhất là bãi ven sông Cầu. Khu vực soi Ấp có cả một rừng cổ thụ, thân cây vài người ôm. Mấy năm trước do sạt lở, người dân hết sức đau lòng chứng kiến từng cây quý cả trăm năm tuổi, mỗi năm cho vài tạ quả, dần theo nhau đổ ùm xuống dòng nước xiết.

Thái Nguyên có hai loại trám đều được người dân ưa chuộng. Trám trắng có vị chua chát thường để kho thịt, cá. Trám đen béo bùi được nhiều người thích hơn trám trắng. Cây trám ở Hà Châu là trám đen, dù trước đây, giá trị kinh tế chưa cao, nhưng cứ mỗi phiên chợ người dân vẫn có thu nhập từ loại quả chỉ để ăn chơi này. Còn hiện nay, trám đen là loại cây trồng thực sự có giá trị.

Tại 15 xóm của Hà Châu đều có trám. Nhiều nhất ở ba xóm là xóm Đông, xóm Táo và xóm Mới. Trên những bãi soi, những con đường vào xóm đều rợp bóng của những cây cổ thụ, cao tới hàng chục mét, tỏa bóng rộng như những cây đa. Trám đen trổ hoa vào tháng hai, quả bắt đầu cho thu hái khá dài, từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch.

Gia đình anh Nguyễn Văn Viện ở xóm Táo có gần chục cây trám đen cho thu quả. Cây lớn nhất đã có mặt ở góc vườn hàng trăm năm nay, chất lượng quả thuộc hàng ngon nhất của vùng. Đây cũng là cây tổ để gia đình tiếp tục nhân giống mở rộng diện tích.

Anh Viện kể, cây trám cổ thụ này mọc tự nhiên, mấy mươi năm về trước, các cụ nhà anh về đây dựng nhà thì cây đã to như vậy, đến mùa quả thu hái được mấy gánh nặng. Đem bán ở chợ thì đếm theo trăm. Mỗi trăm trám mua được từ 1-2 đấu gạo. Trám cổ Hà Châu "chuẩn" là cùng với vị bùi béo thì phải hơi chát chát hăng hăng, tạo nên một dư vị rất đặc biệt. Trám đen ở nhiều vùng khác và thậm chí những cây trồng sau này không có được vị như trám cổ.

Hầu như mỗi mùa, anh Viện đều chọn hạt để ươm giống. Thường là sau khi hái lứa quả chín ngon nhất của mùa, anh để ra những quả hình thức đẹp, khỏe để lấy hạt rồi ươm luôn vào khoảng cuối tháng 8 âm lịch. Sau chừng 1 tháng, sẽ vào bầu và khi cây được 3 tháng tuổi thì vừa đẹp để đem đi trồng. Theo kinh nghiệm của các cụ truyền lại, thì có nhiều cách để phân biệt cây "đực" và cây "cái". Đơn giản nhất là trong số những hạt gieo cũng đợt, cây mọc trước thường là trám đực nên nhổ bỏ.

Cây trám trồng từ 5-7 năm mới bói lứa quả đầu tiên, nếu phải cây trám đực thì chỉ tốn diện tích chứ cả đời chẳng chịu "thò ra" quả nào, cách duy nhất là đốn bỏ cho đỡ chật vườn. Song mấy năm gần đây, số phận cây trám "đực" không phải kết thúc theo cách đó. Người dân đã có kỹ thuật ghép mắt, vì thế cây đực được thu mua hết, từ cây to đến cây nhỏ. Cây từ 4-5 năm tuổi bán được vài trăm nghìn đồng.

Hàng trám cổ thụ trên con đường vào xóm Táo. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Hàng trám cổ thụ trên con đường vào xóm Táo. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Anh Viện khoe trong xóm có không ít hộ thu nhập cao từ trám, như hộ ông Nguyễn Văn Chiêu có 4 cây to và gần chục cây nhỏ, thu gần tấn quả mỗi vụ, hộ anh Nguyễn Văn Thanh, phải đến gần chục hộ mỗi mùa có hàng tạ quả. Tính về hiệu quả kinh tế thì không có loại cây nào so được với loại cây đặc sản quý hiếm này.

Nham trám Hà Châu - trám bùi để biếu...

Người dân địa phương có rất nhiều cách chế biến trám đen thành nhiều món ăn đặc sắc, như xôi trám, trám nhồi thịt, trám kho cá, gỏi trám... hoặc đơn giản nhất chỉ cần làm món trám muối có thể ăn liền và bảo quản được trong nhiều ngày. Chỉ cần "ỏm" chín trám sau đó cho vào bình ngâm với nước muối, rất tiện dùng quanh năm.

Trong số các món ngon từ trám đen, cầu kỳ nhất phải kể đến món nham trám, từ món ăn truyền thống của Hà Châu nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ của vùng đất Phú Bình mà còn là món ăn vô cùng đặc sắc của Thái Nguyên.

Sản phẩm trám đen Hà Châu. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Sản phẩm trám đen Hà Châu. Ảnh:  Đồng Văn Thưởng.

Theo các cụ cao niên trong xã, món nham ban đầu được chế biến khá đơn giản, chỉ là sự kết hợp giữa các nguyên liệu có sẵn, là một biến tấu của món gỏi, trong đó có thêm thành phần trám đen.

Cách làm nham trám phổ biến nhất hiện nay là cá (chép, mè...) rán hoặc nướng chín, trám chín thái nhỏ, trộn cùng hơn 10 loại gia vị, rau thơm như: quả núc nác, vừng rang, lạc rang, lá gừng, khế chua, thịt ba chỉ, cùi dừa và nước dừa, dấm thanh, lá nhội, lá sung, lá đinh lăng... tạo thành một món ăn dân dã thấm đậm hương vị của cả một vùng đất.

Nhằm phát huy giá trị loài cây đặc sản quý hiếm này, huyện Phú Bình và xã Hà Châu đã triển khai một số giải pháp nhân rộng diện tích và quảng bá sản phẩm trám. Đáng kể là sự vào cuộc của Hội Phụ nữ xã. Chị Tạ Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự, các chị rất tích cực đưa sản phẩm đi triển lãm, giới thiệu tại các gian hàng nông sản sạch, đồng thời với đó là quảng bá và bán hàng qua mạng xã hội. Không chỉ bán trám tươi, các chị còn sáng tạo chế biến trám thành một số món ăn ngon như trám nhồi thịt, xôi trám... và đầu tư máy ép chân không để dễ vận chuyển, bảo quản.

Nhờ đó, trám đen Hà Châu đã được nhiều người biết đến, có cả những khách hàng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Nhờ những hoạt động này, không chỉ tạo thêm công ăn việc làm mà còn giúp tăng giá trị cây trám Hà Châu - sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của vùng đất này.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.