| Hotline: 0983.970.780

Tương Dương lại vướng nghi vấn sai phạm tài chính

Thứ Sáu 20/12/2019 , 09:25 (GMT+7)

Công tác xử lý sai phạm về quản lý tài chính tại Văn phòng HĐND – UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) niên độ 2011 – 2015 chưa đến nơi đến chốn, đã thế đơn vị này lại tiếp tục vướng vào nghi vấn tương tự…

08-50-46_1
Văn phòng huyện Tương Dương lại vướng vào nghi vấn tài chính.

Báo NNVN tiếp nhận “Đơn kiến nghị” của tập thể cán bộ và nhân dân huyện Tương Dương phản ánh những vấn đề của Văn phòng HĐND - UBND huyện Tương Dương trong khoảng thời gian hơn 3 năm qua, tính từ thời điểm ông Trần Văn Toản đảm nhận chức vụ Chánh Văn phòng (CVP) vào năm 2016.

Trong đơn nêu rõ: “Ông Trần Văn Toản mới nhận nhiệm vụ được hơn 3 năm đã có dấu hiệu lợi dụng chức quyền trong công tác điều hành tài chính ngân sách của Văn phòng UBND. Qua kiểm tra tài chính nội bộ đã chi vượt hơn 3 tỷ đồng/3 năm…”

Nếu so sánh với khoản nợ của niên độ 2011 – 2015 trước đó thì con số nêu trên thật sự giật mình, nhất là với 1 huyện miền núi còn gặp muôn vàn khốn khó như Tương Dương. Việc này (nếu có) không chỉ gây dư luận xấu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cán bộ, công chức cũng như các hoạt động khác của địa phương.

Nội dung đơn cũng đề cập đến việc ông Toản dù mới được bổ nhiệm làm CVP HĐND-UBND huyện nhưng vừa đi học thạc sỹ, vừa học học cao cấp lý luận chính trị, vừa làm nhà hàng tỷ đồng. Thử hỏi 2 vợ chồng với mức thu nhập là cán bộ công chức thì lấy tiền đâu để thực hiện cùng lúc 3 việc lớn như vậy?

Chưa hết, với cương vị là Bí thư Chi bộ Văn phòng HĐND – UBND huyện nhưng bản thân ông Toản không tổ chức sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng, thậm chí kéo dài 4 – 5 tháng mới tiến hành sau khi cán bộ Đảng viên thắc mắc vì sợ vi phạm… điều lệ Đảng (?!).

Trên tinh thần đó, tập thể cán bộ và nhân dân huyện kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo đơn vị chuyên ngành thanh tra ngân sách của Văn phòng HĐND và UBND huyện Tương Dương từ năm 2016 đến nay, qua đó công khai minh bạch để xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.

PV NNVN đã liên hệ với ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. Qua điện thoại, ông Sơn thông tin: “Về nguyên tắc, đối với đơn nặc danh hoặc mạo danh thì sẽ không xử lý. Thứ hai, nếu tiếp nhận đơn thì đơn vị sẽ có trách nhiệm”. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng yêu cầu: “Đăng ký với văn phòng để sắp xếp lịch làm việc theo quy định”.

Liên quan đến nội dung này, PV NNVN đã trực tiếp đến văn phòng huyện Tương Dương để đăng ký lịch làm việc với người có trách nhiệm phát ngôn. Tuy nhiên đơn vị này không sắp xếp, đồng thời không phản hồi lại (?!). Như thông tin phản ánh trước đó, từ 11/6/2018 đến 5/3/2019 đơn vị chuyên ngành đã tiến hành thanh tra công tác tài chính tại Văn phòng HĐND-UBND huyện Tương Dương giai đoạn 2011 - 2015.

Đối tượng bị thanh tra gồm có ông Quang Văn Đặng, chức danh CVP; ông Nguyễn Đình Khôi, Phó CVP (phụ trách hành chính); ông Lê Văn Hùng (kế toán năm 2011), từ 2012 đến tháng 7/2015 ông Nguyễn Văn Tỷ lên thay; bà Vi Thị Hương, thủ quỹ 2011 – 2015.

Đoàn thanh tra kết luận: Ông Lê Văn Hùng và ông Nguyễn Văn Tỷ không thực hiện bàn giao và lưu giữ hồ sơ, chứng từ theo quy định của Luật Kế toán. Quá trình công tác đã làm thất lạc nhiều hồ sơ, chứng từ, tỏ thái độ thiếu hợp tác, điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra.

Hàng năm, chủ tài khoản là ông Quang Văn Đặng và ông Nguyễn Văn Tỷ không thực hiện thanh, quyết toán ngân sách với Phòng Tài chính – Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách. Bản thân ông Đặng và ông Tỷ không tiến hành báo cáo với lãnh đạo UBND huyện về các khoản nợ phải trả. Ngoài ra còn chủ động lập hồ sơ chứng từ thanh toán thuê xe không đúng quy định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tỷ còn lập một số chứng từ chi thanh toán sai, buộc phải xử lý thu hồi nộp trả ngân sách hơn 173 triệu đồng. Ngoài ra, ông Tỷ cũng nợ tạm ứng tiền mặt 200 triệu đồng thuộc kinh phí hoạt động của HĐND huyện năm 2015.

Dựa trên kết luận, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương giao Thanh tra huyện tham mưu, chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý hành vi có dấu hiệu tội phạm kinh tế.

Thực tế huyện này chỉ áp dụng theo hình thức “giơ cao đánh khẽ”. Sai phạm nghiêm trọng là thế nhưng các ông Quang Văn Đặng và Nguyễn Văn Tỷ chỉ bị cảnh cáo về mặt Đảng, ông Lê Văn Hùng nhận hình thức khiển trách. Trong khi bà Vi Thị Hương đang chấp hành án tù vì vướng vào hành vi đánh bạc nên chưa có hình thức xử lý.

Điều 25 của Luật Tố cáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 quy định, khi nhận thông tin tố cáo nhưng không ghi rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (nặc danh), hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo… thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý.

Ngược lại, trường hợp thông tin tố cáo rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền, hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.

Dựa theo quy định hiện hành, HĐND – UBND huyện Tương Dương rõ ràng phải có trách nhiệm làm rõ trắng đen.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.