| Hotline: 0983.970.780

Vi phạm IUU, một tàu cá bị xử phạt 1,34 tỷ đồng

Thứ Năm 07/12/2023 , 15:03 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử phạt một tàu cá vi phạm IUU số tiền 1 tỷ 340 triệu đồng từ hồ sơ do Kiểm ngư Vùng V phát hiện, kiểm tra, lập biên bản.

Kiểm ngư Vùng V tuần tra, kiểm soát hoạt động thủy sản trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: K.Trung.

Kiểm ngư Vùng V tuần tra, kiểm soát hoạt động thủy sản trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: K.Trung.

Một tàu cá bị xử phạt 1,34 tỷ đồng 

Ngày 4/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Thanh Bình (SN 1978, trú tại phường An Thới, TP. Phú Quốc), thuyền trưởng tàu KG – 95561 – TS đang hoạt động đánh bắt thủy sản trên vùng biển Tây Nam bộ. Tàu cá do ông Bình làm chủ có chiều dài trên 25 mét đã có nhiều sai phạm so với quy định của Luật Thủy sản.

Cụ thể, ông Bình có các hành vi sai phạm sau: không đăng ký lại tàu cá theo quy định; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) tàu cá đã hết hạn đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên; Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn từ ngày 12/9/2022; không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình; thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ; không có Sổ danh bạ thuyền viên tàu cá theo quy định.

Tổng số tiền phạt đối với các hành vi vi phạm của ông Phạm Thanh Bình là 1 tỷ 340 triệu đồng.

Trước đó, vào hồi 10 giờ 45 phút ngày 4/11/2023, trên vùng biển Tây Nam bộ, tàu Kiểm ngư KN-595 thực hiện nhiệm vụ tuần tra đã tiến hành kiểm tra hành chính tàu cá KG-95561-TS, phát hiện và lập biên bản các vi phạm theo quy định của Luật Thủy sản.

Ông Phạm Thanh Bình (SN 1978) thuyền trưởng tàu KG – 95561 – TS bị xử phạt tổng các lỗi vi phạm số tiền 1,34 tỷ đồng.

Ông Phạm Thanh Bình (SN 1978) thuyền trưởng tàu KG – 95561 – TS bị xử phạt tổng các lỗi vi phạm số tiền 1,34 tỷ đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng tàu cá KG-95561-TS ông Phạm Thanh Bình không xuất trình được các lại giấy tờ theo quy định, gồm: Giấy đăng ký tàu cá; Giấy chứng nhận ATKT tàu cá; Giấy phép khai thác thủy sản; Thiết bị giám sát hành trình tàu cá không hoạt động; Không có văn bằng, hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định; Không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá.

Đoàn công tác tàu KN-595 đã tiến hành lập Biên bản làm việc, Biên bản vi phạm hành chính (Biên bản làm việc số 01/BB-LV ngày 04/11/2023, Biên bản vi phạm hành chính số 12 BB/VPHC-95 ngày 04/11/2023 kèm theo) đối với ông Phạm Thanh Bình.

Tàu cá KG-95561-TS bị xử lý vi phạm. Ảnh: KT.

Tàu cá KG-95561-TS bị xử lý vi phạm. Ảnh: KT.

Theo lời khai của ông Phạm Thanh Bình, tại Biên bản làm việc số 01/BB-LV ngày 04/11/2023, tàu cá KG-95561-TS có chiều dài lớn hơn 24 mét; ông Phạm Thanh Bình là thuyền trưởng, chủ tàu cá KG-95561-TS, ông Phạm Thanh Bình mua tàu cá nói trên từ cơ quan Thi hành án của tỉnh Kiên Giang từ tháng 3/2023 và đang làm thủ tục để cấp các giấy tờ liên quan đến tàu cá KG-95561-TS.

Theo Khoản 1, Điều 54 Nghị định số 42/2019 của Chính phủ, việc xử phạt vi phạm hành chính vụ việc nêu trên của tàu cá KG-95561-TS thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, từ ngày 22/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 105/2022/NĐ-CP Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó không còn Tổng cục Thủy sản mà Tổng cục Thủy sản được sắp xếp lại thành Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư; Quyết định số 1789 của Bộ NN-PTNT về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với vụ việc trên vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng và Cục trưởng Cục Kiểm ngư.

Do đó, Chi cục Kiểm ngư Vùng V chuyển hồ sơ vụ việc tới Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tiếp nhận, xử lý theo quy định.

Đề xuất tăng cường trang thiết bị thông tin liên lạc cho tàu Kiểm ngư

Trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023, Kiểm ngư Vùng V đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển Tây Nam bộ - vùng biển do đơn vị này được giao nhiệm vụ phụ trách. Đây là đợt cao điểm để kiểm soát, chấn chỉnh các hoạt động thủy sản chấp hành quy định IUU.

Thời điểm tháng 10, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư Vùng V Nguyễn Phú Quốc ban hành QĐ số 126 về việc Thành lập Đoàn tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên vùng biển Tây Nam bộ, vùng biển giáp ranh với Malaysia, Thái Lan, Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia.

Báo cáo Kết quả kiểm tra, kiểm soát của Đoàn công tác số 8 làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch (từ ngày 3/10/2023 đến ngày 22/10/2023) cho biết, đã kiểm tra 71 tàu cá trong thời gian làm nhiệm vụ; xử lý 7/71 tàu cá vi phạm các quy định lĩnh vực thủy sản tổng số tiền hơn 60 triệu đồng, gồm các tàu KG-90730-TS (vi phạm quy định thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ); tàu cá TG-90244-TS không mua bảo hiểm cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá;  tàu cá KG-95706-TS người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân; tàu cá KG-96094-TS thuyền trưởng không có văn bằng hoặc chứng; tàu cá BT-98750-TS người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân; tàu cá BT-92039-TS không có Sổ danh bạ thuyền viên; tàu cá BT-92030-TS máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ.

Thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư. Ảnh: K.Trung.

Thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư. Ảnh: K.Trung.

Báo cáo cho biết, thời điểm kiểm tra, tại Vùng nước nước Lịch sử chủ yếu tập trung các nghề câu, câu thu và các tàu lưới kéo hoạt động. Đây là vùng vẫn biển vẫn còn tình trạng tàu cá Việt Nam (tính đến tháng 8/2023 có 14 tàu cá) bị Campuchia bắt giữ sau khi phạt hoặc lấy tài sản rồi thả (tại Văn bản số 3071/BQP-TM ngày 24/8/2023). Tuy nhiên trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát Đoàn công tác chưa phát hiện trường hợp nào như đã nêu trên.

Tại Vùng biển phía Tây Nam đảo Thổ Chu tập trung nhiều tàu cá hành nghề lưới kéo và lưới vây. Tại Vùng biển chồng lấn với Malaysia, Thái Lan lượng tàu cá là các tàu cá hành nghề lưới kéo (kéo đôi, kéo đơn), tàu lưới xù, lưới cảng hoạt động với mật độ nhiều. Tại Vùng biển giáp ranh với Thái Lan chủ yếu là các tàu cá hành nghề lưới kéo đơn của tỉnh Bến Tre. Tại Vùng biển Đông đến Đông Nam đảo Thổ Chu và Tây hòn Chuối chủ yếu tập trung tàu hành nghề Lưới kéo của tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre. Ngoài lưới kéo còn các nghề Lồng bẫy, Lưới rê, Lưới vây, câu tay với tàu có kích thước, công suất nhỏ.

Hiện nay, cơ bản ngư dân đã chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản 2017. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuyền trưởng, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá vẫn chưa thực sự ý thức được việc tuân thủ pháp luật, cho tàu cá ra khơi hoạt động khi chưa đủ điều kiện theo quy định.

Đoàn công tác số 8 (tàu KN-595) đề xuất tăng cường trang thiết bị thông tin liên lạc như điện thoại vệ tinh, các phần mềm quản lý, giám sát tàu cá trên biển; hệ thống thông tin liên lạc sóng MF hoặc HF dự phòng trên các tàu Kiểm ngư của Chi cục để đảm bảo an toàn cho các tàu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, trên các tàu Kiểm ngư Vùng V mới chỉ có 1 hệ thống thông tin liên lạc MF (là Icom M700 PRO hoặc VX 1700 hoạt động). Nếu các hệ thống thống thông tin này xảy ra sự cố sẽ dẫn đến mất an toàn cho các tàu khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, đề xuất trang bị máy bộ đàm cầm tay loại Icom VHF có chất lượng tốt (nghe, gọi xa) để liên lạc giữa tàu chỉ huy và Tổ kiểm tra trên biển.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.