Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cả nước đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM, trong đó các tỉnh phía Nam có 180 giảng viên.
Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam thông tin, IPHM là tên viết tắt của Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Để triển khai chương trình, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO; triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 đến 2023.
Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có > 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Có 70% diện tích ngô, cây công nghiệp áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích ngô, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM).
Lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. Trên 80% số xã/phường có ít nhất 5 nông dân nòng cốt/xã, có hiểu biết và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM. Mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã/phường có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng. Phấn đấu trên 90% số xã thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Trên cơ sở 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: tăng cường nguồn lực phát triển IPHM; nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án có liên quan; xây dựng chỉ tiêu đánh giá và định mức kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM, Cục BVTV đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM (132 giảng viên IPHM quốc gia, 624 giảng viên IPHM cấp tỉnh). Xây dựng và ban hành 2 cuốn tài liệu (TOT-IPHM và FFS-IPHM); ban hành Khung chương trình TOT và FFS-IPHM; xây dựng các mô hình tại 4 tỉnh thành trên cả nước…
Đối với các tỉnh phía Nam, hiện tại đã đào tạo được 180 giảng viên IPHM. Tổ chức 10 lớp FFS IPHM, 300 nông dân (Tiền Giang và Đồng Tháp).
Trên cơ sở đó, ông Vấn đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, trong thời gian tới cần xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng IPHM, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ; xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân hướng dẫn nông dân về IPHM; hướng dẫn địa phương hoàn thiện thủy lợi nội đồng để ứng dụng AWD, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI.../.