Công ty Vinarice - đơn vị thành viên thuộc Vinaseed Group - là một trong những trung tâm sản xuất chế biến lúa giống, gạo xuất khẩu lớn tại ĐBSCL với quy mô khoảng 100.000 tấn gạo và 50.000 tấn giống mỗi năm.
Chúng tôi vừa có dịp tham quan mô hình liên kết sản xuất, chế biến trong chuỗi giá trị lúa gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất giống chất lượng
Đồng Tháp là "trái tim" của ĐBSCL và là tỉnh trọng điểm, có diện tích sản xuất lúa lớn của cả nước và có tiềm năng để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Bởi vậy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã đầu tư 350 tỷ đồng triển khai Dự án Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và chế biến nông sản tại tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, phát triển thành Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice).
Dựa trên ưu thế truyền thống, kinh nghiệm, sức mạnh công nghệ, đội ngũ nhân lực, hạ tầng, mạng lưới sản xuất và tiêu thụ của Tập đoàn Vinaseed, Vinarice đã xây dựng thành công chuỗi giá trị lúa gạo từ nghiên cứu - canh tác, sản xuất - sau thu hoạch - thương mại.
Chia sẻ về hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice cho hay: Hiện nay, công ty đang tập trung vào hai lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh lúa giống và sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu sản phẩm gạo.
Đối với hoạt động liên kết, sản xuất lúa giống, Vinarice chủ yếu tập trung tại tỉnh Đồng Tháp với diện tích đạt khoảng 3.500ha. Doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất và cung ứng các dòng sản phẩm giống cây trồng bản quyền của Vinaseed phục vụ bà con nông dân ĐBSCL như giống lúa Đài Thơm 8, Thơm RVT, Hương Châu 6, VNR20, Japonica DS1. Đặc biệt, giống lúa Đài Thơm 8 là sản phẩm đạt giải Nhì Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).
Hiện nay, Đài Thơm 8 chiếm khoảng 40% cơ cấu gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam. Giống lúa này còn được nhiều địa phương lựa chọn là giống chủ lực phục vụ quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng, bền vững với tổng diện tích sản xuất đạt trên 1 triệu ha/năm.
Tham quan cánh đồng liên kết sản xuất lúa Thơm RVT tại huyện Tháp Mười, chúng tôi được nhà nông cho biết, thực tế doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều chi phí vào mô hình, từ lúa giống đạt chuẩn đến chi phí khử lẫn, cử cán bộ kỹ thuật thăm đồng thường xuyên.
Tuy nhiên, lúa giống thường bị các thương lái bên ngoài “lăm le”, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, không thỏa thuận được giá với nông dân thì nhảy vô mua liền. Nhiều doanh nghiệp than rất nản khi gặp tình trạng này. Dẫu vậy, Vinarice vẫn có những bà con nông dân quyết không bỏ doanh nghiệp. Tiêu biểu nhất là mô hình liên kết sản xuất với gần 100 thành viên của Tổ hợp tác lúa giống (ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) do ông Hà Thanh Thảo làm tổ trưởng, đã đồng hành cùng Vinarice nhiều năm qua.
Theo ông Thảo, Vinarice từng bước chỉ dẫn nông dân canh tác sao cho hiệu quả và dành nhiều hỗ trợ, ưu đãi cho bà con. Đối với sản xuất lúa giống, khử lẫn là công việc quan trọng nhất và cũng tốn kém khá nhiều. Vinarice thường xuyên có cán bộ hướng dẫn cho bà con thành thạo và còn hỗ trợ chi phí này.
Về giá cả, đối với lúa giống, công ty chốt theo giá thị trường trước khi thu hoạch 10 ngày và hỗ trợ thêm từ 1.000 – 1.200 đồng/kg đối với lúa cấy nguyên chủng và khoảng 600 – 700 đồng/kg đối với lúa cấp xác nhận sạ hàng.
Nói về lợi nhuận khi liên kết với Vinarice, ông Thảo nhẩm tính và khẳng định chắc nịch lợi nhuận đạt từ 50%, khoảng 30-35 triệu đồng/ha/vụ, tùy theo nền đất đã thuần hay chưa (nền thuần thì hạn chế khử lẫn, giảm chi phí nhổ cỏ).
Năm 2016, khi mới tham gia liên kết với Vinarice, diện tích mới đạt hơn 200 công (20ha), hiện nay diện tích lúa của Tổ hợp tác này đã đạt hơn 1.600 công (160ha). Điều đó cho thấy tính bền vững hiệu quả của mô hình.
“Về mặt lợi nhuận tôi thấy rất được. Lúc trước tôi bán cho "cò lúa", phải ngủ giữ lúa, đợi chờ. Từ khi hợp tác với công ty, lúa cắt xong cho cân liền. Thấy hiệu quả nhiều người xin vào, nhân rộng mô hình. Công ty lo cho nông dân thì nông dân không bao giờ bỏ công ty”, ông Hà Thanh Thảo chia sẻ.
Ông Thảo khẳng định, mô hình ngày càng mở rộng là do doanh nghiệp tin tưởng nông dân và nông dân cũng tin tưởng doanh nghiệp. Hai bên quyết định hợp tác rồi là không bao giờ có chuyện “bẻ kèo”.
Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu hội nhập toàn cầu
Tổng Giám đốc Vinarice Trần Trương Tấn Tài chia sẻ, hiện doanh nghiệp đã thực hiện thành công việc tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo an toàn, tổ chức chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng, ứng dụng và chuẩn hóa các giải pháp canh tác bền vững, ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh và truy xuất nguồn gốc Agritax và Farm Record.
Song song đó, doanh nghiệp còn thực hiện mô hình sản xuất tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bằng việc lấy nông dân làm trung tâm và xây dựng thương hiệu.
Hiện nay, Vinarice đã liên kết với hàng nghìn nông hộ ở ĐBSCL với diện tích khoảng 15.000ha để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Các sản phẩm từ đồng ruộng được đưa về Nhà máy Vinarice với hệ thống dây chuyền chế biến đồng bộ hiện đại của Nhật Bản; được quản lý, vận hành theo tiêu chuẩn HACCP, FSSC 22000.
Qua đó, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng khắt khe nhất của nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Úc và phân khúc thị trường nội địa cao cấp. Đặc biệt tại thị trường Canada, gạo mang thương hiệu Việt Nam đã vào được hệ thống siêu thị lớn nhất Costco, mở ra cơ hội to lớn cho gạo Việt Nam trên kệ hàng thế giới, góp phần nâng tầm thương hiệu lúa gạo Việt.
Về hình thức liên kết sản xuất, Công ty Vinarice cung cấp hạt giống với giá bán theo quy định và cung cấp đầy đủ chứng chỉ hóa đơn để truy xuất nguồn gốc. Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất như giảm chi phí và tăng năng suất. Bao tiêu toàn bộ sản lượng trên diện tích đã hợp tác liên kết với bà con nông dân theo giá thị trường.
Vinarice cũng đang phối hợp với UBND huyện Tháp Mười xây dựng mô hình cánh đồng liên kết với quy mô 700ha. Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và máy móc hiện đại phục vụ quản trị sản xuất từ nước, phân bón, chỉ dẫn môi trường, độ pH, từ đó đưa ra những hành động phù hợp với sự sinh trưởng, đảm bảo năng suất tối đa, tiết kiệm vật tư, phân bón và bảo vệ môi trường. Sản phẩm sản xuất ra được Vinarice hỗ trợ bao tiêu chế biến gạo thương hiệu xuất khẩu sang châu Âu.
Mô hình sản xuất này đã thay đổi tập quán của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chú trọng sản xuất sạch, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
“Công ty mong muốn người tiêu dùng thế giới biết đến gạo Việt qua những thương hiệu hẳn hoi, có truy xuất nguồn gốc, chất lượng đàng hoàng chứ không phải qua những “bao trắng” như đã làm”, ông Trần Trương Tấn Tài chia sẻ.
Nhà máy chế biến lúa gạo của Vinarice là một trong những trung tâm chế biến giống và nông sản lớn tại vùng ĐBSCL với hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ và tự động hóa bằng 100% công nghệ Nhật Bản. Công suất chế biến bảo quản 100.000 tấn gạo và 50.000 tấn giống/năm. Hệ thống sấy lúa công suất 200 tấn/mẻ. Dây chuyền xay xát chế biến gạo công suất 40 tấn/giờ được điều khiển tự động hoàn toàn bằng máy tính từ khâu nhập liệu đến đóng gói thành phẩm… Có thể nói đây là một trong các dự án tiêu biểu đầu tư vào nông nghiệp tại ĐBSCL.
Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice cho biết, hiện tại nhà máy đã chạy 100% công suất thiết kế và công ty đang tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư thêm trên 100 tỷ đồng.