| Hotline: 0983.970.780

Vinh danh thương hiệu Việt

Thứ Tư 10/10/2012 , 09:56 (GMT+7)

PV Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng này.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng

Ngày 3/3/2010, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 10/2010/TT-BNNPTNT về xét tặng giải thưởng "Bông lúa vàng Việt Nam". Bộ đang tích cực công tác chuẩn bị và dự kiến sẽ tổ chức Lễ trao tặng giải thưởng "Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất - năm 2012" vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Bộ Canh nông (nay là Bộ NN-PTNT) tại Hà Nội. 

PV Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng này.

Xin Thứ trưởng cho biết về giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức?

Bông lúa vàng Việt Nam là giải thưởng duy nhất của Bộ NN-PTNT, được định kỳ tổ chức 2 năm 1 lần, mỗi lần trao tặng cho tối đa 100 sản phẩm đạt giải để ghi nhận, biểu dương và tôn vinh khen thưởng các tập thể, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu, xứng đáng nhất, đại diện cho các lĩnh vực của ngành và phải đạt đỉnh cao về các tiêu chí kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường.

Xin ông cho biết về điều kiện, quy trình xét tặng giải thưởng?

Về điều kiện để xét tặng:

- Giải thưởng trao tặng cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành NN-PTNT, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là tác giả, đồng tác giả có sản phẩm dự xét tặng giải thưởng;

- Sản phẩm không có tranh chấp về quyền tác giả, không có khiếu kiện, khiếu nại về năng suất, chất lượng của sản phẩm và không có tác động xấu đến sức khoẻ của con người và môi trường. Đối với tập thể, cá nhân đang trong thời gian thi hành các hình thức kỷ luật không được tham gia xét trao giải thưởng;

- Có đầy đủ tài liệu chứng minh những sản phẩm đó thuộc quyền sở hữu của tác giả hoặc đồng tác giả; phải thực hiện đúng quy trình xét duyệt và hồ sơ, thủ tục, điều kiện khác quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNNPTNT.

Về quy trình xét tặng:

- Giải thưởng được tổ chức xét chọn qua 3 cấp, gồm Hội đồng xét tặng cấp cơ sở, Hội đồng xét tặng chuyên ngành và Hội đồng xét tặng cấp Bộ trước khi trình Bộ trưởng quyết định:

- Hội đồng xét tặng cấp cơ sở do thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; tổng giám đốc tập đoàn kinh tế, TCty 91; giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, thành phố; chủ tịch các hội, hiệp hội thành lập Hội đồng và tổ chức xét chọn trước khi trình Bộ;

- Hội đồng xét tặng chuyên ngành: Gồm lãnh đạo một số đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm chuyên môn thuộc các lĩnh vực trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Bộ lựa chọn mời tham gia. Hội đồng xét tặng chuyên ngành có nhiệm vụ chấm điểm các sản phẩm do Hội đồng xét tặng cấp cơ sở trình;

- Hội đồng xét tặng cấp Bộ: Lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu, xứng đáng nhất trong số các sản phẩm tham dự giải thưởng Bông lúa vàng được Hội đồng xét tặng chuyên ngành chấm điểm đạt từ 70/100 điểm trở lên; các sản phẩm do cơ quan thường trực giải thưởng đề cử; các sản phẩm do Chủ tịch Hội đồng xét tặng chuyên ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc các Sở NN-PTNT giới thiệu bổ sung được Cơ quan thường trực giải thưởng thẩm định nhất trí trình Hội đồng xét tặng cấp Bộ để tư vấn cho Bộ trưởng NN-PTNT quyết định công nhận các tập thể, cá nhân có sản phẩm đạt giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất - 2012.

Xin Thứ trưởng cho biết số lượng và cơ cấu giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất?

Như trên đã nói, Lễ trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất - 2012 dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Bộ Canh nông, nay là NN-PTNT, buổi lễ trao tặng dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Đến nay, từ khoảng 200 sản phẩm do Hội đồng xét tặng cấp cơ sở trình Bộ và do các cơ quan, đơn vị đề cử bổ sung, Cơ quan thường trực giải thưởng đã tổng hợp trình Hội đồng xét tặng cấp Bộ.

Ngày 1/10/2012, Hội đồng xét tặng cấp Bộ đã họp xét nhất trí trên 50 sản phẩm của các tập thể, cá nhân và đang trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho phép đưa tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam và Trang Thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị và dư luận xã hội trước khi quyết định tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam cho các sản phẩm trên.

Các sản phẩm được trao tặng Giải thưởng sẽ cơ cấu theo 3 nhóm sản phẩm như sau:

- Nhóm các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích; công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

- Nhóm giống cây trồng, vật nuôi, vật tư kỹ thuật nông nghiệp, máy móc thiết bị, hàng hoá thủ công mỹ nghệ;

- Nhóm thương hiệu hàng hoá có uy tín.

Câu hỏi cuối cùng, xin Thứ trưởng cho biết quyền lợi của các tập thể, cá nhân khi được trao tặng giải thưởng?

Thứ nhất: Chúng ta phải khẳng định rằng, đây là giải thưởng duy nhất của Bộ, nên khi các sản phẩm được trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam là một sự khẳng định, sự ghi nhận của Bộ, ngành về tầm vóc, uy tín, chất lượng, thương hiệu của sản phẩm đó đã có đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thứ hai: Mỗi tập thể, cá nhân được trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam ngoài các phần thưởng như: Cúp giải thưởng, Giấy chứng nhận giải thưởng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và tiền thưởng hoặc hiện vật theo quy định; ngoài ra các tập thể, cá nhân còn được:

- Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm đạt giải trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Quyền được khai thác, sử dụng Logo giải thưởng trong 3 năm, kể từ khi được trao giải;

- Sản phẩm đã được tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam được trưng bày trong thời gian 3 năm (tính từ khi được Bộ trao tặng) tại một khu riêng tại các kỳ hội chợ, triển lãm do Bộ NN-PTNT tổ chức và đồng tổ chức.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa cho các tập thể, cá nhân có sản phẩm đạt giải thưởng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Vùng cao chăn nuôi bài bản

LÀO CAI Tập trung chăn nuôi trang trại, gia trại bài bản, chủ động về nguồn con giống... giúp huyện vùng cao Bảo Thắng phát triển chăn nuôi bền vững.

Kiểm tra về an toàn thực phẩm còn chung chung

HẢI PHÒNG Theo Trung tá Trần Nam Trung, đại diện Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường đánh giá, việc kiểm tra về an toàn thực phẩm hiện còn chung chung, chưa chuyên sâu.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).