Tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ nguồn gốc đất và quá trình sử dụng của hai nhà láng giềng dẫn đến việc tranh chấp. Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khương sinh năm 1978 đòi ông Trần Văn Chính sinh năm 1949, trả lại 102,9m2 đất ở xã Đông Hiệp (Cờ Đỏ, Cần Thơ).
Qua thẩm vấn tại tòa cho biết, ông Chính ở trên đất rộng hơn 5.000m2 của cha mẹ để lại, mẹ của ông là BMVNAH Huỳnh Thị Khéo. Trên đất này, năm 1987, chính quyền địa phương đã cất tặng bà Khéo ngôi nhà tình nghĩa rộng 45m2 sát ranh đất với ông Khương. Năm 2003, bà Khéo qua đời và ông Chính chuyển căn nhà tình nghĩa thành nhà thờ, sử dụng đến nay. Còn ông Khương thừa kế đất của cha mẹ, cất nhà sinh sống từ cuối năm 2003, sau khi bà Khéo qua đời 5 tháng.
Năm 2015, ông Khương đặt mái tôn đổ nước qua sân căn nhà tình nghĩa dẫn đến hai bên tranh cãi ranh đất. Đơn khởi kiện của ông Khương cho rằng, trước đây cho bà Khéo mượn đất cất nhà tình nghĩa với giao ước, khi bà qua đời phải trả lại nên ông yêu cầu tòa xử buộc ông Chính trả đất.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Cờ Đỏ tuyên ngày 22/10/2020, xử vụ “tranh chấp ranh giới giữa các bất động sản liền kề”, đã tổ chức đo đất của ông Khương và ông Chính. So với diện tích đất trong sổ đỏ được cấp, đất thực tế của ông Khương thiếu 243,1m2, còn đất thực tế của ông Chính thừa 104,3m2. Nên bản án sơ thẩm buộc ông Chính trả lại cho ông Khương 102,9m2 đất.
Theo phán quyết của bản án sơ thẩm, ranh giới đất hai gia đình được dịch chuyển từ vị trí đang tranh cãi hiện nay sang đất ông Chính khoảng 3,5m. Trong lúc, căn nhà tình nghĩa rộng 4,5m cất năm 1987 sát ranh, nên ranh theo phán quyết của bản án sơ thẩm đã xẻ dọc căn nhà tình nghĩa. Nhiều cán bộ xã Đông Hiệp (đương chức và nghỉ hưu) cùng một số người dân địa phương phản đối, họ khẳng định căn nhà tình nghĩa cất năm 1987 hoàn toàn trên đất của gia đình ông Chính.
Hội đồng Xét xử phúc thẩm tổ chức đo đạc thực tế hôm 1/4/2021, thấy rõ căn nhà tình nghĩa đứng sát ranh đất và ở ranh đất còn có nhiều cây cổ thụ. Thẩm vấn tại tòa phúc thẩm, mọi trả lời khẳng định căn nhà tình nghĩa cất năm 1987 có sửa chữa về sau song giữ nguyên nền đất cũ. Phía ông Chính tiếp tục khẳng định, gia đình ông có nhiều đất, cất nhà tình nghĩa không hề mượn đất láng giềng. Phía ông Khương vẫn cho rằng, bà Khéo mượn đất cất nhà tình nghĩa, tuy nhiên, hoàn toàn không có chứng cứ.
Luật sư của ông Chính và đại diện VKSND thành phố Cần Thơ phân tích, qua thời gian nhiều biến động, hình dạng cũng như diện tích đám đất có thể thay đổi, nhưng căn nhà tình nghĩa với các cây cổ thụ ở ranh đất sát bên không thể xê dịch thì phải được tôn trọng. Vị đại diện VKSND thành phố Cần Thơ đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của ông Chính, bác yêu cầu đòi đất không có chứng cứ của ông Khương.
Bản án phúc thẩm chấp nhận quan điểm của đại diện VKSND thành phố Cần Thơ, đồng thời yêu cầu ông Chính sau đây làm việc với chính quyền để đo lại diện tích đất chính xác, thiết lập ranh đất rõ ràng.