Xã Vàng San, huyện Mường Tè (Lai Châu) có địa hình đồi núi dốc tuy nhiên nguồn nước dồi dào cùng với những thảm cỏ tự nhiên rất phù hợp cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Từ lợi thế này, xã Vàng San tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, hướng dẫn bà con xây dựng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, xử lý chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và tiên vacxin định kỳ phòng chống dịch bệnh phát sinh…
Ông Lù Văn Văn, ở bản Vàng San, xã Vàng San là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện thu nhập gia đình. Gia đình ông hiện có hơn 50 con trâu, bò, mỗi năm được bán từ 5-6 con, với giá bán trên 20 triệu đồng/con. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi 10 con dê, 12 con lợn. Thu nhập từ nuôi gia súc, gia cầm đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
“Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình tôi chủ yếu dựa vào trồng trọt mà năng suất lại thấp, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn lắm. Quyết tâm thoát nghèo, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm thông qua các lớp dạy nghề, hộ sản xuất giỏi và vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, lúc đầu do ít vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm nên tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau một thời gian, thấy chăn nuôi có hiệu quả nên tôi mở rộng quy mô như hiện nay”, ông Lù Văn Văn cho biết.
Gia đình ông Văn còn thực hiện chuyển đổi gần 1ha đất đồi trước đây trồng ngô, sắn mang sang trồng mía và vừng. Sau nhiều năm trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống gia đình ông đã khá hơn, mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy để đi lại…
Theo ông Lù A Chu, Chủ tịch UBND xã Vàng San, thời gian qua, xã vận động, khuyến khích người dân các bản đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Xã thường xuyên cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống cơ sở vận động, hướng dẫn người dân xây dựng chuồng trại bảo đảm ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Đặc biệt, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp, tích cực trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa lũ hay khi thời tiết giá rét xảy ra kéo dài, tiêm phòng vacxin định kỳ để phòng, chống các loại dịch bệnh, phun khử trùng tiêu độc cho đàn vật nuôi.
Cũng từ đầu năm đến nay, xã Vàng San tổ chức tiêm phòng 2.650 liều vacxin các loại, phun tiêu độc khử trùng, môi trường được 60 lít hóa chất. Qua đó, các đàn vật nuôi ở các hộ gia đình sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện xã Vàng San có 6.490 con gia súc, tăng 210 con so với cùng kỳ năm 2022 và trên 14.000 con gia cầm các loại.
Ở các bản, bà con còn tận dụng diện tích mặt nước sông, suối, quỹ đất của gia đình để quy hoạch hơn 11ha mặt nước nuôi nhiều loại cá, tôm, mang lại lợi nhuận cao…
Cũng theo UBND xã Vàng San, để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, xã thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn bà con lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với phòng giao dịch của các ngân hàng cho bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi. Hiện, tổng dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn xã đạt gần 27 tỷ đồng.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với mục tiêu cụ thể hóa Nghị quyết 05 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong đó, huyện Mường Tè ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung dựa trên những tiềm năng, lợi thế để tạo sự chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Các sản phẩm dựa trên điều kiện thế mạnh của từng khu vực giúp thúc đấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp…