| Hotline: 0983.970.780

Vướng mắc trong quá trình công nhận và khảo nghiệm ngô biến đổi gen

Thứ Năm 25/01/2024 , 11:20 (GMT+7)

Cho tới nay, chưa có một giống ngô biến đổi gen/chuyển gen mới nào được đăng ký và cấp phép lưu hành theo quy trình mới của Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14.

Vướng mắc do TCVN về DUS và VCU

Bắt đầu từ ngày 1/1/2020, các hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, công nhận lưu hành, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nông nghiệp tuân thủ quy định tại Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 và Nghị định 94/2019/NĐ-CP. Trong đó Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép và hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm thức ăn chăn nuôi.

Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới. Có thể nói rằng, Luật Trồng trọt và Nghị định mới không có bất cứ điều khoản nào hạn chế hoặc không cho phép đăng ký các giống cây mang tính trạng biến đổi gen nói riêng và các tính trạng cải tiến mới nói chung.

Bà Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm Công nghệ sinh học và Giống cây trồng, CropLife Việt Nam cho rằng, các TCVN về DUS và VCU hiện nay chưa phù hợp và hỗ trợ hiệu quả trong việc triển khai Luật Trồng trọt. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bà Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm Công nghệ sinh học và Giống cây trồng, CropLife Việt Nam cho rằng, các TCVN về DUS và VCU hiện nay chưa phù hợp và hỗ trợ hiệu quả trong việc triển khai Luật Trồng trọt. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cũng theo quy định của Luật Trồng trọt, điều kiện để được cấp phép công nhận lưu hành giống ngô mới là giống đó phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật được đưa ra trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về DUS (tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định) và TCVN về VCU (giá trị canh tác và giá trị sử dụng). Quy định này được áp dụng cho cả giống thường và giống biến đổi gen nói riêng cùng các giống cây mang tính trạng cải tiến nói chung.

Hướng dẫn khảo nghiệm VCUDUS hiện hành đang thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận các tính trạng cải tiến (kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh...).

Do đó, các đơn vị phát triển giống cây trồng, doanh nghiệp sẽ không thể đăng ký đồng thời giống ngô lai thường và giống ngô lai mang tính trạng chuyển gen trên nền giống nền tương đương. Và vì vậy, cho tới nay, chưa có một giống ngô biến đổi gen/chuyển gen mới nào được đăng ký và cấp phép lưu hành theo quy trình mới của Luật Trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 do vướng mắc trong TCVN về VCU và DUS.

Giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chưa có một giống ngô biến đổi gen/chuyển gen mới nào được đăng ký và cấp phép lưu hành theo quy trình mới của Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành trồng trọt nói chung.

Các giống ngô biến đổi gen đã được cấp phép lưu hành, canh tác từ 2015 tới nay, với tổng cộng 16 giống được công nhận trước năm 2018 và cho thấy nhiều lợi ích nổi bật trong việc giảm thiệt hại năng suất từ sâu bệnh, tăng thu nhập ròng cho nông dân cũng như tạo ra nhiều tác động tích cực tới môi trường và thực tiễn quản lý đồng ruộng. Ngô biến đổi gen được giới thiệu vào nước ta năm 2015 cũng đã mang lại một công cụ kiểm soát sâu keo mùa thu hiệu quả bùng phát từ năm 2018 - 2019.

Ngô chuyển gen kháng sâu đục thân trồng tại An Giang. Ảnh: Thanh Sơn.

Ngô chuyển gen kháng sâu đục thân trồng tại An Giang. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh đó còn làm chậm quá trình giới thiệu giống ngô mới vào thị trường. Năm 2020 đến tháng 11/2023, sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực, chỉ có 12 giống ngô mới được công nhận lưu hành thông qua khảo nghiệm theo quy định mới, trong đó có 8 giống ngô chuyển gen. So với nhu cầu thực tế số giống mới được công nhận lưu hành là quá ít, điều này làm giảm khả năng tiếp cận giống mới của nông dân và hạn chế các tiến bộ kỹ thuật chuyển giao vào sản xuất.

Cũng cần nói thêm rằng, 8 giống ngô chuyển gen được cấp phép công nhận nêu trên trong năm 2023 là các giống ngô đã nộp hoặc hoàn thành báo cáo khảo nghiệm từ trước khi Luật trồng trọt 2018 số 31/2018/QH14 có hiệu lực. Cho tới nay, chưa có giống ngô chuyển gen/biến đổi gen nào được đăng ký và cấp phép theo quy trình mới.

Ngoài ra, còn làm hạn chế cơ hội nông dân tiếp cận với bộ giống đa dạng hơn. Việc cấp phép lưu hành cả 2 phiên bản giống thường và giống mang tính trạng cải tiến trên nền giống thường tương đương là vô cùng quan trọng trong việc mang lại nhiều cơ hội lựa chọn khác nhau cho nông dân trồng ngô trong nước. Tùy thuộc vào áp lực của dịch hại, đặc điểm nông trại cũng như điều kiện kinh tế cụ thể mà nông dân có thể quyết định lựa chọn sử dụng loại giống tối ưu nhất với nhu cầu của họ.

Ví dụ nếu chỉ cấp phép lưu hành giống thường không biến đổi gen, nông dân sẽ thiếu công cụ cần thiết tại những vùng trồng ngô có áp lực sâu bệnh cao hoặc ngược lại. Tất cả quốc gia đang canh tác cây trồng biến đổi gen trên thế giới (29 nước) đều đang cấp phép lưu hành song song cả phiên bản giống biến đổi gen và giống thường tương đương.

Cản trở tiến trình ứng dụng và thương mại các giống cây trồng tiên tiến

Bà Đặng Ngọc Chi, Chủ tịch Nhóm Công nghệ sinh học và Giống cây trồng, CropLife Việt Nam cho rằng, định hướng chung của Bộ NN-PTNT là khuyến khích áp dụng các giống cây trồng mới, mang đặc tính cải tiến như khả năng chống chịu sâu bệnh hại, chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường, cải thiện chất lượng… nhằm thích ứng với các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như giải quyết căng thẳng áp lực về dân số, đô thị hóa, an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Điều này đã được cụ thể hóa trong rất nhiều chính sách về khuyến khích nghiên cứu phát triển giống cây trồng.    

Không dừng lại ở các giống cây biến đổi gen/chuyển gen, khi nhìn bao quát hơn tới thực tế ứng dụng công nghệ hiện tại, chúng ta đang có thêm các giống cây trồng ứng dụng công nghệ lai tạo tiên tiến như công nghệ chỉnh sửa gen… Tất cả công nghệ này đều nhằm mục đích tạo ra các tính trạng cải thiện cho cây trồng, không chỉ mang tính trạng kháng, chống chịu các điều kiện bất thuận của môi trường mà còn mang các tính trạng cải thiện dinh dưỡng hay tăng cường chất lượng và tuổi thọ cho cây…

Thực tế tại Việt Nam, các nhà khoa học đang trong quá trình nghiên cứu một số giống cây chỉnh sửa gen mang tính trạng đặc biệt, cải thiện hơn…

"Việc hạn chế, không đưa các chỉ tiêu đánh giá tính trạng đặc biệt trong các những tiêu chuẩn này sẽ cản trở tiến trình ứng dụng và thương mại các giống cây trồng tiên tiến. Điều này hoàn toàn không phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ của Chính phủ và Bộ NN-PTNT trong nông nghiệp; đồng thời không theo kịp với trình độ phát triển công nghệ lai tạo giống cây trồng trong thực tế", bà Chi nhấn mạnh.

DUS và VCU hiện chưa phù hợp

Cũng theo bà Chi, các TCVN về DUS và VCU hiện nay chưa phù hợp và hỗ trợ hiệu quả trong việc triển khai Luật Trồng trọt, phần nào tạo ra những rào cản kỹ thuật làm chậm quá trình đăng ký các giống ngô mới, cải tiến tại Việt Nam.

Thực tế canh tác nhiều năm qua đã cho thấy, các giống ngô biến đổi gen mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam. Ảnh: TL.

Thực tế canh tác nhiều năm qua đã cho thấy, các giống ngô biến đổi gen mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Việt Nam. Ảnh: TL.

Các tiêu chuẩn DUS và VCU hiện hành cũng chưa tương thích với Công ước UPOV (International Union for the Protection of New Varieties of Plants), trong đó Việt Nam là một quốc gia thành viên, tham gia từ ngày 24/12/2006. Theo Hướng dẫn chung về khảo nghiệm DUS, UPOV cũng đã nêu rõ “có thể mở rộng thêm đối với các tính trạng bổ sung” trong các tính trạng đặc trưng để đánh giá giống cây trồng.

Các tiêu chuẩn DUS và VCU hiện hành cũng không hài hòa với quy định về khảo nghiệm và đăng ký lưu hành giống cây trồng cũng như bảo hộ giống cây trồng tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Âu, Canada, Hoa Kỳ… Các quốc gia này đều ban hành và thực hiện các hướng dẫn đánh giá tính trạng bổ sung trong các quy trình đăng ký giống hoặc bảo hộ giống. Theo đó, các tính trạng này được đánh giá thuộc nhóm tính trạng định tính (tính trạng chống chịu thuốc trừ cỏ, kháng sâu, kháng bệnh): Có biểu hiện/không có biểu hiện; hoặc tính trạng định lượng như đánh giá với các cấp hại theo thang đánh giá.

Bà Chi đề xuất, bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) vào 2 tiêu chuẩn DUS (TCVN 13382-2:2021) và VCU (TCVN 13381-2:2021) đối với cây ngô để hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đăng ký khảo nghiệm và lưu hành các giống ngô mang tính trạng cải tiến trong thời gian sớm nhất.

Bà Chi nói, thực tế canh tác và lợi ích mà các giống ngô chuyển gen trong gần 10 năm qua mang lại cho nông dân tại Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng của những cải tiến trong lai tạo giống cây trồng trong canh tác nông nghiệp hiện nay, đặc biệt với những nông hộ canh tác quy mô nhỏ và dưới áp lực của biến đổi khí hậu.

Ứng dụng giải pháp và công nghệ sinh học mới đang giúp nông dân có cơ hội tiếp cận với ngày càng nhiều các giống cây trồng với những đặc tính mới, không dừng lại ở khả năng chống chịu dịch hại mà còn giúp gia tăng năng suất, chất lượng và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận.

“Một hành lang pháp lý cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, có tính dự báo và hỗ trợ cải tiến là vô cùng cần thiết để giúp nông dân kịp thời tiếp cận và tận dụng lợi ích của các công nghệ này. Do đó, chúng tôi hy vọng Bộ NN-PTNT sẽ triển khai chỉnh sửa các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đăng ký các giống ngô cải tiến trong thời gian sớm nhất để các thành viên của chúng tôi tiếp tục quá trình đăng ký và giới thiệu các giống ngô mới cho bà con nông dân. Điều này không chỉ phù hợp với Luật hiện hành, hài hòa với các quy định quốc tế mà còn hỗ trợ hiệu quả cho chủ trương thúc đẩy ứng dụng giống cây trồng cải tiến mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đang đề ra”, bà Chi kiến nghị.

Ông Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô cho biết, Viện Nghiên cứu Ngô đã tham gia quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm công nghệ giống nhiều năm qua. So với lúa, ngô có số lượng giống tham gia khảo nghiệm thấp hơn, nguyên nhân chủ yếu do tiêu chuẩn khảo nghiệm cao, các tác giả giống sẽ lựa chọn những loại tốt nhất hoặc có cơ hội được công nhận cao nhất để mang đi, tránh những rủi ro. Thời gian tới, TCVN cần sửa chữa, bổ sung cho phù hợp với quy định hiện hành.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.