Nhà ở ổn định, bỗng dưng bị kiện
Trong đơn cầu cứu, ông Vân trình bày: Năm 1990, ông và ông Vương Chấn Ẻm cùng đăng ký mua nhà Nhà nước bán phát mãi (diện nhà vắng chủ xuất cảnh sau 30/4). Gia đình ông Vân mua căn nhà số 54, đường Lê Lợi, khóm 3, phường 2, còn ông Ẻm mua căn nhà số 58 (gần nhà ông Vân mua). Trong đó, nhà ông Vân mua do Ban Tài chính TX Cà Mau (nay là TP Cà Mau) bán, nhà của Ẻm mua do Sở Xây dựng bán, cả 2 căn đều được cấp quyền sử dụng đất.
Ông Vân đau khổ đứng trên phía ban công nhà có trước năm 1975, trước lúc ông mua nhà nhưng bị tòa tuyên phải đập bỏ |
Theo biên bản bàn giao nhà đất ngày 18/6/1990, thể hiện nhà ông Vân có ban công ngang 3,5m, dài 0,8m tồn tại trước năm 1990. “Từ khi tôi nhận nhà cho đến năm 2005, cạnh nhà tôi là nhà số 52 cũng có ban công giống như nhà tôi, do cả 2 căn đều cùng chung một chủ cũ, xây trước năm 1975. Nhà tôi và căn nhà số 58 của ông Ẻm không liền nhau, do đó việc ông Ẻm kiện tôi ra tòa nói tôi tự ý xây dựng ban công lấn không gian nhà ông là điều vô lý”, ông Vân bức xúc.
Theo các tài liệu, nhà số 54 của ông Vân được Sở TN- MT xác định, đo đạc đều có ban công được xây dựng trước khi ông Vân mua lại. Theo sổ đỏ cấp cho ông Vân ngày 20/8/1991, diện tích sử dụng là 156,6m2, gồm nhà chính, nhà phụ và ban công.
Mọi việc bắt đầu lùm xùm là năm 2004, ông Vương Chấn Ẻm – hàng xóm nhà ông Vân, đồng thời là chủ nhà số 58 cho rằng, gia đình ông Vân xây thêm ban công phía sau nhà ngang 3,5m, dài 0,8m trên phần sàn nhà tầng 1 của gia đình ông Vân, cũng chính là phần không gian trên đất của ông Ẻm. Cho rằng bị lấn chiếm không gian, ông Ẻm khởi kiện ông Vân ra tòa, yêu cầu tháo dỡ ban công – mà thật ra nó đã có trước khi ông Vân mua nhà, lại không liên quan gì đến diện tích đất của ông Ẻm đang ở.
Tuy vụ kiện hết sức vô lý, nhưng TAND các cấp ở Cà Mau vẫn thụ lý và đưa ra xét xử, và đến nay hơn 10 năm, đã có đến 4 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, trong đó 3 lần bị TAND tối cao kháng nghị hủy bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, và đều có Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ các bản án mà tòa ở Cà Mau tuyên buộc gia đình ông Vân phải tháo dỡ mọi công trình kiến trúc trên phần lan can tầng 1, ngang 3,5m, dài 0,8m phía sau nhà số 54 mà ông Vân đang sử dụng.
HĐND tỉnh Cà Mau nhiều lần chỉ ra sai sót
Sau 3 lần bị TAND Tối cao kháng nghị hủy bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, ngày 26/2/2016, TAND TP Cà Mau tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lại (lần 4), và tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/2016/DS-ST, tòa đã tuyên: Buộc ông Vân tháo dỡ mọi công trình kiến trúc trên phần lan can tầng 1, có kích thước ngang 3,5m, dài 0,8m phía sau nhà số 54, để trả lại không gian theo chiều thẳng đứng của nhà ông Ẻm.
Bản án bị gia đình ông Vân kháng cáo. Đến ngày 9/8/2016, TAND tỉnh Cà Mau ra bản án dân sự phúc thẩm số 151/2016 không chấp nhận kháng cáo. Không đồng tình, ông Vân tiếp tục yêu cầu giám đốc thẩm. Tuy nhiên, ngày 20/3/2017, TAND cấp cao tại TP.HCM ra thông báo số 413/TB-TA (do thẩm phán Trương Văn Bình ký), với nội dung: Không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên ngày 9/8/2016.
Bản án khiến gia đình ông Vân và dư luận bức xúc, ngay cả một số cơ quan tỉnh Cà Mau cũng không đồng tình, như: Ban pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia VN tỉnh đều có kiến nghị yêu cầu xem xét lại bản án.
Theo Ban pháp chế HĐND tỉnh Cà Mau, TAND tỉnh Cà Mau tuyên án gia đình ông Vân thua kiện là thiếu căn cứ, chưa khách quan, bởi tại hợp đồng số 02-90/HĐMB giữa cơ quan chức năng với ông Vương Chấn Em đã sai sót khi ông Ẻm mua căn nhà số 58.
Việc này được quyết định thanh tra số 96/QĐ-TTr ngày 22/11/2007 chỉ rõ, diện tích tực tế giao cho ông Ẻm tại căn nhà số 58 đã dư so với diện tích trong hợp đồng là 23,8m2, không đúng về tứ cận… Thứ hai, về vị trí, nhà đất của ông Ẻm, căn cứ theo hợp đồng mua bán thì không có phần nào giáp với phía sau nhà số 54 đường Lê Lợi của đình ông Vân. Đặc biệt là về diện tích giao dư cho ông Ẻm khi mua nhà số 58 là 23,8 m2, đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 25/9/2008, về việc thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở số 58 do ông Ẻm sử dụng. Do đó, phần diện tích giao thừa 23,8 m2 là ngoài hợp đồng, cũng là con hẻm công cộng nằm sau hậu các nhà số 52, 54 và 56… đường Lê Lợi,. Diện tích dư đã được thu hồi thì không còn thuộc quyền sử dụng của ông Ẻm.
Ban pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, bản án phúc thẩm 151/2016 của TAND tỉnh Cà Mau, không có tình tiết gì mới, cả hai cấp tòa vẫn không làm rõ vụ án, từ đó tuyên không chấp nhận kháng cáo của gia đình ông Vân là chưa thiết phục.
Còn TAND Tối cao tại TP.HCM ra thông báo số 413/TB-TA, do thẩm phán Trương Văn Bình ký, với nội dung xác định: Không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên ngày 9/8/2016 là không khách quan. “Thẩm phán Trương Văn Bình trong thời gian làm Chánh án TAND tỉnh Cà Mau đã có nhiều lần chỉ đạo giải quyết vụ án này, và quan điểm của tòa án tỉnh qua 4 lần xét xử đều không thay đổi. Trong khi đó, khi về làm thẩm phán TAND Tối cao, ông Bình lại tham gia xử vụ án này, là không hợp tình, hợp lý được”, trích văn bản kiến nghị lần thứ 4 của Ban pháp chế HĐND tỉnh.
Ban pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức giám sát toàn bộ quá trình giải quyết vụ án này của TAND tỉnh Cà Mau và TAND cấp cao tại TP.HCM; kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao theo thẩm quyền chỉ đạo xem xét lại thông báo số 413/TB-TA ngày 20/3/2017 của TAND Tối cao tại TPHCM, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án của tòa các cấp tỉnh Cà Mau (tuyên lần thứ 4), theo hướng ủy án để xét xử lại. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng Trung ương tạm hoãn thi hành bản án dân sự phúc thẩm số 151/2016/DS-ST ngày 9/8/2016 của TAND tỉnh Cà Mau, chờ kết quả xét xử giám đốc thẩm. |