Cụ Phan Thị Tám rất bức xúc trước việc ý kiến của mình bị ghi sai. |
Thửa thứ nhất mang số 207, diện tích 97,4 m2, thửa thứ hai mang số 200, diện tích 156,6 m2. Cả hai thửa đều thuộc tờ bản đồ số 28, bản đồ địa chính thôn Năm Trại, do cha ông Thân sử dụng từ trước năm 1954 rồi truyền lại cho ông.
Năm 2019, ông Thân nộp hồ sơ cho UBND xã Sài Sơn để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Do hồ sơ chưa đầy đủ (thiếu giấy tờ xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, thời điểm xây dựng công trình trên đất) nên công chức địa chính xã Sài Sơn là ông Đỗ Văn Lợi và trưởng thôn Năm Trại là ông Lê Đình Lập đã lập “phiếu lấy ý kiến của khu dân cư” về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất của ông Phan Khắc Thân.
Lần thứ nhất, phiếu không ghi ngày tháng, tham dự cuộc họp là các ông, bà Đào Huy Hoàng, Nguyễn Viết Thành, Phan Thị Nghĩa, Phan Thị Tám, Mai Khắc Phẩm. Mọi người đều thống nhất công nhận: Đất sử dụng trước năm 1954, chủ sử dụng đất là (gia đình) ông Phan Khắc Thân và hiện tại là ông Thân, thửa số 207 tờ bản đồ 28, diện tích 97,4 m2. Tất cả đều rất rõ ràng.Thế nhưng phiếu lấy ý kiến khu dân cư này lại bị ông Đỗ Văn Lợi bỏ đi, không công nhận.
Lần thứ hai, phiếu đề ngày 1/10/2019, tham dự cuộc họp để cho ý kiến là 4 công dân của thôn Năm Trại có biết về nguồn gốc đất của ông Phan Khắc Thân, gồm bà Phan Thị Nghĩa, cụ Phan Thị Tám, bà Đào Thị Dần, ông Mai Khắc Phẩm. Ông Lê Đình Lập là người chủ trì, nêu câu hỏi, ông Đỗ Văn Lợi là người ghi ý kiến của các công dân.
Điều lạ lùng là cuộc họp không có sự hiện diện của ông Đỗ Văn Tâm, chủ tịch UBND xã Sài Sơn, nhưng trong phiếu lại ghi: ông Đỗ Văn Tâm, đại diện UBND xã. Trong phiếu ghi: Cuộc họp đã thống nhất không xác định được nguồn gốc sử dụng thửa đất. Hiện trạng sử dụng đất không tranh chấp. Thời điểm sử dụng đất không có cơ sở xác định.
Như vậy nghĩa là đất của ông Phan Khắc Thân đang sử dụng là đất công, không đủ điều kiện để UBND huyện xem xét cấp sổ đỏ. Thế nhưng khi chúng tôi tiến hành xác minh, thì kết quả hoàn toàn ngược lại. Cụ Phan Thị Tám (80 tuổi) rất bức xúc:
- Ở cả hai cuộc họp, tôi đã nói rất rõ là những năm 1950, lúc đó tôi chừng tám, chín tuổi, tôi đã thấy gia đình ông Thân sử dụng thửa đất đó rồi. Còn diện tích cụ thể thì tôi không biết. Tôi thấy anh Lợi địa chính xã đã ghi vào phiếu đúng những lời tôi nói. Khi anh ấy bảo tôi ký, tôi còn xem lại, thấy đúng thì tôi mới ký. Sao nay lại có những lời này? Thật là gian dối, người ta nói một đằng, lại ghi một nẻo.
Bà Phan Thị Nghĩa cho biết:
- Ở cuộc họp, tôi nói là năm 1980 khi tôi về làm dâu ở đất này, tôi đã thấy ông Phan Khắc Thân sử dụng thửa đất ấy rôi. Đến nay đã 39 năm. Tôi không hề nói là không xác định được nguồn gốc sử dụng của đất nhà ông Thân. Cũng không nói là không có cơ sở xác định được thời điểm ông Thân sử dụng đất. Tôi cũng đọc lại, thấy anh Lợi ghi đúng lời tôi nói thì tôi mới ký. Những lời ghi trong phiếu đề ngày 1/10 là ghi bậy.
Tất cả đều tỏ ra rất phẫn nộ về việc ông Đỗ Văn Lợi, công chức địa chính xã Sài Sơn đã cố ý ghi sai ý kiến của mình. Không hiểu động cơ của ông Lợi khi cố ý ghi sai lời người dân như vậy, là gì?
Nếu đúng như bà Phan Thị Nghĩa khẳng định: ông Phan Khắc Thân đã sử dụng đất đó từ năm 1980, thì kể cả đất đó là do ông Thân lấn chiếm đi chăng nữa, thì căn cứ vào điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015, đất đó cũng trở thành của ông rồi, và UBND huyện Quốc Oai có trách nhiệm phải cấp sổ đỏ cho ông. |