| Hotline: 0983.970.780

Xã mỗi năm sản xuất 2 triệu cây giống ăn quả

Thứ Hai 14/06/2021 , 17:29 (GMT+7)

Nhờ có nghề nhân giống cây ăn quả, hầu hết các hộ dân ở đây đều làm được nhà cao tầng hiện đại, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Sản xuất cây ổi giống ở thôn Quán Trạch, Liên Nghĩa. Ảnh: H. Tiến.

Sản xuất cây ổi giống ở thôn Quán Trạch, Liên Nghĩa. Ảnh: H. Tiến.

Xã Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên đang là một trong những vựa quất cảnh nổi tiếng trong cả nước. Không chỉ có vậy, địa phương này còn có nghề nhân giống cây ăn quả từ gần 20 năm nay.

Ông Lý Minh Tông, Chủ tịch UBND xã Liên Nghĩa cho hay: Hiện toàn xã có hơn 200 hộ làm nghề nhân giống cây ăn quả. Tổng diện tích chuyên cho gieo ươm cây giống chỉ hơn 15ha, nhưng mỗi năm các nhà nông trên địa bàn đã sản xuất được trên 2 triệu cây ăn quả giống. Bao gồm: nhãn, bưởi, cam, xoài, táo, ổi, hồng xiêm, bơ, vú sữa, chanh, quất, quýt, mắc ca,… Sản lượng tập trung chủ yếu ở 2 thôn Đan Kim và Quán Trạch.

Cây ăn quả giống làm ra từ địa phương đã và đang cung ứng cho khắp các tỉnh, thành trên miền Bắc. Giá trị thu nhập của các hộ sản xuất, kinh doanh cây ăn quả giống đạt từ 200-500 triệu đồng/năm sau khi trừ hết các chi phí đầu tư.

Nhờ có nghề nhân giống cây ăn quả các loại, mà hầu hết các hộ dân ở đây đều làm được nhà cao tầng hiện đại, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và chung tay cùng chính quyền xã, xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018.

Anh Lý Ngọc Biên (thôn Đan Kim) chỉ với 2 lao động, mỗi năm cũng ươm trồng và ghép giống được hơn 2 vạn cây ăn quả giống, doanh thu 300 triệu đồng, lợi nhuận hơn 150 triệu đồng, tùy năm. Ngoài ra, anh Biên còn luôn sẵn có kinh phí ủng hộ cho xây dựng các công trình phúc lợi và an sinh xã hội thôn, xóm.

Tập kết cây giống cung ứng cho các tỉnh phía Nam. Ảnh: H.Tiến.

Tập kết cây giống cung ứng cho các tỉnh phía Nam. Ảnh: H.Tiến.

Đáng chú ý, sự hình thành và phát triển nghề nhân giống cây ăn quả ở Liên Nghĩa nói riêng, Hưng Yên nói chung, nhà nước gần như không phải hỗ trợ kinh phí dạy nghề. Các nhà nông tự học hỏi nghề ghép cây của nhau và học qua các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Rau quả.

Nhờ vậy, mặc dù chưa được qua trường lớp đào tạo nào, những người thợ ở Liên Nghĩa vẫn chiết, ghép cây ăn quả các loại, không thua kém bất cứ công nhân kỹ thuật nào trong kĩnh vực nói trên. Không chỉ chiết ghép được hầu hết các loại cây giống, những người thợ ở Liên Nghĩa còn sáng tạo và ghép thành công các loại quả có múi trên cây cam, bưởi cảnh.

Ông Ngô Duy Đông (thôn Quán Trạch) nhớ lại: Tôi được cố GS.TS. Trần Thế Tục, Viện Nghiên cứu Rau quả, truyền cho kỹ thuật ghép giống cây ăn quả từ đầu những năm 1990. Sau về dạy lại cho người thân trong gia đình cùng hành nghề. Dần dà nghề nhân giống cây ăn quả lan tỏa ra toàn xã như hiện nay. Qua đó, đã góp phần cùng chính quyền sở tại, đẩy mạnh phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

Theo ông Đông, chiết ghép cây ăn quả không khó, tiêu thụ được sản phẩm làm ra mới là khâu khó nhất. Để có thể tiêu thụ hết sản phẩm tạo ra. Bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả giống các loại, để gia tăng uy tín. Còn đòi hỏi nhà vườn phải luôn năng động. Dự báo được nhu cầu cây giống trên thị trường. Để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho từng năm.

Vườn cây hồng xiêm mẹ cho lấy mắt ghép ở xã Liên Nghĩa. Ảnh: H.Tiến.

Vườn cây hồng xiêm mẹ cho lấy mắt ghép ở xã Liên Nghĩa. Ảnh: H.Tiến.

“Tuy nhiên, lớp trẻ ở làng quê bây giờ rất hoạt bát, chẳng những chiết, ghép cây nhanh nhẹn chuẩn chỉ, mà còn nhạy bén với việc kinh doanh cây giống”, ông Đông thừa nhận.

Nét mới trong nghề sản xuất cây ăn quả giống ở Liên Nghĩa trong mấy năm gần đây là: Một số hộ đã xây dựng được vườn cây mẹ đầu dòng cho khai thác mắt giống. Đã hình thành được nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với đại lý tiêu thụ trên toàn quốc.

Theo đó, bên cạnh sản xuất cây giống cho các tỉnh, thành miền Bắc, một số nhà vườn còn mở được thị trường tiêu thụ cây ăn quả giống vào các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nhờ vậy, nhiều nhà nông trong xã Liên Nghĩa, đã mở rộng được qui mô sản xuất cây ăn quả giống chuyên cho các địa phương phía Nam, như bơ, vú sữa, xoài, mắc ca,...

Anh Lý Văn Sách cùng một số hộ dân ở thôn Đan Kim, mỗi năm đã sản xuất được hàng chục vạn cây ăn quả giống các loại, cung ứng cho các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình. Đồng thời còn gieo và ghép gần 10.000 cây bơ và vú sữa xuất bán cho các đại lý cây ăn quả ở Đồng Nai.

Anh Sách cho biết, Tây Nguyên cũng là thị trường rất tiềm năng cho cây nhãn giống. Vì nhãn Hưng Yên khá phù hợp cho trồng ở các tỉnh Tây Nguyên. Nhiều vườn nhãn Hưng Yên trong đó đã cho quả ngon không kém nơi nguyên sản. Một số điểm trồng còn cho quả ngon hơn nhãn Phố hiến.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.