Loay hoay
Ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Phụ lục của quyết định này ghi chi tiết tới từng thôn, bản trên cả nước trong đó có thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai).
Tại thôn Cốc Sâm 5, có 20 hộ người dân tộc Phù Lá được hưởng chính sách trên, hầu hết trong số hộ này cuộc sống rất khó khăn.
Theo đó, mức hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo là không quá 15 triệu đồng/hộ/năm, hộ cận nghèo là 12 triệu đồng/hộ/năm, những hộ còn lại là không quá 10 triệu đồng/hộ/năm.
Thế nhưng vì sự tắc trách của chính quyền địa phương khiến phần hỗ trợ đáng lẽ họ được thụ hưởng trọn vẹn thì nay phải trả lại ngân sách một cách đáng tiếc. Điều đáng nói số tiền không quá lớn chỉ gần 200 triệu đồng cho 20 hộ dân người Phù Lá tại đây nhưng loay hoay mãi xã triển khai không xong, do đâu?
Bà Sùng Sín Khoảng, thôn Cốc Sâm 5 cho biết, chương trình 2086 của Chính phủ quan tâm đến dân tộc ít người Phù Lá chúng tôi. Năm 2019, chúng tôi được mời ra đến nhà văn hoá thôn để triển khai về chính sách cho người dân tộc Phù Lá và được ưu tiên hỗ trợ sản xuất. Sau khi được nghe các cấp lãnh đạo phổ biến về chính sách 2086 cho dân tộc ít người, chúng tôi đã đi đến thống nhất lấy bằng phân bón. Tuy nhiên, xã đưa phân bón NPK An Hưng (Vĩnh Phúc) cấp cho người dân. Loại phân này chưa ai ở đây sử dụng bao giờ cũng không phù hợp điều kiện sản xuất, đất đai nên chúng tôi đề nghị UBND xã hỗ trợ chúng tôi bằng phân bón NPK Lào Cai.
Còn ông Sì Hồng Sún cho rằng, "sinh ra chính sách rồi thì phải để cho dân sử dụng có hiệu quả, dân phải lựa chọn có hiệu quả. Có những người tuổi già sức yếu, không có nương đồi thì bắt người ta lấy phân để làm gì. Lấy phân về rồi lại đem bán thì không đúng với chương trình của Chính phủ.
Thế nhưng, kể cả khi đi đến thống nhất các hộ sẽ lấy phân NPK Lào Cai thì sự việc lại phát sinh một câu chuyện khác.
Theo bà Sùng Sín Khoảng, sau khi thống nhất lấy phân NPK thì chúng tôi nhận thấy giá phân được cấp quá cao so với thị trường. Do đó, người dân đã có ý kiến để có mức giá phù hợp, đỡ thiệt thòi quyền lợi. Vì chỉ cần khảo sát giá ở ngoài cửa hàng cũng thấy giá của xã đưa ra cao ngất ngưởng…
Giá phân bón được thẩm định quá cao?
Theo tìm hiểu của PV thì UBND huyện Bảo Thắng (Lào Cai), căn cứ đề xuất của người dân tại cuộc họp ngày 19/10/2019, UBND xã Phong Niên có văn bản đề nghị hỗ trợ phân bón cho người dân. Sau khi tổng hợp chung chính sách hỗ trợ theo quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho đồng bào dân tộc rất ít người của 4 xã hưởng dự án, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện dự án hỗ trợ năm 2018-2019 trình sở, ban ngành của tỉnh xem xét quyết định phê duyệt danh mục và kinh phí hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, ngày 21/11/2019, UBND huyện đã ban hành quyết định 9859/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục và kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2018 và năm 2019 của huyện cho 4 xã dự án. Trong đó, thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên được thụ hưởng là 20 hộ với tổng kinh phí 233,8 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 193,8 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ phân bón 1.900kg/hộ); nhân dân đối ứng là 40 triệu đồng (cây giống và công chăm sóc).
Căn cứ vào các điều kiện nêu trên, UBND xã Phong Niên đã tiến hành các bước theo quy định của Luật đấu thầu, ngày 25/11/2019 xã Phong Niên có tờ trình số 101/TTr-UBND đề nghị thẩm định giá gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch của huyện với đơn giá 5.200 đồng/kg (phân bón NPK 5.10.3.8 Lào Cai). Ngày 11/12/2019, Phòng Tài chính - Kế hoạch kết luận về kết quả thẩm định tài sản với đơn giá là 5.100 đồng/kg.
Tuy nhiên, quá trình triển khai hỗ trợ người dân đã so sánh với giá thị trường và cho rằng mức giá nêu trên là quá cao nên đã không chấp thuận và đề nghị tính đơn giá là 4.400 đồng/kg.
Liên quan vấn đề trên, theo ông Hoàng Trường Định, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên, việc triển khai đã đúng quy định nhưng do người dân chưa hiểu rõ về chính sách, nguyện vọng muốn được hỗ trợ bằng nhiều hình thức khách nhau. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp UBND xã Phong Niên (chủ đầu tư) tổ chức đối thoại, nhiều cuộc họp thống nhất với các hộ dân trong thôn... Mặt khác, do nhân dân chưa chấp thuận giá đã thẩm định của cơ quan chức năng và do thời gian ngắn, không đủ để thực hiện các thủ tục theo quy định. Vì vậy, UBND xã Phong Niên đã có văn bản gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đề nghị được chuyển nguồn sang năm 2020 để tiếp tục sử dụng… nhưng không được.
Điều đáng nói, đầu năm 2020, UBND xã, Phòng Dân tộc huyện Bảo Thắng có nhiều cuộc họp thôn để rà soát đăng ký triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Điều này, khiến người dân kỳ vọng sẽ sớm được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước.
Thế nhưng, theo Ban Dân tộc (UBND tỉnh Lào Cai), theo quy định tại Khoản 3, Điều 64 Luật ngân sách Nhà nước; Điều 43, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016; Điều 26, Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài Chính và văn bản số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau thì khoản kinh phí hỗ trợ cho người Phù Lá ở thôn Cốc Sâm 5 không được phép chuyển nguồn sang năm 2020.
Với những nguyên nhân nêu trên, toàn bộ số kinh phí sẽ phải trả về cho ngân sách do không giải ngân được. Sự việc nêu trên cho thấy rõ ràng sự thiếu trách nhiệm của UBND xã khiến người dân Phù Lá thôn Cốc Sâm 5 không được hưởng khoản hỗ trợ này.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Thắng cho biết, Chủ tịch UBND xã Phong Niên Phạm Viết Hưng và kế toán của xã đã nhận kiểm điểm và xin lỗi trước dân và đề nghị PV muốn biết chi tiết thì làm việc với Ban Dân tộc của tỉnh Lào Cai.
Theo người dân Phù Lá thôn Cốc Sâm 5, đoạn đường 1,78km cấp phối đá dăm cũng nằm trong chương trình hỗ trợ cho đồng bào thiểu số rất ít người đã thi công xong. Tuy nhiên, chất lượng đường kém và 2 đầu không đấu nối vào nhau.