| Hotline: 0983.970.780

Xem Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã là 'mỏ vàng'

Thứ Bảy 01/01/2022 , 13:30 (GMT+7)

HẬU GIANG Hậu Giang xem Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã là “mỏ vàng” cần khai thác hiệu quả để phát triển bền vững đối với một tỉnh chỉ có duy nhất nông nghiệp là lợi thế.

Lan tỏa từ mô hình của Kiên Giang

Hậu Giang là tỉnh trẻ nhất (tái thành lập tỉnh năm 2004) khu vực ĐBSCL khi mới bước vào cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Với vị trí địa lý ở trung tâm của vùng, được nhiều, tỉnh thành khác bao bọc, Hậu Giang không có biển, cũng chẳng có núi, diện tích rừng cũng khá khiêm tốn. Lợi thế duy nhất mà tỉnh này có được đó chính là diện tích đất nông nghiệp trồng lúa 2 - 3 vụ/năm, phát triển vườn cây ăn trái và hệ thống kênh, rạch chằng chịt nuôi cá nước ngọt.

Mỗi Tổ Kỹ thuật nông nghiệp được Hậu Giang bố trí phòng làm việc tại xã, với 3 cán bộ phụ trách, là lực lượng nòng cốt để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Mỗi Tổ Kỹ thuật nông nghiệp được Hậu Giang bố trí phòng làm việc tại xã, với 3 cán bộ phụ trách, là lực lượng nòng cốt để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Thấy rõ được lợi thế cũng như những bất lợi nên ngay sau khi tái thành lập, Hậu Giang đã bắt tay vào củng cố ngành nông nghiệp, trong đó có khuyến nông, mà nền tảng là hệ thống chân rết khuyến nông cơ sở.

Kiên Giang là tỉnh bạn, giáp ranh và là địa phương đi trước đã khá thành công với mô hình Tổ Kinh tế kỹ thuật, nên ngành nông nghiệp Hậu Giang đã đưa người qua học hỏi kinh nghiệm, cách thức tổ chức để về thực hiện.

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết: Năm 2011, tỉnh Hậu Giang quyết định thí điểm thành lập Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã, với 21 Tổ ban đầu được thành lập ở một số địa phương.

Sau 6 tháng thí điểm thành công, Tổ Kỹ thuật nông nghiệp đã được nhân rộng, thành lập ở 74 xã, phường, thị trấn, mỗi Tổ được bố trí 3 cán bộ phụ trách. Đây là lực lượng nòng cốt để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nói về vai trò của Tổ Kỹ thuật nông nghiệp, ông Tân nhận xét: Tổ làm việc tại xã, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyên môn như: Truyên truyền phổ biến pháp luật về NN-PTNT, chương trình kế hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Võ Xuân Tân (bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cán bộ Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã được nhân dân tín nhiệm cao. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Võ Xuân Tân (bên phải), Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, cán bộ Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã được nhân dân tín nhiệm cao. Ảnh: Trung Chánh.

Tổ cũng tham gia tốt việc phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi, hạn hán, xâm nhập mặn khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể và chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ chuyên ngành thú y, khuyến nông, trồng trọt và bảo vệ thực vật. Thực hiện tư vấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và kịp thời báo cáo với các cơ quan chuyên môn có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Ngoài ra, Tổ Kỹ thuật nông nghiệp còn thực hiện các công việc được UBND cấp xã giao như: Vận động thực hiện tiêu chí thứ 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện chương trình mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục...

“Phần lớn viên chức của Tổ kỹ thuật nông nghiệp xã còn trẻ, có trình độ chuyên môn nhất định, được trui rèn qua quá trình công tác cơ sở, trực tiếp với nông dân nên đã tích lũy được kinh nghiệm, được nhân dân tín nhiệm cao.

Nhờ có tinh thần phấn đấu học tập, trao dồi chuyên môn và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, đội ngũ này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”, ông Võ Xuân Tân đánh giá.

Người bạn thân thiết của nhà nông

Ghé thăm Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân, TP Vị Thanh (Hậu Giang) đúng dịp các cán bộ của Tổ đang tập huấn cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi dê, làm nông nghiệp đô thị. Buổi tập huấn với nhiều kiến thức mới, hấp dẫn, diễn ra cởi mở, các học viện trao đổi, bàn luận sôi nổi, giữa người truyền đạt và học viên cởi mở, thân thiết như bạn bè.

Anh Nguyễn Đăng Khoa (bên trái), Trưởng phòng Thông tin - Tư vấn dịch vụ (Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang) trao đổi công việc với cán bộ Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Nguyễn Đăng Khoa (bên trái), Trưởng phòng Thông tin - Tư vấn dịch vụ (Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang) trao đổi công việc với cán bộ Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân. Ảnh: Trung Chánh.

Anh Trần Chí Tâm ở ấp 6, xã Vị Tân tham gia lớp tập huấn vui vẻ cho biết: Vị Tân là xã ven đô, quỹ đất sản xuất của gia đình cũng hạn hẹp nên anh tham gia các lớp học do Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã tổ chức để chuyển sang làm nông nghiệp đô thị, phù hợp hơn.

Anh Tâm chọn mô hình chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt, xã hiện đang định hướng thành lập tổ hợp tác hoặc HTX phát triển chăn nuôi dê. Trên bờ, anh trồng cỏ voi để lấy thức ăn cho dê, dưới ruộng trồng lúa, nuôi cá. Hôm rồi đàn dê đã đẻ lúa đầu, sau 2 tháng anh bán con giống 1,2 triệu/con, thu nhập rất tốt.

Làm việc tại Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân, anh Nguyễn Bình Trung chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ chính của Tổ là tư vấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp, mô hình hiệu quả, thông tin về thị trường, giá cả, phát hiện sớm và trong phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng, vật nuôi...

Tổ viên Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân, anh Nguyễn Bình Trung (bên phải), xuống tận nơi 'cầm tay chỉ việc' cho những hộ nông dân mới tham gia chăn nuôi dê. Ảnh: Trung Chánh.

Tổ viên Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân, anh Nguyễn Bình Trung (bên phải), xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc” cho những hộ nông dân mới tham gia chăn nuôi dê. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đó, các thành viên trong Tổ lên lịch công tác, phân công ngày trực để tư vấn nông dân, giữ mối liên hệ mật thiết với nông dân; lấy hoạt động tiếp nông dân tại nơi làm việc là một trong những giải pháp tích lũy kinh nghiệm, trao dồi về chuyên môn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành.

Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn về chuyên môn cho nông dân, ngoài việc tiếp, tư vấn cho nông dân tại nơi làm việc, cán bộ Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã còn tư vấn thông qua điện thoại, tư vấn trực tiếp tại nhà, thực hiện mô hình…

Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Vị Tân cho biết, xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới là nhờ sự đóng góp tích cực của Tổ Kỹ thuật nông nghiệp, giúp bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cũng như vận động làm tốt các tiêu chí khác. Hiện trên địa bàn xã đã có HTX sản xuất lúa, tổ hợp tác sản xuất rau màu và đang mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi.

“Chúng tôi đang được Tổ chức Liên minh Na Uy hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê thịt và sinh sản, nuôi dê lấy sữa, hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đợt 1 đã có 32 hộ tham gia chăn nuôi dê hiệu quả, đang tiếp tục mở rộng cho 34 hộ tham gia mới, Tổ Kinh tế nông nghiệp đang tập huấn cho họ. Xã Vị Tân đang tập trung phát triển tổ chức sản xuất theo hướng kết, tạo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập. Đây chính là nền tảng căn cơ để Vị Tân sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022”, ông Bình kỳ vọng.

Địa bàn rộng, nhưng nhờ siêng năng, cần cù, Cán bộ Tổ Kỹ thuật nông nghiệp luôn lặn lội công tác cơ sở, trực tiếp với nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Địa bàn rộng, nhưng nhờ siêng năng, cần cù, Cán bộ Tổ Kỹ thuật nông nghiệp luôn lặn lội công tác cơ sở, trực tiếp với nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, với việc thành lập Tổ Kỹ thuật nông nghiệp, ngành nông nghiệp có được một mạng lưới hoạt động xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, sâu sát đến tận hộ, nhóm hộ nông dân. Qua đó, đã giúp ngành nắm bắt được thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách, có sự điều chỉnh, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt hơn.

Việc thành lập Tổ Kỹ thuật nông nghiệp xã đã đáp ứng nhu cầu cần thiết là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn trên địa bàn. Tổ đã giúp kiểm soát kịp thời, hiệu quả dịch bệnh, phòng, chống được sinh vật gây hại trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tham mưu, đề xuất giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp trên địa bàn. Điều tra nắm bắt chặt số liệu về sản xuất nông nghiệp. Tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, tổ chức nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Khuyến cáo chuyển đổi sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp, cung cấp thông tin cho nông dân về thị trường, giá cả. Tổ cũng quản lý và hướng dẫn các câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn phụ trách hoạt động đạt hiệu quả.

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghiên cứu hệ thống đo phát thải CO2 và CH4 từ cây lúa

CẦN THƠ EcoTraceTech - Hệ thống đo phát thải CO2, CH4 từ cây lúa là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ.