| Hotline: 0983.970.780

Xô xát tại mỏ vàng Sa Phìn: Hệ lụy không khó đoán định trước

Thứ Hai 29/08/2022 , 08:35 (GMT+7)

Sự việc xô xát giữa người dân địa phương và công nhân Công ty Cổ phần Nhẫn tại mỏ vàng Sa Phìn không khó đoán trước, chỉ là sớm hay muộn.

IMG_5613

Cổng sắt do Công ty Cổ phần Nhẫn xây dựng, người dân đi làm nương, rãy đều phải qua đây. Ảnh: H.Đ

Không phải lần đầu tiên xảy ra xô xát

Một lần nữa, tại mỏ vàng Sa Phìn thuộc địa bàn xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai) lại xảy ra xô xát giữa người dân địa phương và công nhân, bảo vệ của Công ty Cổ phần Nhẫn. Công ty này có trụ sở chính tại tổ 9, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên) tuy nhiên hoạt động điều hành, quản lý mỏ vàng Sa Phìn chủ yếu do chi nhánh tại TP. Lào Cai.

Sự việc xảy ra vào khoảng 20h10 ngày 25/8, tại khu vực mỏ vàng Sa Phìn nằm trên địa bàn thôn Mà Sa Phìn thuộc xã Nậm Xây.

Thượng tá Bùi Thống Nhất, Trưởng Công an huyện Văn Bàn cho biết, việc xảy ra xô xát tại mỏ vàng Sa Phìn, nguyên nhân do một số thanh niên đồng bào Mông trên địa bàn không có công ăn việc làm vào khu vực mỏ để nhặt, mót quặng. Trong khuôn viên mỏ có bảo vệ, công nhân của Công ty Cổ phần Nhẫn và giữa 2 bên lời qua tiếng lại nên đã xảy ra xô xát.

“Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng nhanh chóng tiếp cận hiện trường, đưa người bị thương đi cấp cứu, tổ chức hoạt động điều tra theo quy định. Khi có kết quả cụ thể sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”, thượng tá Bùi Thống Nhất cho hay.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên xảy ra xô xát giữa người dân địa phương và công nhân Công ty Cổ phần Nhẫn. Bởi khi người dân đi vào rừng, lên nương rãy đều phải đi qua cổng của khu mỏ vàng Sa Phìn. Và đây cũng là con đường độc đạo để người dân đi lại khu vực này, nên hai bên nhiều lần xảy ra việc “cơm không lành, canh không ngọt” như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh.

“Hiện nay, mỏ vàng Sa Phìn đã dừng hoạt động, nhưng người dân ra vào lúc đêm tối, bảo vệ của công ty lời qua tiếng lại, rồi người dân nhận thức thấp nên việc đó (xô xát - PV) rất dễ xảy ra. Cơ quan chức năng cũng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân địa phương để đảm bảo an ninh trật tự và hòa giải giữa các bên nhiều lần”, theo thượng tá Bùi Thống Nhất.

Còn theo UBND xã Nậm Xây, sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã họp thôn, bản, tuyên truyền pháp luật cho người dân, ký cam kết giữa các bên để không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn.

IMG_5601

Bên trong mỏ vàng Sa Phìn thuộc địa bàn xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Ảnh: H.Đ

Cần xem xét hiệu quả kinh tế của mỏ vàng?

Theo người dân, mặc dù Công ty Cổ phần Nhẫn được cấp phép khai thác tại mỏ vàng Sa Phìn nhưng cho đến nay không phân định ranh giới cụ thể; chưa giải phóng hay đền bù cho người dân địa phương, hay có mốc giới cho người dân biết…

Trong khi, đất rừng liền một giải nên người dân cứ theo nương đồi của họ, rồi vào những hầm khai thác dở dang (do mỏ đang bị dừng hoạt động). Ngoài ra, vì lối đi chung hiện nay đã bị Công ty Cổ phần Nhẫn xây dựng cổng sắt nên gây bất tiện phần nào cho người dân đi lại.

Việc xảy ra xô xát giữa người dân địa phương và người của Công ty Cổ phần Nhẫn xuất phát từ việc một phụ nữ và một người đàn ông trong thôn lên trên bãi đi rừng rồi xảy ra xích míc. Cả 2 bị đánh, vụt gậy vào lưng, mông. Sau đó, người dân trong thôn kéo lên mỏ.

“Khi đến nơi, họ đã sẵn sàng đón mình bằng gậy sắt, gỗ, ống điếu… Dân bản có 10-13 người còn họ có mấy chục người. Hiện nay, công an cũng đang vào làm việc, lập biên bản”, người dân địa phương cho biết.

Trước mắt, những trường hợp người dân bị thương đang nằm tại nhà, UBND xã Nậm Xây cũng vận động đưa xuống bệnh viện để thăm khám.

Dù ở gần mỏ vàng nghìn tỷ, đã được Công ty Cổ phần Nhẫn đầu tư để khai thác, song sau nhiều năm cuộc sống của người dân ở thôn Mà Sa Phìn nói riêng cũng như người dân sinh sống dọc đường lên mỏ vẫn nghèo, vướng thuốc phiện. Do vậy, người dân địa phương cũng như dư luận không khỏi băn khoăn về hiệu quả kinh tế của việc khai thác tại mỏ vàng Sa Phìn?

Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Lào Cai năm 2020, thì việc khai thác của Công ty Cổ phần Nhẫn tại khu mỏ này mang lại lợi nhuận hết sức èo uột.

Trước đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần khoáng sản 3 khai thác vàng tại khu vực Sa Phìn. Sau đó, tháng 12/2015, Công ty Cổ phần khoáng sản 3 chuyển nhượng dự án cho Công ty Cổ phần Nhẫn vào thế chân, tiếp tục khai thác đến ngày 4/7/2024.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.