| Hotline: 0983.970.780

Mỏ vàng Sa Phìn bao giờ mới khai thác đúng luật?

Thứ Hai 08/08/2022 , 11:07 (GMT+7)

Lào Cai Chưa thấy thấy lợi ích kinh tế - xã hội, từ ngày triển khai dự án khai khoáng, Công ty Cổ phần Nhẫn liên tiếp xảy ra vi phạm tại mỏ vàng Sa Phìn.

Bên trong khu mỏ vàng Sa Phìn có nhiều lán trại tạm bợ. Ảnh: H.Đ

Bên trong khu mỏ vàng Sa Phìn có nhiều lán trại tạm bợ. Ảnh: H.Đ

Xuất hiện nhiều lán trại tạm bợ trong khu mỏ

Công ty Cổ phần Nhẫn sau khi "ôm" lại dự án của Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1604/GP-BTNMT ngày 19/7/2016 để tiếp tục khai thác tại khu vực Sa Phìn, xã Nậm Xây (huyện Văn Bàn, Lào Cai). Sau đó, công ty này đã triển khai một loạt hạng mục để khai thác vàng tại đây.

Sau khi qua được cánh cổng sắt, được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của 3-4 bảo vệ, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong khu mỏ vàng Sa Phìn. Ở mỏ, có hai khu vực chính đã được dựng nhà xưởng, dây chuyền chế biến quặng. Người dân địa phương thường gọi là "công ty" trên và "công ty" dưới. Cả 2 khu vực đặt xưởng này có quy mô khác nhau, nhà trên lớn hơn nhà dưới.

Tuy vậy, ở khu vực ven suối xuất hiện một khu xưởng khác nhưng quy mô rất nhỏ so với 2 xưởng đã nêu trên. Khu nhà này được dựng bằng những cọc sắt, bắn mái tôn và che chắn bằng lưới đen.

Cũng theo chỉ dẫn của người dân, quanh mỏ có những điểm đổ rác thải bừa bãi với bao tải đóng kín, bốc mùi nồng nặc và họ cũng không rõ có thứ gì ở bên trong. Có điểm, các bao tải bị vùi lấp cẩu thả và những hành động ấy khiến người dân không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn môi trường. 

Cũng theo người dân thời điểm này, hoạt động bên trong mỏ không còn rầm rộ như những năm trước. Song sự xuất hiện của người lạ cũng khiến khu mỏ Sa Phìn vắng lặng lạ thường, không một bóng người. Đây cũng là điều ngỡ ngàng nhất khi vào khu mỏ vàng Sa Phìn

Tuy vậy, ở mỏ vẫn có nhiều xe máy dựng đỗ dưới chân các lán trại. Không có người, nhưng ở xưởng tuyển của "công ty" trên đèn vẫn sáng, các vòi nước vẫn chảy xối xả vào sàng.

Ngoài những khu xưởng được đầu tư xây kiên cố, trong mỏ có nhiều lán trại. Hầu hết những lán trại nằm men các con đường quanh co đi đến các điểm mỏ. Tất cả đều được dựng tạm bợ, lợp bạt, lụp sụp. Trong đó, có không ít lán còn được dựng chống bằng cọc gỗ, chông chênh giữa triền núi. 

Một điểm vùi lấp nhiều bao tải có mùi nồng nặc hóa chất. Ảnh: H.Đ

Một điểm vùi lấp nhiều bao tải có mùi nồng nặc hóa chất. Ảnh: H.Đ

Kiểm tra… bới ra nhiều chuyện 

Không rõ mỏ vàng Sa Phìn được quy hoạch, thiết kế ra sao nhưng bên trong khu mỏ những lán trại tạm bợ được dựng lên khiến người có mặt không khỏi thắc mắc về một công ty lớn, có tầm, đầu tư khai thác cả nghìn kilogram vàng trên diện tích hàng chục hécta. 

Được biết, khi vào đầu tư khai thác, cơ quan chức năng cũng nhiều lần vào kiểm tra tại thực địa về hoạt động khai khoáng của Công ty Cổ phần Nhẫn tại đây. Gần nhất, cuối tháng 10/2021, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra những tồn tại trong việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn hồ đập chứa bùn thải, bãi thải và bảo vệ môi trường.

Theo đó, đối với dự án mỏ vàng khu Sa Phìn đã có giấy phép khai thác khoáng sản 1604 của Bộ Tài nguyên và Môi trường như đã nêu trên, được UBND tỉnh Lào Cai chấp thuận tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 0004007181 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai thay đổi lần thứ 2 ngày 20/1/2017.

Tuy nhiên, một số nội dung công ty thực hiện chưa có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư này. Cụ thể, Công ty Cổ phần Nhẫn đầu tư mới và đi vào vận hành xưởng tuyển, các công trình phụ trợ phục vụ dự án mỏ vàng Sa Phìn nhưng không có trong nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 0004007181.

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Nhẫn phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) do phát sinh phương án chuyển quặng khai thác từ dự án sang tuyển tại dự án mỏ vàng gốc Sa Phìn và Tsuha, xã Nậm Xây. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra công ty chưa lập báo cáo ĐTM trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt. 

Một điểm đáng chú ý khác đó là vào thời điểm kiểm tra công ty chưa lập hồ sơ khảo sát, thiết kế phương án nắn dòng suối xây dựng đập chắn và hồ thải tuyển trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Song công ty đã tiến hành thi công 3 đập, nắn dòng suối tạo hồ thải quặng đuôi.

Cũng tại thời điểm này, đoàn kiểm tra phát hiện khu vực xưởng tuyển mới xây dựng, nước thải tại hồ lưu chứa bùn thải tuyển trực tiếp ra ngoài môi trường khoảng 10m3/h…

Qua kiểm tra, đoàn công tác còn phát hiện công trình bảo vệ môi trường, quá trình lưu chứa bùn, nước thải của công ty này không có giải pháp chống thấm và xử lý; quá trình tuyển của xưởng tuyển mới đầu tư để thải trực tiếp nước thải, bùn thải ra ngoài môi trường suối Nậm Xây Luông, suối Lò Xí Tọng…

Được biết, sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam về “Cuộc sống bên mỏ vàng nghìn tỷ”, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của mỏ vàng Sa Phìn của Công ty Cổ phần Nhẫn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.