| Hotline: 0983.970.780

Xuất huyết ồ ạt do biến chứng viêm túi thừa đại tràng

Thứ Năm 04/05/2023 , 20:06 (GMT+7)

TP.HCM Túi thừa đại tràng là bệnh tiêu hóa thường gặp, chiếm 10% người trên 40 tuổi, hơn 50% ở người trên 60 tuổi. Hầu hết túi thừa đại tràng đều không có triệu chứng.

ThS.BS Nguyễn Văn Định, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thăm khám cho người bệnh sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

ThS.BS Nguyễn Văn Định, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thăm khám cho người bệnh sau mổ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Túi thừa đại tràng chỉ được phát hiện khi thực hiện nội soi đại tràng hoặc khi túi thừa bị viêm. Biến chứng viêm túi thừa đại tràng thường gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Ông N.V.T (68 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) đi tiêu ra phân có máu đỏ tươi, ồ ạt, kèm đau vùng bụng phải, nên đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Tại đây, ông được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu và chụp cắt lớp (CT) vùng bụng cho thấy, đại tràng phải của ông có túi thừa viêm tấy và có điểm đang chảy máu nhiều.

Các bác sĩ nhận định, tình trạng của người bệnh xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng, nguy cơ bị mất máu nếu không được can thiệp kịp thời.

Ngay lập tức, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, bù dịch và truyền khẩn hơn 700 ml máu. Bệnh nhân được can thiệp nội mạch cấp cứu ngay lập tức.

BS.CKII Nguyễn Phước Thuyết, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, người bệnh được đưa một ống thông nhỏ với đường kính chỉ 0,7mm vào động mạch đùi tại vùng bẹn, dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng, ống thông được luồn theo đường động mạch đến vị trí chảy máu.

"Chúng tôi tiến hành bơm dung dịch xốp cầm máu qua ống thông, làm bít mạch máu đang chảy. Kỹ thuật này được thực hiện nhẹ nhàng, không đau, không cần gây mê, chỉ gây tê tại chỗ vùng bẹn", bác sĩ Thuyết chia sẻ.

Sau 40 phút, các bác sĩ thực hiện thành công làm tắc mạch máu đang chảy. Sau can thiệp, người bệnh hết đi tiêu ra máu, không sốt, huyết động ổn, tình trạng đau bụng giảm dần và được tiếp tục điều trị kháng sinh, theo dõi và xuất viện sau vài ngày điều trị.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Định, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, bệnh túi thừa đại tràng gặp ở 10% người trên 40 tuổi, trên 50% ở người trên 60 tuổi. Hầu hết các túi thừa đại tràng đều không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ khi nội soi đại tràng hoặc khi có túi thừa bị viêm.

Hình ảnh xuất huyết từ viêm túi thừa đại tràng phải, nhánh mạch máu đang chảy máu và hình ảnh đã được nút mạch thành công.

Hình ảnh xuất huyết từ viêm túi thừa đại tràng phải, nhánh mạch máu đang chảy máu và hình ảnh đã được nút mạch thành công.

Biến chứng viêm túi thừa đại tràng đa số là thủng hoặc áp xe, khoảng 5% trường hợp túi thừa có biến chứng xuất huyết, gây ra tình trạng đi tiêu phân có máu (máu đỏ sẫm hoặc máu đỏ tươi), xuất huyết từ túi thừa chiếm 30-50% trường hợp chảy máu ồ ạt ở đại, trực tràng. Độ tuổi ≥70 hoặc bị túi thừa cả 2 bên đại tràng làm tăng nguy cơ xuất huyết, đặc biệt ở những người béo phì.

Xuất huyết từ túi thừa đại tràng có thể âm ỉ, lượng ít hay ngắt quãng gây đi tiêu phân đen. Một số trường hợp có thể tự cầm, nhưng cũng có khi gây xuất huyết ồ ạt làm đi tiêu ra máu đỏ tươi, có thể gây tử vong nếu không được xử trí và can thiệp kịp thời.

"Việc lựa chọn phương áp can thiệp còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân và các phương tiện có sẵn cũng như kinh nghiệm của người can thiệp. Nội soi đại tràng tìm điểm chảy máu và can thiệp cầm máu trong tình huống cấp cứu thực sự rất khó khăn do không chuẩn bị được đại tràng, phân trong đại tràng làm hạn chế quan sát tìm điểm chảy máu cũng như can thiệp qua nội soi. Nội soi đại tràng cũng có nguy cơ thủng túi thừa đại tràng viêm do bơm hơi", bác sĩ Định thông tin.

Cũng theo bác sĩ Định, nút động mạch trong chảy máu do viêm túi thừa đại tràng là một thủ thuật khó. Đại tràng có thành mỏng và rất ít mạch máu nên rất dễ bị thiếu máu nuôi và thủng khi nút mạch. Đặc biệt, ở bệnh nhân đang có viêm túi thừa, đại tràng đoạn này thường tấy nề do đó dễ bị thủng hơn.

Phẫu thuật cắt đoạn đại tràng cấp cứu là phẫu thuật lớn, nguy cơ biến chứng và tử vong cao, đặc biệt viêm túi thừa thường xuất hiện trên những người lớn tuổi và có các bệnh lý nội khoa kèm theo như tiểu đường, tim mạch, bệnh hô hấp,...

Bác sĩ Định khuyến cáo, để phát hiện sớm bệnh lý túi thừa đại tràng cũng như các bệnh lý khác của đường tiêu hóa, cần phải khám sức khỏe định kỳ, nội soi đại tràng tầm soát các bệnh lý đường tiêu hóa đặc biệt ở những người trên 40 tuổi, hoặc có các triệu chứng như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi tiêu phân đen... Để phòng ngừa các biến chứng của túi thừa đại tràng, cần phải ăn chế độ ăn nhiều chất xơ, tập thể dục, vận động...

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.