| Hotline: 0983.970.780

Mỏi mòn chờ công lý

Thứ Tư 15/03/2017 , 08:41 (GMT+7)

Số đơn của bà Quý tính ra đã đến trên một vạn lá. Nếu để chồng lên, số đơn đó có lẽ còn cao hơn cả người bà, và nặng hơn số cân của bà. Mắt bà đã mờ vì cát bụi đường trường, đôi chân bà đã run vì hàng vạn dặm đường...

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng bài "Trở lại vụ án 'người đàn bà với vạn lá đơn kêu oan'". Như vậy suốt từ năm 2002 đến nay, bà Nguyễn Thị Quý (thôn Kỳ Thủy, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã gửi đơn kêu cứu, đề nghị các cơ quan làm sáng tỏ cái chết của chồng mình và thương tích của con trai mình, đưa những kẻ hành hung chồng con bà ra trước pháp luật, đồng thời đòi lại quyền sử dụng cái chuôm.

Số đơn tính ra đã đến trên một vạn lá. Nếu để chồng lên, số đơn đó có lẽ còn cao hơn cả người bà, và nặng hơn số cân của bà. Mắt bà đã mờ vì cát bụi đường trường, đôi chân bà đã run vì hàng vạn dặm đường từ huyện lên Trung ương rồi lại từ Trung ương về huyện.

Năm 2004, bà Quý được UBND xã mời lên giải quyết. Đến nơi, bà vô cùng ngạc nhiên khi thấy thửa chuôm đó đã được thêm vào 43 m2, và biến thành... đất của chùa, trong một bản đồ địa chính, dù không có bất cứ một văn bản nào thể hiện có sự chuyển nhượng hay hiến tặng gì của ông Phạm Văn Xin hay của vợ chồng bà cho nhà chùa, và chùa cũng không nằm ở khu vực đó.

Rồi trong một bản đồ khác, cái chuôm đó lại được gộp vào với hơn 500 m2 đất ở của gia đình bà, thành 856 m2, và được ghi tên 2 người là ông Khương và ông Tình, dù cả hai thửa đất đó chẳng liên quan gì đến ông Khương cả. Không đồng ý với quyết định của UBND xã là giao cái chuôm đó cho gia đình bà Quý sử dụng, ông Khương khiếu nại lên UBND huyện.

Ngày 8/4/2005, UBND huyện Thanh Oai có quyết định số 143/QĐ-UB “về việc giải quyết tranh chấp QSDĐ giữa gia đình bà Nguyễn Thị Quý và gia đình ông Nguyễn Văn Khương”. Tại quyết định này, UBND huyện Thanh Oai nhận định: Trước cải cách ruộng đất, chiếc chuôm thuộc quyền sử dụng của cụ Phạm Văn Sang. Sau cải cách, cụ Sang cho con gái là Phạm Thị Xưa, và bà Xưa đã sử dụng liên tục cho đến năm 1983. Năm 1983, bà Xưa đổi cho ông Ngọt (bố ông Khương) lấy 360 m2 đất phần trăm.

Từ nhận định đó, UBND huyện quyết định giao cái chuôm cho ông Khương sử dụng, chỉ để cho bà Quý 59 m2 đất làm ngõ đi. Cách lập luận của UBND huyện Thanh Oai thật lạ lùng. Như đã nói ở bài trước, toàn bộ lời chứng của hai vị cán bộ địa chính thôn Kỳ Thủy và xã Bích Hòa, cùng các tài liệu địa chính, đều không có một dòng nào thể hiện bà Xưa là chủ sử dụng cái chuôm đó. Mặt khác, chính bà Xưa cũng đã khẳng định tại UBND xã Bích Hòa rằng mình không có chuôm, không đổi chác cho ai.

Không đồng y với quyết định trên của UBND huyện Quốc Oai, bà Nguyễn Thị Quý có đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Hà Tây (cũ). Ngày 16/7/2006, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 653/QĐ-UBND, có nội dung “Giữ nguyên quyết định số 143/QĐ-UB của UBND huyện Thanh Oai".

Khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội, bà Quý có đơn khởi kiện quyết định số 143/QĐ-UB nói trên của UBND huyện Thanh Oai ra TAND huyện Thanh Oai. Ngày 22/10/2012, TAND huyện Thanh Oai đưa vụ kiện ra xét xử, tuyên bác đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Quý. Bà Quý chống án.

Ngày 28/2/2013, TAND Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ kiện trên, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ yêu cầu TAND huyện Thanh Oai xét xử lại. Do ngày 15/9/2014, UBND huyện Thanh Oai có quyết định số 1535/QĐ-UBND, thu hồi lại quyết định số 143/QĐ-UB để xem xét lại về trình tự thủ tục giải quyết việc tranh chấp QSDĐ, nên ngày 16/9/2014, TAND huyện Thanh Oai ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính nói trên.

Sau hơn 2 năm chờ đợi, đến ngày 20/2/2017, UBND huyện Thanh Oai mới tiếp tục ban hành quyết định số 281/QĐ-UBND, “về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữ gia đình bà Nguyễn Thị Quý và gia đình ông Nguyễn Văn Khương”, do Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng ký.

Thế nhưng, bà Quý lại một lần nữa thất vọng. Nội dung của quyết định 281/QĐ-UBND lại vẫn “sao y bản chính” quyết định số 143/QĐ-UB trước đây. Còn vụ hành hung khiến chồng bà là ông Phạm Văn Tình chết tức tưởi, và con trai bà là Phạm Văn Oanh tàn phế suốt đời, thì suốt 15 năm nay, vẫn chưa thấy cơ quan nào đoái hoài đến. Những kẻ hành hung vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Công lý vẫn còn quá xa với đối với người đàn bà khốn khổ, oan ức này. Gặp chúng tôi, bà Quý cho biết, bà sẽ vẫn tiếp tục đi tố cáo những kẻ hành hung, và cũng đang suy tính đến việc sẽ khởi kiện quyết định số 281/QĐ-UBND của UBND huyện Thanh Oai ra Tòa án, và sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.