| Hotline: 0983.970.780

Những ngôi làng mang 'sứ giả mùa xuân': Vượt trên sóng cả

Chủ Nhật 14/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

Ở về phía cực nam Cà Mau, bên hữu ngạn sông Đốc là một thị trấn sầm uất nhìn ra biển cả...


Lăng cá Ông Nam Hải ở thị trấn Sông Đốc

Ở về phía cực nam Cà Mau, bên hữu ngạn sông Đốc là một thị trấn sầm uất nhìn ra biển cả. Rời xa khu phố biển ồn ào ngoài cửa sông, theo dòng sông thơ mộng xưa vào thế kỷ XVIII có tên là Khoa Giang bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu - sông Trẹm chảy dài hơn 40 cây số đổ ra biển Tây là sông Đốc, gắn với tên tuổi của Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng. Có nghe được những câu chuyện xưa, chuyện nay của ông Bảy Bụng mới thấy từ một làng biển nghèo khó trở thành thị trấn Sông Đốc là một hành trình dài ở vùng đất đầu sóng, ngọn gió…

Lớp ngư dân mới

Ông Bảy Bụng (Trần Thanh Long) thuộc thế hệ thứ ba của lớp người khẩn hoang lập ấp, Tết này đã ngoài 80 tuổi, nói rằng chiến tranh kết thúc, du kích Bảy Bụng trở về làm ruộng, đi biển… không màng danh lợi.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ông Bảy không ra biển nữa, đơn giản vì 9 cô con gái đã thành gia thất. Sáu đứa buôn bán lập nghiệp trên bờ, có đứa mở tiệm vàng. Còn 3 chàng “nghĩa tế” theo nghề biển, đứa nào cũng sống khấm khá.

Con rể thứ 7 của ông Bảy tên Liêm có hai ba tàu đánh cá, khiêm nhường tự nhận mình là ông chủ nhỏ. Anh mô tả làng biển Sông Đốc còn có nhiều ông chủ đội tàu cá hàng chục chiếc công suất lớn, đánh bắt xa bờ, có đội tàu thu mua hải sản, dịch vụ cung cấp vật tư trên biển, doanh thu mỗi tháng hàng trăm tỷ đồng. Từ sông Đốc nhìn ra trùng khơi, ông Bảy hiểu thời dọc ngang sóng nước của mình đã đến lúc phải dừng lại.

Liêm thuộc lớp doanh nhân mới, muốn có thêm tàu lớn ra khơi, giữ biển, làm giàu, nói rằng Nghị định 67 của Chính phủ giải cơn khát của ngư dân muốn vươn ra khơi xa dù biển cả bây giờ đủ thứ sóng gió, nguy hiểm hơn thời ba vợ của anh rất nhiều.

Trong số 100 tàu cá (90 tàu khai thác, 10 tàu dịch vụ hậu cần) mới đóng ở Cà Mau, làng biển thị trấn Sông Đốc chiếm một nửa. Trong số này, anh Liêm đóng mới chiếc tàu sắt tải trọng lớn, có thiết kế các khoang trữ hàng và công nghệ cấp đông tiên tiến. Một thế hệ mới trong gia đình ông Bảy muốn làm dịch vụ hậu cần, đáp ứng tối đa những tiện ích cho tàu cá bám biển dài ngày.

Dân Sông Đốc ít ai biết những con số chính xác đoàn tàu và họ bất ngờ khi có tới 3.000 chiếc, 22.000 ngư phủ; 1.550 cơ sở làm dịch vụ hậu cần đang “bung” mạnh ra biển. Mỗi năm khai thác đạt trên 115.000 tấn hải sản. Không chỉ nộp ngân sách cho đất liền, dân Sông Đốc làm kinh tế từ biển khơi và dù biết bao cam go, họ vẫn bám biển, vượt trên sóng cả, vượt qua những thách đố đời người.

“Không chỉ tiết kiệm nhiên liệu chạy ra vào mà còn giữ được hải sản tươi lâu, chỉ cần có công nghệ cấp đông phù hợp, đảm bảo chất lượng hàng tươi thì mỗi ký cá, mực… xuất sang Nhật có thể chênh lệch hơn 50 ngàn đồng so hàng bảo quản thông thường”, anh Liêm nói.  

Dân biển Sông Đốc tính cách mạnh mẽ, ăn nói gãy gọn, nuôi mộng làm giàu.

Họ tự biết rằng chuyện làm ăn có thắng có thua, nhưng phía trước là biển cả và phía sau không có đường rút lui. Giới chủ tàu, chủ cây xăng hay chủ nhà máy nước đá… đều hiểu như vậy.

Họ nói chuyện làm ăn lời lãi bạc trăm triệu đến tiền tỷ và lỡ chuyện thất bại với con số… đôi khi còn lớn hơn mức đầu tư. Nhưng chưa có ai đầu hàng trước sóng to gió lớn.  

Đất lành chim đậu

Thị trấn Sông Đốc nhà cửa san sát, cư dân cố định với hơn 4 vạn người. Chưa tính hơn 2 vạn dân lưu động tạm trú khiến mật độ dân cư gia tăng chóng mặt xấp xỉ 1.500 người/km2.

Làn sóng di cư tìm kế sinh nhai gắn với bến cảng, con tàu, nhà vựa, trạm xăng dầu, hãng nước đá…

Trên bờ đất chật, dưới sông bến cảng tàu bè tấp nập. Đò ngang, đò dọc, tiếng máy tàu rầm rì ngày đêm.


Ngư dân trúng chuyến biển

Ngước đôi mắt mờ sau cặp kính dày, ông Bảy Bụng mường tượng sự thay đổi như một đoạn phim, rõ mồn một cảnh xóm nhà lá cũ chưa tới trăm nóc nay bỗng tràn lấn lên bờ và năm sáu dãy nhà mới mọc lên. Phố xá, nhà hàng, khách sạn cao tầng và những biệt thự nguy nga thi nhau mọc lên nhan nhản trên mảnh đất rộng 27 cây số vuông này.

Trước Tết dương lịch 2016, biển đãi ngư dân một chuyến, chợ búa trên bờ lại được giá. Cá, tôm, mực đều tăng giá, xăng dầu hạ giá. Ngư dân được đãi hai lần. Sau một tháng trời nắng gió giữa trùng khơi, số tiền ngư phủ được chia mười mấy triệu đồng/người. La cà hàng quán, đi đâu cũng nghe tiếng cười đùa rôm rả, giòn tan.

“Hồi xưa, khi ông nội tôi - Trần Hữu Định - cùng lớp người buổi đầu mở đất khai khẩn, lập nghiệp ở xứ này, biển vắng, bốn bề rừng rậm, âm u. Một xóm lưới, dân cư thưa thớt, xuồng ghe bé tẹo, chỉ dám ra biển đẩy te, lưới cá quanh quẩn mấp mé ven bờ. Người ở đây muốn mua hàng, tìm bác sĩ chữa bệnh ở Cà Mau, cách 60 cây số, phải chèo ghe trắng đêm mới tới nơi”, ông Bảy Bụng nhớ lại.

Bây giờ quanh khu chợ trung tâm kéo dài gần 2 cây số, hàng quán mua bán rộn ràng. Làng biển trúng lớn thì chành vựa “cháy hàng” không cách gì bổ hàng về kịp.

Cá Ông linh thiêng

Dân ngư phủ tôn thờ các vị thần hộ mệnh khi ra khơi. Khoảng năm 1925, Lăng Ông Nam Hải - đánh dấu giai đoạn lập ấp của làng biển Sông Đốc. Ông Bảy Bụng nhớ lại lần đầu tiên ông nội và bà con xóm vàm Sông Đốc tận mắt chứng kiến xác cá Ông to hơn 20 tấn, giữa thân cao hơn đầu người trôi dạt vào bờ.

11-09-12_ong-by-bung-v-bo-cot-xuong-c-ong-co-hon-du-nguoi-nh-hd
Ông Bảy Bụng và bộ cốt xương cá Ông cao hơn đầu người

Cá Ông linh thiêng trong tâm khảm của người đi biển nên dân làng đã an táng và lấy cốt lập miếu thờ tại vàm Rạch Ruộng. Sau đó vài năm, tàu Pháp nã pháo cháy miếu thờ. Dù thăng trầm, dân làng lại dời bộ cốt cá Ông ra phía ngoài vàm sông cúng bái. Tới thời Ngô Đình Diệm giành chỗ lập đồn bót, lần thứ ba dân làng cung thỉnh cá Ông về xây lăng thờ phụng ở khóm 2, thị trấn Sông Đốc cho tới ngày nay.

11-09-12_le-hoi-nghinh-ong-thuong-nien-o-song-doc-nh-tien-hung
Lễ hội Nghinh Ông thường niên, một nét đẹp văn hóa du lịch tín ngưỡng của dân làng biển sông Đốc (Ảnh: Tiến Hưng)

Hằng năm từ ngày 14 đến 16 tháng 2 âm lịch, tại Lăng Ông Nam Hải người dân tổ chức Lễ hội Nghinh Ông - còn gọi là lễ rước "Đại tướng quân Nam Hải" long trọng, linh đình. Hàng ngàn tàu thuyền, người dân trong tỉnh Cà Mau và các vùng lân cận hội tụ về bày tỏ lòng thành kính, cầu khấn “Mưa thuận gió hòa”, nguyện cầu "Âm siêu dương thới, người sanh tiền mạnh giỏi làm ăn, nhà nhà an cư lạc nghiệp…".

Ký ức về cơn bão số 5 (Linda) vẫn còn để lại vết thương lòng trong nhiều gia đình ngư phủ (mùng 3 tháng 10 năm 1997), người ta nhanh chóng đưa ra con số thiệt hại tính hơn 2.711 tỉ đồng. Nhưng con số làm sao nói được tổn thương khi không ít gia đình ngư phủ bị nhấn chìm cả tương lai chung sống với biển? Bởi vậy dân làng biển phương Nam tin rằng thờ cúng cá Ông, van vái Bà Cậu và các nữ thần cai quản, phù hộ ngư dân trên vùng biển của mình.

Tâm linh và nét văn hóa lưu truyền từ lớp tiên hiền, hậu hiền khai khẩn cho đến lớp con cháu và dân thập phương tụ hội sống thành quần cư tại đô thị sung túc này vẫn giữ đến ngày nay.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công trình cấp nước miền núi ở Khánh Hòa: Công nghệ lạc hậu, vận hành yếu kém

Phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Khánh Hòa hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp, hư hỏng.