| Hotline: 0983.970.780

Tiếp bài "Thu hồi đất ở Hòa Hậu gây bức xúc": Cần xem xét nguyện vọng của dân

Thứ Năm 03/11/2011 , 10:13 (GMT+7)

Sau khi bài báo nêu trên được đăng (NNVN ngày 28/10), chiều ngày 31/10, có cuộc họp toàn thể 4 hội: Cựu chiến binh, Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ của 5 xóm thuộc xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam), đều nằm sát khu đất thuộc xóm 18 bị thu hồi làm Nhà máy gạch Tuynel Sông Hồng nhằm “tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân”. PV báo NNVN đã có mặt tại cuộc họp đó.

>> Thu hồi đất ở Hòa Hậu gây bức xúc

Theo phản ánh của một số bà con, sự thực chỉ có một số rất ít người được báo đi họp theo kiểu “chọn lọc”. Một hội viên Hội Phụ nữ xóm 18 đã đứng lên chất vấn người điều hành: “Gọi là họp hội viên của 4 hội nhưng sao tôi và rất nhiều người lại không được báo? Sao lại tước quyền được hội họp, được phát biểu của chúng tôi?”.

Hội nghị không giới thiệu thành phần, chỉ có một ông trong Hội Cựu chiến binh tuyên bố lý do, và sau đó đọc một loạt văn bản, đọc nhanh đến mức chẳng ai kịp hiểu, kịp nhớ gì. “Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai” đối với ông Trần Năng Lượng ở xóm 18, do chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Văn Hưởng ký, được đọc tại cuộc họp, đã bị đa số người dự phản ứng gay gắt.

Số là diện tích đất 14.587 m2 đó, từ năm 1992, đã được BQL HTXNN Nhân Hậu cho hai ông Trần Đức và Trần Sỹ đấu thầu với thời hạn 5 năm (1993-1998). Sau khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ, diện tích đất trên được giao cho UBND xã quản lý. Từ đó đến nay, tuy chưa thanh lý hợp đồng nhưng hai ông Sỹ, Đức vẫn canh tác và nộp sản đều đặn cho UBND xã.

Với tư cách là xóm trưởng, có mấy lần ông Lượng được hai ông Sỹ, Đức nhờ mang tiền lên xã nộp hộ chứ bản thân ông không thuê đất ấy. Vậy mà không hiểu sao Chủ tịch UBND huyện lại cứ đè ông ra để phạt, phát quyết định phạt choang choang trên loa truyền thanh của xã và còn cho cả Công an về gặp ông để “làm việc”, dù ông đã thanh minh nhiều lần là ông không vi phạm.

Điều lạ lùng là người không vi phạm thì bị phạt, còn người vi phạm đích thực là ông Trần Như Văn (người được tỉnh cho thuê 14.587 m2 đất sát khu dân cư để làm nhà máy gạch), thì lại vẫn ngang nhiên vi phạm. Ông này đã xây nhà nhiều tầng trên hành lang bảo vệ đê. Thanh tra huyện đã có kết luận về việc vi phạm này. Thanh tra Sở NN- PTNT tỉnh Hà Nam, Hạt Quản lý đê huyện Lý Nhân và UBND xã Hòa Hậu đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông Văn phải tháo dỡ công trình, nhưng bà con cho biết, không những không chấp hành, ông này lại còn... xây thêm. Kết luận thanh tra và những biên bản khác biến thành mớ giấy lộn.

Gần như toàn bộ những người dự họp đều trình bày nguyện vọng của mình một cách thiết tha, là không nên đặt nhà máy gạch ở quá gần khu dân cư như vậy. Nhà nước có thể dùng diện tích đất trên để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng như làm nhà trẻ, làm chợ (đã có một thời, bến sông Hồng xã Hòa Hậu nhộn nhịp trên chợ, dưới thuyền, là đầu mối buôn bán nhiều mặt hàng đi khắp nơi) hay chuyển đổi thành dự án khác như xây dựng nhà máy may, nhà máy dệt (Hòa Hậu là địa phương có nghề dệt rất lâu đời, hiện sản phẩm dệt của xã vẫn rất được thị trường ưa chuộng)…

Không biết những nguyện vọng đó của bà con có được những người tổ chức cuộc họp ghi vào biên bản một cách đầy đủ không, hay biết đâu sau đó, một báo cáo tròn trĩnh, sạch sẽ, là “bà con đồng thuận rất cao” với chủ trương thực hiện dự án xây nhà máy gạch, sẽ được gửi lên cấp trên?

Một số chị em phụ nữ, người nào cũng mang gương mặt đầy lo âu, đã trao đổi với chúng tôi bên ngoài cuộc họp: Trông người lại ngẫm đến ta. Đọc những thông tin trên báo gần đây mà chúng tôi hết hồn. Như làng Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng cùng tỉnh gần đây thôi, từ ngày có nhà máy xi măng trong xã, đàn ông chết vì ung thư rất nhiều, đến nỗi người ta đã gọi Bút Sơn là “làng góa bụa”. Có nhà, từ năm 2008 đến nay, 3 bố con đều chết vì ung thư, để lại mẹ chồng và 2 nàng dâu góa.

"Chúng tôi mới có 3 nhà máy gạch cách xa thế mà hồng rụng hết trái non, hoa không đơm bông, đậu tương không quả, chuối táp hết lá. Đến bể nước mưa cũng không dùng được nữa. Mới trên 50 ngày mà 7 người chết vì ung thư, trừ một cháu là gái còn tất cả là đàn ông, tuổi từ 45 đến 50. Nay lại thêm một nhà máy gạch sát làng nữa, thì chỉ sợ các xóm quanh đó lại trở thành những “xóm góa bụa” mất thôi", một người dân tỏ ra lo lắng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.