| Hotline: 0983.970.780

21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập lực lượng kiểm ngư

Thứ Năm 07/12/2023 , 16:56 (GMT+7)

'7 địa phương ven biển chưa thành lập lực lượng kiểm ngư, Sở NN-PTNT các tỉnh tích cực phối hợp sở, ngành trình cấp có thẩm quyền thành lập’, Cục trưởng Nguyễn Quang Hùng nói.

Phát hiện, xử lý nhiều hành vi cấm về IUU

Thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các ngư trường trọng điểm, vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm, góp phần quan trọng trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về IUU vẫn còn diễn ra phức tạp, tinh vi (sử dụng biển số giả, tàu "3 không", tàu vượt gianh giới, có ý ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá - VMS...) để trốn tránh lực lượng thực thi pháp luật.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của lực lượng kiểm ngư địa phương trong thời gian qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của lực lượng kiểm ngư địa phương trong thời gian qua. Ảnh: Hồng Thắm.

Triển khai Công điện số 1058/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển; để đánh giá kết quả thực thi pháp luật năm 2023 và tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lực lượng kiểm ngư trong vai trò thúc đẩy sự tuân thủ, thi hành pháp luật của ngư dân, sáng 7/12, tại Hà Nội, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với 28 Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố để “Đánh giá kết quả công tác thực thi pháp luật năm 2023 và bàn giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư Việt Nam năm 2024”.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, năm 2023, lực lượng kiểm ngư Trung ương đã thực hiện 28 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra 1.061 phương tiện hoạt động khai thác trên biển, phát hiện 161 tàu cá vi phạm; xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính trên 10,7 tỷ đồng.

Phát hiện, xử lý nhiều hành vi cấm về IUU, lỗi nghiêm trọng theo Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tập trung chủ yếu tàu cá thuộc các tỉnh như: Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Bình, Kiên Giang…

Đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tàu cá nước ngoài; tiến hành lập biên bản, ký xác nhận, điểm chỉ vào Tổng đồ vị trí vi phạm, chụp ảnh, sau đó buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam 42 tàu cá nước ngoài cùng 167 thuyền viên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản; đối với các trường hợp không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, khai thác gần đường phân định thì tiến hành đấu tranh, buộc chuyển hướng để di chuyển khỏi vùng biển Việt Nam.

Phối hợp với Cảnh sát Biển, lực lượng Biên phòng, kiểm ngư địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra chung, tăng cường tuần tra chuyên đề, hỗ trợ ngư dân khai thác hợp pháp, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài tại vùng biển Tây Nam bộ và vịnh Bắc bộ.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện nay 21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã hình thành lực lượng kiểm ngư. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện nay 21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã hình thành lực lượng kiểm ngư. Ảnh: Hồng Thắm.

Tiếp nhận 166 vụ, 172 tàu, 778 người gặp tai nạn, sự cố trên biển; cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng cứu được 53 lượt tàu, 391 người và hỗ trợ y tế cho 17 người bị thương, bị ốm, 9 người bị tai nạn lao động

Còn tại các địa phương, theo ông Cường, các lực lượng thực thi pháp luật thủy sản đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trên biển.

Tính đến ngày 5/12/2023 đã xử phạt hơn 3.000 vụ, gần 73 tỷ đồng. Một số tỉnh có số tiền xử phạt lớn như: Kiên Giang 665 vụ, với gần 38 tỷ đồng; Cà Mau 228 vụ, hơn 6 tỷ đồng; Bình Thuận 555 vụ, gần 6 tỷ đồng; Quảng Ngãi 47 vụ, gần 3,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 255 vụ, hơn 3 tỷ đồng…

Các hành vi vi phạm chủ yếu là thuyền viên không có tên trong Sổ danh bạ thuyền viên, không mang theo giấy tờ tùy thân; không kẻ số đăng ký tàu cá hoặc viết không đúng quy định; không đăng ký tàu cá; ghi không đúng nhật ký khai thác thủy sản; tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản; hoạt động khai thác không đúng so với nghề ghi trong giấy phép khai thác; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn; vi phạm về sử dụng thiết bị VMS.

Tổ chức bộ máy chưa được thống nhất

Cũng theo ông Cường, hiện nay hệ thống kiểm ngư đã được hình thành từ Trung ương tới địa phương với 21/28 tỉnh, thành phố ven biển đã hình thành lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy chưa được thống nhất; chế độ chính sách cho kiểm ngư địa phương chưa được quy định, thiếu tàu kiểm ngư và kiểm ngư viên.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, lực lượng kiểm ngư tuy đã được thành lập tại nhiều địa phương nhưng tổ chức bộ máy chưa được thống nhất. Ảnh: Hồng Thắm.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, lực lượng kiểm ngư tuy đã được thành lập tại nhiều địa phương nhưng tổ chức bộ máy chưa được thống nhất. Ảnh: Hồng Thắm.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, lực lượng kiểm ngư tuy đã được thành lập tại nhiều địa phương nhưng tổ chức bộ máy chưa được thống nhất, có nơi thì Chi cục Kiểm ngư, nơi thì Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Phòng Kiểm ngư thuộc Sở NN-PTTN, Phòng Kiểm ngư, Phòng Kiểm ngư Thanh tra thuộc Chi cục Thủy sản …

Còn theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, khó khăn của lực lượng kiểm ngư còn nhiều như: Nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của lực lượng kiểm ngư địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi được giao quản lý; kinh phí cấp cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế…

Kết luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của lực lượng kiểm ngư địa phương trong thời gian qua.

Thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các ngư trường trọng điểm, vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm, góp phần quan trọng trong chống khai thác IUU. Ảnh: Hồng Thắm.

Thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các ngư trường trọng điểm, vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tập trung ngăn chặn, xử lý các vi phạm, góp phần quan trọng trong chống khai thác IUU. Ảnh: Hồng Thắm.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư nói: “Thời gian tới, Cục Kiểm ngư sẽ đề xuất, báo cáo Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về điều kiện đảm bảo của kiểm ngư địa phương. Trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang suy giảm nghiêm trọng, cảnh báo ‘thẻ vàng’ IUU vẫn chưa tháo gỡ được thì việc thực thi pháp luật nói chung, đối với lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương nói riêng lại càng đóng vai trò quan trọng”.

“Sau 6 năm triển khai chống khai thác IUU, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, nhưng việc thực thi pháp luật vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, Ủy ban châu Âu đánh giá vẫn chưa tích cực, nhiều địa phương vẫn chưa quan tâm”, ông Hùng nói thêm.

Theo ông Hùng, thời gian tới, đối với các địa phương chưa thành lập lực lượng kiểm ngư, cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền để thành lập để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển.

Các địa phương cũng cần tập trung rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu để báo cáo UBND tỉnh đề xuất bổ sung số lượng tàu, xuồng kiểm ngư, biên chế, trụ sở làm việc… để Bộ NN-PTNT tổng hợp đưa vào Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh: “Đối với các địa phương đã hình thành lực lượng kiểm ngư, cần tiếp tục quan tâm bổ sung nhân lực, phương tiện, kinh phí để đảm bảo năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển của lực lượng, đảm bảo việc thi hành pháp luật thủy sản trên vùng biển được giao quản lý”.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.