| Hotline: 0983.970.780

40 tuổi đã thấy nguội lạnh, không muốn lập gia đình

Thứ Tư 20/07/2022 , 10:18 (GMT+7)

40 tuổi, càng nhiều tuổi, cháu càng thấy nguội lạnh cô ạ. Rồi sẽ là một xu hướng đông đảo về độc thân đang bắt đầu trên toàn thế giới đấy cô ạ....

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 39 tuổi, em trai cháu 36 và em gái út 32. Cả ba anh em đều chưa đứa nào lập gia đình. Cháu là anh cả, đi Hà Nội học đại học, làm việc thời gian rồi làm cao học và ở lại thủ đô làm việc cho đến nay. Em trai kế cháu thì đi du học Bắc Âu và hiện vẫn sống và làm việc bên ấy. Đứa em gái út thì vẫn đang ở Pháp. Chúng cháu đều đi bằng học lực và đó là niềm tự hào ghê gớm của hai bố mẹ viên chức quèn ở tỉnh lẻ.

Vấn đề trong thư không chỉ là vấn đề của mấy anh em cháu. Chắc cô cũng hình dung được, đầu xuôi đuôi mới lọt, cháu là anh cả mà gần tứ tuần, vẫn chưa nhúc nhích chuyện vợ con, rất là kỳ cục và đáng trách, đúng không cô? Tình yêu thời học sinh, mắt biếc, qua mau, tình yêu thời đại học cũng không ở lại, tình yêu thời cao học, yêu lên bờ xuống ruộng nhưng rồi không vì lỗi của ai cả. Từ đó cháu chỉ  bị động với các cô nàng cưa cẩm mình nhưng không thiết tha với ai.

Một điều lạ là cháu không còn thích hôn nhân nữa. Bố mẹ thảng thốt, rồi buồn lo, giờ thì họ cũng trơ lì như cháu rồi cô. Đứa em trai giữa ở Bắc Âu bảo, qua đại dịch, thấy loài người khổ quá, chẳng làm được gì với nguy cơ tận thế. Thế là nó nói riêng với cháu, là sẽ không lập gia đình. Đứa em gái ở Pháp, nơi tình tứ là đặc điểm quốc gia dân tộc, nó bảo thấy tràn ngập người nhập cư, thấy bất ổn, thấy chiến tranh, thấy đàn ông thất nghiệp nhiều, trang lứa với nó thảy đều ngao ngán hôn nhân.

Bạn bè của cháu ở VN thì không như cháu, đi làm, vợ con, có hạnh phúc và bất hạnh. Riêng cháu một kiểu, không ai lay chuyển được. Cháu có vấn đề tâm lý ư, hay là quan niệm của cháu quá khác biệt nên không được đồng cảm. Bố mẹ ra cái hạn cuối cùng năm tới, 40 tuổi, càng nhiều tuổi, cháu càng thấy nguội lạnh cô ạ. Rồi sẽ là một xu hướng đông đảo về độc thân đang bắt đầu trên toàn thế giới đấy cô ạ. Cháu có làm bố mẹ tổn thọ về quyết định này không cô?

Cháu thân mến!

Cô cũng nhận biết có một chuyển động ngầm nhưng khá rõ với quan niệm về sinh sản và truyền giống của thế hệ trẻ. Nhất là từ sau năm 2000, khi bước sang thiên niên kỷ mới. Khi toàn cầu hóa tác động đến mọi ngóc ngách thế gian, những dân tộc nhỏ và khuất vẫn không thể không chịu tác động.

Một người bạn Pháp từng mật thiết với vợ chồng cô mỗi lần cậu ấy sang VN nói rằng, đến lúc nào đó, Pháp chỉ còn duy nhất 1 công dân Pháp da trắng, chính bản. Cậu ấy ngoài 40 rồi, có những người tình nhưng kiên quyết không lấy vợ. Cô hỏi rồi nước Pháp sẽ ra sao, da màu hết à, cậu ấy trả lời "Vì sao em phải có trách nhiệm duy trì màu da trắng cho nước Pháp?"

Vậy đó. Khi các quốc  gia xem đương nhiên việc đa chủng tộc là chuyện của hôm nay và mai sau thì ở những nơi con người sinh đẻ dễ dãi như Trung Đông, như Châu Phi, như Ấn Độ… thì việc di dân là không thể tránh khỏi cho dù có bao nhiêu bức tường, cho dù có bao nhiêu sóng gió, họ vẫn vượt qua. Có nghĩa là, ở những nơi ta tưởng rất yên ổn và thanh vắng thì bỗng chốc đông đúc, nhộn nhạo, chen chúc, nhiều tệ nạn, khó sống. Như em gái cháu ở Pháp đã thấy và từ đó, không muốn lấy chồng. Hay em trai cháu ở Bắc Âu, chuyện sống độc thân khá phổ biến, có lẽ cậu ấy không bị áp lực mấy.

Nhưng với cháu, cô nghĩ, nên xem lại mình. Là người có trách nhiệm trực tiếp với bố mẹ, cháu phải nghĩ như mọi người, được không? Bởi vì cô biết, phụ nữ sau 40 thì cam tâm ế, vì liên quan đến nội tiết và sinh đẻ. Đàn ông sau 40 không sợ không có con được nhưng nội tiết tố cũng giảm, nguội lạnh là vì vậy. Cháu nguội là do sinh học, cháu biết mà và nó ảnh hưởng tâm lý. Vả lại, khó tính là có thật, chọn và chọn, chọn mãi kén mãi rồi thì tặc lưỡi, không thấy ai cả, ở vậy cho xong.

Làm con trai đàn ông VN là phải nghĩ cho gia tộc nữa, nhất định thế rồi, Việc không hôn nhân, không có con chi cho phiền cho mệt là việc của hai đứa em của cháu. Chúng nó có lẽ sẽ như tây, những cánh chim hết chân trời này đến chân trời khác. Cháu phải có trách nhiệm với vui buồn của bố mẹ, vì vậy cô khuyên "Nhanh lên chứ, vội vàng lên với chứ". Nỗi buồn ba đứa con mà không có lấy một đứa cháu, sao vậy, sao có thể khiến bố mẹ mình khắc khoải và sẽ chết trong khắc khoải vậy cháu?  

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.