| Hotline: 0983.970.780

Đẩy nông dân vào cảnh bần cùng

Thứ Ba 22/11/2011 , 08:53 (GMT+7)

Có ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật của Trung Quốc đang có nhiều kẽ hở và mâu thuẫn dẫn đến việc môn thể thao xuất xứ từ trời Tây đang ngày càng thể hiện nhiều mặt trái ở nước này.

Sân golf bị cho là "đẩy nông dân vào tình cảnh mất đất"

Cấm xây sân golf nhưng vẫn cứ xây. Và, trên mặt báo Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều cái được gọi là “tham nhũng golf”. Có ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật của Trung Quốc đang có nhiều kẽ hở và mâu thuẫn dẫn đến việc môn thể thao xuất xứ từ trời Tây đang ngày càng thể hiện nhiều mặt trái ở nước này.

>> Trung Quốc cũng tranh cãi quyết liệt sân golf

Vì sao quan chức mê golf?

Sau “sự kiện golf Ôn Châu”, không ít tờ báo tại Trung Quốc mổ xẻ nguyên nhân quan chức thích chơi golf và còn giữ vị trí cao trong Hội chơi golf tại địa phương mình lãnh đạo.

Nguyên nhân thứ nhất, các quan đã qua thời kỳ “tích lũy cơ bản” nên không còn mấy hứng thú với tiền bạc. Họ muốn có cái gì đó mới mẻ hơn. Hoàn cầu thời báo và trang báo mạng Làn sóng mới gọi golf là môn thể thao quý tộc - điều các quan nhắm tới vì coi đó là giá trị không thể thiếu với “xã hội thượng lưu”. Nguyên nhân thứ hai, sân golf là nơi dễ dàng để quan chức và doanh nghiệp “quan hệ tình cảm” với nhau để rồi cả hai đều đạt được mục đích.

“Một trái bóng golf trung bình cũng có giá 100 NDT, rồi thì gậy, túi, quần áo, lệ phí ... tính ra mỗi năm một tay golf phải bỏ ra vài trăm nghìn NDT. Nếu tính chi li, mỗi cú quật gậy của tay golf tương đương một bữa ăn của một gia đình trung lưu. Dù là quan chức, với thu nhập từ lương nhà nước trả, họ lấy đâu ra ngần ấy tiền?”, bài xã luận trên Hoàn cầu thời báo đặt câu hỏi.

Còn theo tờ Pháp chế vãn báo của Trung Quốc, năm 2007, Quốc vụ viện nước này đã ra đạo luật cấm quan chức, hoặc Đảng viên nắm giữ vị trí lãnh đạo kiêm nhiệm bất cứ vị trị nào trong các tổ chức kinh tế, xã hội, câu lạc bộ - làm ảnh hưởng tới công việc được giao phó. Báo này cho rằng, cần có chế tài xử lý mạnh tay với những cá nhân vi phạm đạo luật nói trên.

Trong khi đó, báo mạng Làn sóng mới cho biết, Trung Quốc hiện đã xuất hiện câu thành ngữ rất được ưa chuộng, nội dung: Hôm nay không gặp tôi, tôi ở sân golf. Ngày mai gặp tôi, tôi đứng hầu tòa án.

Nhật báo Tin tức Hải Nam còn liệt kê hàng loạt “tội trạng” của sân golf như: Vi phạm hàng loạt đạo luật đã được Quốc vụ viện thông qua; Phá hoại môi trường sinh thái; Lãng phí tài nguyên đất vì sân golf chỉ đông khách vào mùa xuân, mùa thu; Lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp; Đẩy nông dân vào tình cảnh mất đất, mất kế sinh nhai ...

“Rõ ràng, sân golf đang là căn bệnh khiến Trung Quốc đau đầu tìm cách chữa trị”, tờ Tin tức Hải Nam kết luận.

Cái phao của giới bất động sản

Theo tờ Hoàn cầu thời báo, khi bị phát hiện vi phạm, chủ sân golf phải nộp khoảng vài chục nghìn cho tới một triệu NDT rồi... lại kinh doanh tiếp. Khoản phạt như thế, theo báo này là chưa thấm vào đâu, bởi đằng sau mỗi sân golf là một doanh nghiệp cỡ bự và chưa kể còn có thể “dựa bóng” một quan chức cấp cao của địa phương để kiếm những khoản lời lớn hơn.

“Độc chiêu” thường được áp dụng nhất là xây dựng “sân vận động sinh thái dân tộc” rồi sau đó biến nó thành sân golf. Điều này, theo giới luật sư thì sẽ khiến chủ đầu tư chỉ phải trả số tiền đền bù ít hơn cho nông dân. Còn chuyên gia kinh tế thì cho rằng, thực chất sân golf sẽ là cái phao cho giới buôn bất động sản.

Lý do là sân golf thường được xây cách xa khu dân cư, nếu xây dựng các công trình bất động sản như nhà nghỉ, nhà ở, khu dịch vụ liên hợp ... ở đó sẽ rất ế khách. Nhưng có sân golf thì khác, nó sẽ “kéo theo tâm lý cho rằng cái gì gần sân golf cũng sẽ lên giá” – một chuyên gia kinh tế được Tin tức Hải Nam dẫn lời cho hay.

Đáp lại những chỉ trích, giới chơi golf Trung Quốc viện dẫn Luật Thể thao của nước này có điều khoản: Các tổ chức xã hội, kinh tế có thể dùng vốn để phát triển thể thao. Ngoài ra, Luật Thể thao cũng quy định những hoạt động về thể thao sẽ do Bộ Thể dục thể thao quản lý, những bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp. Giới chơi golf nước này dùng những lý lẽ đó để phản đối việc Bộ Tài nguyên cử đoàn thanh tra và tuyên bố đóng cửa sân golf phi pháp.

Mâu thuẫn giữa Luật Thể thao và đạo luật cấm xây sân golf của Quốc vụ viện Trung Quốc đang là tâm điểm tranh cãi sau “sự kiện golf Ôn Châu” và điều tra của báo Tin tức Hải Nam đưa ra tin sốc: 97% sân golf tại Trung Quốc có thể liệt vào “danh sách đen”; cùng với đó là ngày càng nhiều tờ báo lên tiếng về nạn “tham nhũng golf”.

Tháng 7 vừa qua, tờ Tin tức Hải Nam tiếp tục gây thu hút với bài viết dẫn lời nhiều luật sư, chuyên gia kinh tế ở Vân Nam kêu gọi có những đạo luật xử mạnh tay hơn nữa với sân golf: “Cần phải hạ bậc hoặc cách chức, xử lý về Đảng với những lãnh đạo để xảy ra tình trạng sân golf “chui” mọc lên tại địa phương được giao”.

Hoàn cầu thời báo sau đó cũng tung bài viết cho rằng cần cấm quan chức tại Trung Quốc chơi golf bởi “đây là môn thể thao cực kỳ xa xỉ, và một lãnh đạo không thể nào có đủ tiền và thời gian phung phí vào sân golf”.

Cuộc khẩu chiến trên báo chí, diễn đàn, mạng xã hội giữa phe đề nghị mở rộng sân golf và phe chống chơi golf vẫn chưa có hồi kết. Trong diễn biến mới nhất, đại diện đoàn thanh tra sân golf trên toàn quốc do Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập phát biểu trên Tân Hoa Xã: “Trong năm 2011, Trung Quốc sẽ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và xử lý mạnh tay với sân golf phi pháp cũng như những cá nhân có liên quan”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện cụ Bầm tháo dỡ bàn thờ tổ tiên phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

'Mình hết lòng vì Tổ quốc thì tổ tiên sẽ ủng hộ, phù hộ chứ các cụ có làm gì ảnh hưởng đến con cháu đâu mà sợ', chị Nhàn thuật lại lời kể.