Tin tức của vụ trộm 225 ngàn USD tràn ngập trên các báo. Trong chồng báo do văn thư đưa đến từ sáng, ông Luyến giở từng tờ báo, chỉ lướt qua những cái “tít” như “Nghi phạm vụ trộm 225 ngàn USD là người khai nhặt được chiếc phong bì”, “Chân dung nghi phạm vụ trộm 225 ngàn USD”, mà bỏ qua nội dung. Nhưng đến bài có “tít” là “Kẻ trộm 225 ngàn USD khai gì”, thì ông chăm chú đọc kỹ.
Bài báo dẫn lời đại tá Nguyễn Văn Thuận, Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đào Sơn, nói rằng sau mấy ngày tỏ ra rất lỳ lợm, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, và trước lý lẽ sắc sảo của các Điều tra viên trong quá trình đấu tranh, kẻ thực hiện vụ trộm 225 ngàn USD là Trần Văn Thà bước đầu đã phải cúi đầu nhận tội.
Lời khai của Trần Văn Thà xem ra rất hợp lý. Nhưng khi nhà báo ký tên Thảo Dân (người thực hiện bài viết) nêu câu hỏi với Phó Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Nguyễn Văn Thuận, rằng “Biết đồng chí L. thường xuyên để tiền ở tủ bàn làm việc”, phải là một người rất thân thiết, thường xuyên tiếp xúc với đồng chí L.
Còn Trần Văn Thà chỉ là một anh nông dân, cả đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chưa một lần tiếp xúc với đồng chí L. Làm sao biết được đồng chí L. có thói quen đó? Và nói rằng Trần Văn Thà, sau khi lấy được toàn bộ số phong bì trong tủ bàn làm việc, đã chạy ra ruộng ngô nhà mình, bóc toàn bộ số phong bì đó lấy tiền cho vào túi vải mang về cất giấu ở góc vườn nhà mình, thì tại sao hôm sau lại còn cầm một phong bì trong đựng 5.000 USD đến cửa hàng vàng đổi tiền Việt?
Vậy cái phong bì đó ở đâu ra? Là một kẻ trộm lọc lõi như vậy, tại sao sau khi lấy toàn bộ số phong bì trong tủ bàn làm việc của đồng chí L. cho vào túi vải, Trần Văn Thà không mang luôn số phong bì ấy về góc vườn nhà mình để bóc lấy tiền, còn phong bì thì đốt đi, mà lại phải chạy từ đó ra ruộng ngô để bóc số phong bì đó?
Câu trả lời của Nguyễn Văn Thuận rõ ràng là lúng túng. Và đây rõ ràng là những kẽ hở trong quá trình lấy lời khai của nghi can.
Ông bấm máy gọi cho Giám đốc Công an tỉnh Trần Thanh, yêu cầu Thanh sang gặp mình. Và trong khi chờ Trần Thanh, ông tiếp tục giở chồng báo.
Đến một tờ báo có bài viết nhan đề: “Người mất 225 ngàn USD nói gì về nguồn gốc số tiền đó?”, thì ông Luyến nhớ lại, có mấy nhà báo đã gặp mình, nêu câu hỏi vì sao có nhiều USD đựng trong nhiều phong bì thế? Và vì sao không để ở nhà mà lại cất ở tủ bàn làm việc ở cơ quan?
Ông đã trả lời rằng suốt cuộc đời công tác của mình, đến nay đã là gần ba chục năm, ông không hề nhận phong bì của ai, mà cũng chẳng ai mang phong bì đến cho ông cả. Số tiền đó là tiền do vợ chồng ông gom góp, chắt chiu.
Cứ gom góp được một ít tiền Việt, ông lại mang đổi ra đô la. Và mỗi lần đổi được một ít, ông lại cho vào một cái phong bì, bỏ vào tủ bàn làm việc ở cơ quan cho an toàn. Mục đích của việc đổi ra đô la đó, là để dành cho cậu út Đỗ Thanh Luyện đi du học bên Mỹ.
Xem bài báo, ông thấy nhà báo đã viết đúng những gì ông trả lời. Nhưng những câu hỏi đặt ra sau những câu trả lời của ông, mới làm ông khó chịu. Câu hỏi của nhà báo là: Lương hằng tháng của ông được bao nhiêu? Vợ ông nghỉ ở nhà từ lâu, không có lương hưu trí.
Vậy bằng cách nào mà chỉ từ một suất lương của ông, vừa chi phí cho sinh hoạt của hai vợ chồng, ông lại còn dành dụm được số tiền khổng lồ, quy ra tiền Việt, đến hơn 4 tỷ đồng? Ông có “bí quyết” gì để gom góp được nhiều như vậy?
Khi Trần Thanh sang, ông đưa cho Thanh tờ báo, chỉ cái tít bài báo “Kẻ trộm 225 ngàn USD khai gì”, bảo Thanh đọc. Chờ Thanh đọc xong, ông hỏi:
- Cậu nghĩ gì về những câu hỏi của báo chí?
- Báo cáo anh. Em đã chỉ đạo rất chi tiết, kỹ lưỡng rồi. Mà bên Điều tra không hiểu hết, không tính hết, nên làm việc có sơ suất. Để em sẽ chỉ đạo nó bịt kín những kẽ hở ấy lại. Với lại, đặt câu hỏi thế nào là quyền của báo chí. Cái chính vẫn là Viện Kiểm sát với Tòa án.
Xưa nay, các cơ quan tiến hành tố tụng của ta vẫn chỉ căn cứ vào Kết luận điều tra. Kết luận điều tra của công an ghi thế nào, thì Viện Kiểm sát ra cáo trạng như thế.
Và cáo trạng ghi thế nào thì Tòa án tuyên án như thế, gần như không có gì thay đổi. Sau một thời gian ồn ào thì vụ án cũng chìm dần đi trước dư luận. Anh yên tâm.
Sau khi Trần Thanh về, khoảng hơn 9 giờ, Nguyễn Văn Mão đến gõ cửa phòng ông Luyến xin gặp. Mão là Trưởng ban Tổ chức của cơ quan ông. Hôm nay, theo lịch làm việc thì ông sẽ nghe Mão báo cáo về quá trình thực hiện các bước để đề bạt Đỗ Thanh Quỳnh, từ Trưởng phòng của Sở Kế hoạch lên giữ vị trí Phó Giám đốc.
Lộ trình tiến thân của Quỳnh, ông đã thống nhất với Chủ tịch tỉnh. Chủ tịch tỉnh cũng chính là người được ông đưa lên khi vào tuổi 45. Theo quy định, thì sau 5 năm nữa, ông tròn 60. Trước khi về nghỉ, ông có quyền giới thiệu người kế nhiệm mình.
Ông sẽ giới thiệu và tìm mọi cách ủng hộ để khóa tới sẽ thay vị trí của ông khi ông nghỉ. Đổi lại, Chủ tịch tỉnh sẽ ủng hộ để con trai ông, đến lúc đó, đủ điều kiện để thay thế vị trí của mình. Hai bên đã bắt tay nhau.
Ngồi trước ông, Mão giở tập hồ sơ:
- Báo cáo anh. Đồng chí Quỳnh đã được đưa vào diện quy hoạch cán bộ nguồn. Công việc ở Sở, đồng chí ấy luôn hoàn thành xuất sắc, được anh em đánh giá cao, ủng hộ hết mình. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, đồng chí ấy đạt 98%. Hoàn toàn xứng đáng để đề bạt vào chức vụ Phó Giám đốc Sở Kế hoạch.
- Được rồi. Được rồi. Thế khi nào thì cậu gửi báo cáo đề xuất sang Ban cán sự Đảng ủy UBND tỉnh?
- Báo cáo anh. Đầu tháng tới sẽ đưa ạ. Nếu thống nhất thì cuối tháng Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ra quyết định luôn.
- Được. Cứ thế mà làm. (Còn nữa)