| Hotline: 0983.970.780

Đi đến cùng câu chuyện cơ giới hóa ở ĐBSCL: [Bài 4] Cần một trung tâm cơ giới hóa cho vùng ĐBSCL

Thứ Năm 23/02/2023 , 07:05 (GMT+7)

Chuyên gia và các địa phương vùng ĐBSCL đều cho rằng, việc sớm thành lập một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp cho vùng ĐBSCL đang là yêu cầu cấp thiết và tất yếu.

Giải pháp dài hơi

Trước thực trạng cơ giới hóa còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL cho rằng, việc thành lập một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp cấp vùng để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển là khuynh hướng chung có tính cấp thiết.

Ảnh 1

Thành lập một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL để đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa là yêu cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT nhìn nhận, hiện nay, các yếu tố cho sản xuất, không chỉ về cơ giới hóa đều cần có sự liên kết, phối hợp để phát huy hiệu quả. Trước tiên là sự liên kết giữa các nông hộ để trở thành HTX, tiếp đến là liên kết giữa các HTX, tiến đến liên kết giữa các đơn vị hành chính và liên kết vùng. Khi những liên kết nhỏ này trở thành liên kết lớn, toàn bộ các vùng nguyên liệu sẽ được đồng bộ về hạ tầng, quy trình canh tác, để từ đó sử dụng các máy móc, trang thiết bị phù hợp.

Đồng bộ trong cơ giới hóa nông nghiệp được hiểu sâu hơn là sự kết hợp hài hòa giữa việc trang bị các loại máy, thiết bị, công nghệ trong các khâu sản xuất nông

Bài liên quan

nghiệp gắn liền với hạ tầng kỹ thuật sản xuất. Kế đến là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có năng lực, đảm bảo an toàn lao động. Cuối cùng là sự đồng bộ trong toàn bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, vận chuyển, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ðây chính là điều kiện rất quan trọng để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững. Ông Tùng chỉ ra, hiện nay các khâu cơ giới hóa trong sản xuất không đồng đều. Máy móc nhiều nhưng không đồng bộ, dẫn đến chi phí sản xuất không giảm và kéo theo lợi nhuận không tăng. Một giải pháp ngắn hạn được ông Tùng đưa ra là hình thành trung tâm dịch vụ ở các huyện, khi có trung tâm dịch vụ, mới nghĩ tới việc đào tạo nguồn nhân lực, làm dịch vụ và bảo trì máy móc. Và giải pháp dài hơi hơn là hình thành một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp của vùng.

Ảnh 2

Việc hình thành Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ÐBSCL sẽ khắc phục được những bất cập về cơ giới hóa hiện nay, nhất là hình thức cơ giới hóa tự phát ở quy mô nông hộ. Ảnh: Kim Anh.

Bài liên quan

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, định hướng thành lập một trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng đang là yêu cầu tất yếu. Vấn đề quan trọng là cách thức bố trí thực hiện, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và công tác triển khai trung tâm đó như thế nào cho phù hợp với từng vùng. Bởi hiện nay, ông Cường đánh giá mức sống của nông dân vùng ĐBSCL còn hạn chế, một số khu vực có mức sống thấp.

Theo đề xuất của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy móc trong nước dựa trên sự hợp tác của các viện, trường, doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy nghiên cứu phát triển, sáng tạo xanh, chuyển giao công nghệ, đào tạo tập huấn nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cơ giới hóa.

Bên cạnh đó là hoạt động tư vấn ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất; cung ứng máy, thiết bị, công nghệ và dịch vụ cơ giới hóa, dịch vụ bảo hiểm, sửa chữa... Đồng thời, trung tâm sẽ là đầu mối liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, xử lý môi trường, chất thải cũng như các dịch vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp khác như hỗ trợ khởi nghiệp, cải tiến máy móc, thiết bị, thu hút nguồn lực về vốn, công nghệ để đầu tư cho cơ giới hóa...

Các chuyên gia cho rằng, việc hình thành trung tâm cơ giới hóa nông nghiệp vùng ÐBSCL sẽ khắc phục được những bất cập về cơ giới hóa hiện nay, nhất là hình thức cơ giới hóa tự phát ở quy mô nông hộ. Ðặc biệt nhất là góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị trong nước và lấy cơ giới hóa để tổ chức lại sản xuất. Từ đó, thúc đẩy thay đổi cách tiếp cận cơ giới hóa từ quy mô cấp nông hộ sang cơ giới hóa đồng bộ trên quy mô lớn, gắn với các vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung.

Huy động nguồn lực xã hội vào cơ giới hóa

Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã có buổi trao đổi, cung cấp các thông tin về sự cần thiết hình thành Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp ở vùng ÐBSCL. Thứ trưởng Nam mong muốn Trường Ðại học Cần Thơ sẽ là đơn vị chủ đạo, liên kết, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án để thành lập Trung tâm.

Ảnh 3

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam mong muốn Trường Ðại học Cần Thơ sẽ là đơn vị chủ đạo liên kết, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án để thành lập Trung tâm. Ảnh: Kim Anh.

Qua trao đổi, 2 bên đã nhất trí và chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp, hợp tác để thúc đẩy xây dựng đề án thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ÐBSCL. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đặt tâm huyết, Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ là không gian thực hiện công tác đào tạo để nâng cao nhận thức của người sản xuất, từ đó tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, đây sẽ là nơi sinh viên đến tham quan, học tập, thậm chí tham gia vào hoạt động của Trung tâm, tạo động lực “lôi kéo” sinh viên quay lại yêu nghề cơ khí. Đặc biệt là phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo trong sinh viên.

Ngoài ra, mục tiêu của Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ là nơi cung cấp dịch vụ sửa chữa, sáng tạo. Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ về cơ chế chính sách để Trung tâm hoạt động theo định hướng của Nhà nước. Thứ trưởng Nam xác định, Trung tâm sẽ là đơn vị sự nghiệp xã hội hóa, huy động sự tham gia, đồng hành của 4 chủ thể gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; Trường Đại học, đặc biệt là Đại học Cần Thơ; doanh nghiệp; HTX và ngân hàng.

Sắp tới, Bộ NN-PTNT đang định hướng xây dựng, chuẩn hóa các tiêu chí sử dụng máy móc, thiết bị, từng bước hướng bà con nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp. Vì thế, ngay từ bây giờ, việc đẩy mạnh các hoạt động đi trước như đào tạo sinh viên, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh thành vùng ĐBSCL, vận động HTX tham gia, tạo tiền đề hướng tới thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL là rất quan trọng. Trường Đại học Cần Thơ sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế để bắt tay xây dựng đề án.

Ảnh 4

Trường Đại học Cần Thơ sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT, huy động sự tham gia của các tổ chức quốc tế để xây dựng Đề án. Ảnh: Kim Anh.

Việc thành lập Trung tâm Cơ giới hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong vùng. Đây là giải pháp căn cơ, quan trọng nhằm thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản, tiến đến mục tiêu giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập cho bà con nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

Bộ NN-PTNT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030 (Quyết định số 858/QĐ-TTg) và sắp tới là nghị định về cơ giới hóa đồng bộ với định hướng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa đồng bộ, gắn chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu của sản xuất nông nghiệp.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.