Cô Dạ Hương kính mến!
Năm nay cháu 18 tuổi, đáng ra cháu phải kêu cô bằng bà Dạ Hương, nhưng cháu vẫn kêu cô Dạ Hương thân thương như mọi người nghen cô.
Cô ơi, ba mẹ cháu đều là người ít học vì ở thôn quê vùng sâu vùng xa. Làm nông dân mà nuôi hai đứa con ôm mộng bằng cấp, cháu cũng biết là phiêu lưu, hão huyền. Nhưng bà nội của cháu là vợ liệt sĩ, được đồng ngũ của ông cháu xin đất, xây nhà tình nghĩa cho bà ở thị trấn. Chị cháu rồi giờ là cháu nhờ bà nội mà học hành tấn tới.
Nhưng chị của cháu năm đó không chịu đi cao đẳng sư phạm ở Cần Thơ mà lên Sài Gòn thi rồi học. Ba má cháu nuôi chị vất vả quá. Chị phải đi làm phụ bếp để có tiền trọ, tiền xài.
Ở đây chị của cháu gặp một người chuyên sửa chữa lặt vặt, điện nước, rồi hai người dính nhau. Vậy là có bầu, nghỉ học giữa chừng. Giờ anh với chị gởi con về cho ba mẹ cháu giữ, cả hai đi làm công nhân, đủ nuôi con và nuôi mình, không tương lai, không tích lũy gì được.
Cháu có khiếu môn Văn với ngoại ngữ. Cháu muốn học làm nhà báo nhưng mà muốn vậy phải lên Sài Gòn học. Nhưng cháu biết ba mẹ không nuôi nổi. Chị cháu kêu lên, anh chị nuôi tiếp. Ba mẹ tính cố hết đất ruộng để cho cháu ăn học.
Nhưng một người em của bà nội về hưu ở Cần Thơ bàn ra, nói chưa sợ phiêu lưu hay sao? Học ở Cần Thơ, học khoa Ngữ văn ra không xin được cơ quan đại diện báo nào thì đi dạy học. Nhưng cháu không thích nghề dạy học cô ơi.
Ông ấy còn nói nếu cố đất để đi lao động xuất khẩu sang Nhật thì được, đi cho biết, sẽ bổ ích, sẽ hoàn được vốn mà lại thêm tiếng Nhật nữa. Cháu đọc báo mạng, cháu hay đọc tư vấn của cô Dạ Hương và tin yêu cô. Cô tư vấn sớm cho cháu với.
Cháu xin cảm ơn cô.
----------------------
Cháu thân mến!
Việc học ở đâu xem ra cũng nan giải tiền bạc cháu à. Người trung lưu đô thị cũng sấp mặt chuyện ăn và học cho con. Họ có nhà, họ có công việc, nhưng họ lại muốn con mình học trường tốt nhất, thế là lúc nào cũng vang lên tiền tiền tiền trong đầu họ.
Người giàu thì không phải đối tượng để mình tham khảo, số ấy cho con du học như là để tỵ nạn giáo dục trong nước, lâu dài, họ cho con chân trong chân ngoài, hai nơi, hai quê hương, hai đất nước.
Nói để cháu thấy, trừ số ít giàu, còn thì vẫn vắt chân lên chạy tiền cho con cái ăn học. Làm nông dân thuần như ba mẹ của cháu, dĩ nhiên rất đau đầu rồi. Bài học của chị gái cháu rất hữu ích. Rất nên “liệu cơm gắp mắm”, vì sao phải đánh đường lên Sài Gòn học cao đẳng? Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, đâu chỉ ăn, ở, học mà ánh sáng đô thành, hoa lệ, dân gian nói vui có hoa thì có lệ, không đơn giản được.
Vì vậy mà chị sớm bập vào yêu, trống trải chông chênh quá, và rồi trai gái không có người lớn bên cạnh, có bầu sớm, sinh con, tan mộng cao đẳng. Cao đẳng mà đi không xong nữa là, cuối con đường là công nhân, kiếp thợ mà hạn của nữ thợ rất ngắn, trung niên đã phải giải nghệ, hoàn nông.
Bây giờ làm báo không dễ. Cử nhân đông như quân Nguyên, nhiều người không muốn đi dạy, họ tạt sang nghề báo nhiều lắm. Nhưng nghề báo khó hơn đi dạy, viết cho hay cho giỏi mà vẫn được dùng trong an toàn, khó lắm.
Có lẽ cháu nên xem kỹ, mình khá ngoại ngữ, nên chăng đi lao động xuất khẩu như em của bà nội hiến kế cho ấy. Đi làm xa giờ đang thành làn sóng, không phải mình xu thời mà thực sự ở Nhật người ta đang cần người Việt trẻ sang để giải quyết lao động cho đất nước đang già cỗi của họ.
Sao là người Việt? Là vì tương đồng văn hóa gốc Trung Hoa nhưng không phải người Hoa, và người Nhật họ muốn giúp người Việt thật.
Nông thôn cố đất quá nhiều. Để giải quyết mưu sinh. Ba mẹ cháu nếu có làm cho cháu được đi xuất khẩu cũng không ngoại lệ. Nhưng nên nhớ, mình là chàng trai rồi, phải có trách nhiệm với chính mình, với ba mẹ mình, với đồng tiền xương máu gia đình bỏ ra cho mình.
Và năng khiếu ngoại ngữ ấy phải được phát huy, tự học mãi, tiếng Anh giỏi không bao giờ thừa cho dù mình sẽ học tiếng Nhật để đi Nhật, nhớ nhé.