| Hotline: 0983.970.780

Bầm dập nhặt than rơi

Thứ Sáu 18/05/2012 , 10:37 (GMT+7)

Ở Xóm Mới xã Yên Lãng huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên có một phường lao động rất đặc thù, đó là phường mót nhặt than rơi.

Ở Xóm Mới xã Yên Lãng huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên có một phường lao động rất đặc thù, đó là phường mót nhặt than rơi. Suốt chục năm qua, cái nghề bần hàn này đã góp phần nuôi sống hàng trăm con người trắng tay, khi họ phải giao hết đất sản xuất cho mỏ than Núi Hồng.

>> Cùng cực vì mất ruộng

Một câu chuyện đau lòng khi chúng tôi nghe các chị ở Xóm Mới xã Yên Lãng tâm sự: "Bây giờ hết ruộng rồi, chúng tôi biết làm gì ngoài đi mót than rơi ở bãi thải. Thế nhưng, bảo vệ mỏ Núi Hồng lại gọi chúng tôi là kẻ ăn cắp than ở bãi thải. Họ đuổi bắt, đánh chúng tôi nữa".

Để minh chứng cho việc này, chị K, thành viên đội mót than, đã dẫn chúng tôi ra trái nhà và chỉ về phía núi đất thải của mỏ và nói: "Thứ mà họ thải ra kia là cuộc sống của dân chúng tôi đó. Họ bỏ đi, chúng đến nhặt cũng chẳng cho thì lấy gì mà nuôi con trẻ, mẹ già?".


Mất ruộng, người dân phải cực nhọc đi mót than

Còn chị Nông Thị Loan, dân tộc Tày, là người sinh ra và lớn lên ở Xóm Mới này đã kể cho chúng tôi rằng: Xóm Mới trước kia có gần 100 nóc nhà. Mặc dù không nhiều tiền như dân ngoài phố, nhưng ruộng đất phì nhiêu nên nhà nào cũng no đủ. Con trai xóm này dễ lấy vợ, con gái dễ gả chồng. Còn từ khi mỏ than Núi Hồng thu hồi đất ruộng, đất ở thì cả Xóm Mới bị lao đao và nhiều nhà thiếu cả gạo ăn. Chỉ có hơn 20 hộ khấm khá hơn đã chuyển đi nơi khác mua được nhà ở. Còn lại 70 hộ dân lấy tiền đền bù xong phần nhiều là ăn tiêu hết, mấy hộ làm xong cái nhà cũng chẳng có gạo xuống nồi.

Vào những năm 1997, khi mới bị mất đất sản xuất, các hộ gia đình cũng chuyển sang nghề đóng gạch rồi tận dụng nguồn than thải dồi dào của mỏ, dùng đốt gạch bán kiếm lời. Dù vất vả, nặng nhọc nhưng các gia đình vẫn có cơm ăn no đủ. Thế nhưng, nghề làm gạch đến với họ thật ngắn ngủi, khi mỏ mở rộng, đào sâu lòng moong vào năm 2000 thì cũng là lúc nước ăn của dân chẳng còn, nên nghề làm gạch bán cũng đành bỏ xó.

Đàn ông ở Xóm Mới ban đầu cũng đi mót than nhưng bị bảo vệ mỏ đánh đập dã man, họ sợ nên chuyển thành thợ xây, phụ hồ bất đắc dĩ. Kẻ tha phương trong Nam, người cầu thực ngoài Bắc, cứ vậy họ di cư sống lang thang, buôn bán kiếm cơm quanh năm nơi xứa người. Họ chỉ về nhà mỗi kỳ giỗ, tết. Mặc dù đi làm quần quật như thế nhưng chẳng ai đủ tiền nuôi vợ con.
Ở nhà, vì không có ruộng đất, túng bấn không tiền tiêu, chị em chẳng biết làm gì khác để có gạo ăn nên rủ nhau lập thành phường, nhóm đi nhặt và mót than ở bãi thải về gom được nhiều thì bán cho dân cư trong ngoài xã dùng vào việc đun nấu.

Trong phường mót nhặt này toàn dân nghèo và mất đất sản xuất nên mọi người biết thương yêu nhau. Mỗi khi có ai đó trong nhóm bị đất đá đè là họ cứu giúp hay khi bị bảo vệ đuổi bắt họ cũng tìm cách xin tha. Họ chấp nhận hiểm nguy để lao vào những đuôi thải mỗi khi có xe của mỏ lên đổ đất đá. Các thành viên này đều có điện thoại di động gọi nhau mỗi khi “trúng ục”. Nói là trúng ục, nhưng thực chất là khi nào có xe chở thải đẹp (có lẫn nhiều than), họ gọi nhau vượt rào bảo vệ để vào trong bãi thải tranh thủ gom nhặt, mặc cho hiểm nguy rình rập. Các chị nhanh chóng bới nhặt những viên than sạch sẽ cho vào bao tải, rồi lăn ra khỏi chỗ đổ thải để tránh rủi ro đất đá lăn vào người.


Những người đi mót than đa phần là phụ nữ

Họ làm việc cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi có xe đổ thải là điện thoại gọi nhau lên đường. Nhiều hôm các chị phải ngồi trực đến 3 giờ sáng mới có xe đổ thải. Chỉ cần một người biết là í ới gọi nhau vượt rào vào bãi nhặt nhạnh. Vì nếu không nhanh chân, xe khác của mỏ sẽ chở đất đổ vùi lên là mất ăn.

Cuộc vật lộn cực nhọc, ăn bờ ngủ bụi rình rập xe chở thải than như vậy thế nhưng ngày nào may mắn mỗi chị lắm kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, có ngày mỏ chỉ chở toàn đất thải thì cả làng mót than "móm" luôn. Công việc nhặt than tưởng đơn giản nhưng thực chất phải liều lĩnh mới đủ can đảm đi làm.

Ngoài hiểm nguy bị đất đá vùi lấp bất kể lúc nào, họ còn bị bảo vệ mỏ Núi Hồng ra sức vây bắt. Nhiều trường hợp chỉ tiếc bao than nên khi cõng chạy nặng quá mà không chạy kịp ra khỏi bờ rào đã bị đòn chí mạng của nhân viên bảo vệ. Trong suy nghĩ của chị em đơn giản là lượm nhặt của rơi tại bãi thải chứ không vào moong nên không phải là kẻ cắp. Còn phía mỏ cho rằng chất thải phải vùi lấp theo qui định. 


Người dân mót than bị coi là những kẻ ăn cắp

Anh Kim Văn Trí, 48 tuổi ở Xóm Mới, có thân xác còm nhõm, mặt mũi nhăn nheo như cụ già, cho biết: Từ khi bàn giao mấy sào ruộng cho mỏ Núi Hồng vào năm 2004 để mỏ mở rộng khai thác than, anh nhận được 6 triệu đồng đền bù lúc bấy giờ, mua gạo ăn mấy tháng đã hết tiền. Anh đã đi làm khắp nơi nhưng không có việc gì ổn định. Sức khoẻ yếu, chẳng ai thuê mướn nên anh đành về nhà. Giờ anh chẳng còn việc gì làm, trong khi gia đình có 6 khẩu, 3 con nhỏ đang ăn học, nhà quá túng bấn nên phải đi mót than rơi ở bãi thải, ngày được nhiều vài chục ngàn đồng đủ tiền mua gạo nấu cháo ăn tằn tiện qua ngày. Trong tâm sự sâu thẳm, anh biết làm vậy là nguy hiểm tính mạng, nhưng không đi làm, cũng chẳng biết lấy gì nuôi 6 miệng ăn, nên đành làm liều để mưu sinh.

Còn anh Đặng Văn Bào, một người dân ở đây, cho biết hầu hết những khu ruộng của dân Đồng Bèn, Cây Hồng và Xóm Mới đã được mỏ than Núi Hồng khai thác tận diệt. Khi hết than, họ bỏ hoang hoặc dùng đất thải lấp lại qua lo rồi bàn giao cho dân, nên dân không thể trông cấy cây gì. Chính vì vậy, mỏ than đã và đang đẩy họ vào đường cùng. Người dân rất mong được sự quan tâm của lãnh đạo mỏ than cũng như chính quyền để cuộc sống của họ bớt cùng cực. 

Ông Nguyễn Văn Nguyên, người có 10 năm làm trưởng Xóm Mới, cho hay: Các gia đình ở đây phải chịu cảnh khổ do khói, bụi, thiếu nước ăn, nước sản xuất. Cũng do việc bàn giao hết đất ruộng cho mỏ khai thác nên 17/70 hộ đã bị xếp vào diện hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Hơn chục năm qua, mỗi khi Cty than Núi Hồng mở rộng moong khai thác than đến đâu, dân bị thu hồi đất ruộng đến đó. Mất ruộng dẫn đến nghèo đói thất nghiệp gia tăng. Người dân Xóm Mới đang mong mỏi được chính quyền giúp đỡ cải thiện môi trường và có nước sinh hoạt, đất ruộng và nước sản xuất.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất