| Hotline: 0983.970.780

Bản án không thuyết phục

Thứ Sáu 22/08/2014 , 08:18 (GMT+7)

Bà Lê Thị Việt, trú tại phường Thanh Miếu, TP Việt Trì (Phú Thọ) mất đi để lại mảnh đất 782 m2, cho hai chị em Lê Việt Thương (con gái bà Việt) được thừa kế. 

Tuy nhiên, 11 năm sau, các anh, chị em của bà lại cùng gửi đơn khởi kiện... 


Bà Việt đã được cấp sổ đỏ từ năm 1991

Người mất, chủ đất rắc rối

Năm 2002, bà Lê Thị Việt mất đi để lại mảnh đất diện tích khoảng 782 m2, đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ) từ năm 1991 và hai chị em Lê Việt Thương (con gái bà Việt) được thừa kế quyền sử dụng mảnh đất này theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi bà Việt mất được 11 năm, mãi đến năm 2013, các anh, chị em của bà gồm: Ông Lê Hồng Sơn, các bà Lê Thị Yến, Lê Thị Quý, Lê Thị Oanh và Lê Thị Lương lại cùng gửi đơn khởi kiện đến TAND TP Việt Trì đòi chia mảnh đất đó, với lý do lô đất nói trên vốn là đất của cụ Lê Văn Thúy và cụ Nguyễn Thị Lý (bố mẹ đẻ của bà Việt cùng các nguyên đơn).

Ngày 19/2/2014, TAND TP Việt Trì mở phiên xét xử sơ thẩm về việc: “Chia tài sản chung” theo đơn của các ông bà: Oanh, Yến, Quý, Lương, Sơn. Tại tòa, các đồng nguyên đơn xuất trình một biên bản họp gia đình vào năm 1990 thể hiện ý kiến của cụ Thúy khi còn sống là đồng ý cho bà Việt sử dụng mảnh đất trên nhưng không được phép bán.

Và cho rằng, khi còn sống bà Việt đã tự ý đứng ra kê khai làm thủ tục cấp sổ đỏ mà không có ý kiến của bất cứ em nào trong gia đình, không có biên bản họp gia đình hay bất kì văn bản nào thể hiện việc cụ Thúy và cụ Lý đã cho bà Việt mảnh đất.

Về phần bà Thương, vào thời điểm đó còn nhỏ không biết nội dung bàn bạc trong họ hàng từ những năm 1990, nhưng theo bà thì mảnh đất mà hai chị em bà hưởng thừa kế đã được Nhà nước cấp sổ đỏ vào năm 1991, mà cụ Thúy mất năm 1992. Tức là mẹ bà Thương đã làm thủ tục đăng kí sử dụng đất vào lúc cụ Thúy còn sống nên chắc chắn phải có ý kiến của cụ chứ không thể tự ý làm.

Tính đến nay, gia đình bà Thương đã sinh sống ổn định trên mảnh đất này tròn 23 năm, không có bất cứ tranh chấp nào. Trước tòa bà Thương cũng bày tỏ quan điểm dứt khoát không nhất trí việc các chú, dì đòi chia tài sản mà bà được thừa kế hợp pháp từ mẹ đẻ...

Hồ sơ có sai lệch

Liên quan đến quyền sử dụng đất của bà Việt, tòa đã gửi công văn yêu cầu UBNDTP Việt Trì xác minh sổ đỏ mang tên bà Lê Thị Việt ở khu 13, phường Thanh Miếu và một lần nữa TP Việt Trì đã khẳng định: Bà Việt chính là chủ sử dụng mảnh đất và đã được cấp sổ đỏ ngày 16/10/1991.

Tuy nhiên, TAND TP Việt Trì vẫn bác bỏ quyền sử dụng đất hợp pháp của bà Việt và xử chia tài sản theo nguyện vọng của các nguyên đơn. 

 Đặc biệt, có hai nội dung ghi trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu sai lệch so với hồ sơ. Thứ nhất, biên bản xét hỏi tại tòa ghi rõ bà Thương trả lời “không nhất trí” chia tài sản, nhưng bản án sơ thẩm lại ghi: “Tại phiên tòa chị Thương cũng nhất trí đề nghị chia phần diện tích đất trên theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai, trải qua thời gian dài, trong công tác quản lý đất đai có nhiều biến động nên UBND TP Việt Trì nhiều lần phải rà soát, đo đạc nên tùy theo từng thời kì mảnh đất của bà Việt được thể hiện ở nhiều tờ bản đồ khác nhau với số lô khác nhau, thậm chí có những biến động về diện tích sử dụng, cuối cùng thì chính quyền địa phương vẫn khẳng định bà Việt là chủ sử dụng của mảnh đất nói trên.

Nhưng việc sổ đỏ thể hiện ở các tờ bản đồ khác nhau lại được chủ tọa phiên tòa kết luận: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chủ hộ Lê Thị Việt tại thửa đất cũng như địa chỉ đất thuộc quyền sử dụng của chủ hộ khác”. Đây là một kết luận hoàn toàn sai lệch với thực tiễn đã được chính quyền công nhận.

Dư luận đặt câu hỏi: Liệu phiên tòa trên có trái với tinh thần Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là, để xét xử việc “chia tài sản chung” phải thỏa mãn hai điều kiện gồm: Các thừa kế phải thừa nhận đó là di sản thừa kế chưa chia và tất cả các đồng thừa kế đều đồng ý chia, không có bất cứ một thừa kế nào có tranh chấp về di sản?

Rõ ràng ở vụ án này, cả hai điều kiện đều không thỏa mãn, bởi bà Việt đã đứng tên sổ đỏ và không đồng ý chia nên không thể xác định là di sản thừa kế đã chuyển hóa thành tài sản chung để chia.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất