Gặp tôi, ông kéo bằng được “vào nhà cháu xơi nước”, rồi đãi tôi bằng món gà chọi xào sả ớt. Nhấc chén rượu lên, ông bảo:
- Cháu quyết định ly hôn, chú ạ.
Tôi trợn mắt:
- Sao, vợ chồng mày bây giờ cộng lại mỗi tháng hơn chục triệu tiền lương hưu, lại còn có ruộng nữa. Hơn chục triệu ở cái đất làng này, nuôi 3 gia đình cũng đủ.Thu nhập bằng nghề luyện gà chọi cũng không ít. Hai đứa con gái thì một đứa đã hai con, vợ chồng hạnh phúc, cháu thứ hai cũng vừa học xong đại học, đã kiếm được việc làm. Đã đến lúc vợ chồng cùng nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống nhàn hạ, tại sao lại ly hôn?
- Nhìn bề ngoài thì thế vậy. Ai cũng bảo vợ chồng cháu nhàn hạ, sung sướng. Nhưng sự thật thì đã vượt quá sức chịu đựng của cháu. Giờ cháu chỉ mong giải thoát khỏi con người này. Tòa đã thụ lý đơn của cháu. Nhà cửa tài sản cũng đã thỏa thuận với nhau xong, chỉ chờ tòa gọi thôi.
- Nhưng câu chuyện nó cụ thể thế nào chứ?
- Vợ chồng cháu lấy nhau đã hơn 30 năm, chỉ được hai đứa con gái. Bảo nó cố thêm tý nữa may ra được thằng cu, nhưng nó nhất định không nghe, bảo rằng tôi là chủ tịch hội phụ nữ xã, tôi không thể sinh đứa thứ ba được.
Từ Chủ tịch Hội Phụ nữ, nó chuyển sang làm Trưởng ban Văn hóa xã. Như người phụ nữ khác, thì làm đến cả bí thư tỉnh ủy như bà bí thư tỉnh ủy tỉnh này, mà về nhà vẫn làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ. Đằng này đứa con thứ hai từ lúc sinh ra đến giờ, chưa hề được mẹ rửa mặt chải đầu cho lấy một lần.
Cứ sáng ngày ra là ôm cặp, thót lên xe máy đi. Lúc con còn bé, cháu vừa trông con, vừa nhờ bà nội trông giúp .Lớn lên một chút thì vừa đưa con đi mẫu giáo, vừa lên lớp. Đến trưa về lại đâm đầu vào bếp. Trưa về, nó ngồi như mẹ người ta, ăn cơm xong đến cái bát cũng không thèm rửa, đến chiều lại đi…
Tôi ngắt lời:
- Cái đó, một phần cũng là lỗi ở cháu. Các cụ có câu “dạy con từ thuở còn thơ/ dạy vợ từ lúc bơ vơ mới về”. Chiều vợ quá mức ngay từ ban đầu, nó sinh hư là lẽ đương nhiên.
- Chú nói cũng phải. Có điều người vợ có thể không thương chồng, nhưng nhất định không thể không thương con. Đằng này, khi con còn nhỏ thì bà nội bế ẵm, tắm táp, nó tuyệt đối không sờ vào. Sữa mẹ có nhưng nó không cho con bú. Bắt con uống sữa ngoài.
Rồi suốt hơn hai chục năm, cháu vừa làm chồng, vừa làm bố, vừa làm mẹ. Vì thế mà con bé chỉ biết bố, mẹ có đi hàng tháng nó cũng chẳng nhắc một lần, cứ về là sẵn cơm canh, xà xuống ăn xong lại cắp đít đi. Tiền lương của nó. cả đời nó không đưa một đồng gọi là góp phần nuôi con, mặc kệ cháu xoay sở, không biết nó tiêu những gì.
Năm con bé út mười bốn tuổi thì nó đi học ở Học viện Phụ nữ Việt Nam. Sau 4 năm học, nó lại đi nghiên cứu Thạc sỹ. Cháu bảo nó : chỉ còn mấy năm nữa là cô đến tuổi về hưu, học thêm nữa phỏng có ích gì?
Nghe vậy, nó trề môi, bảo: Cứ nghĩ như anh, thảo nào cả đời không thoát khỏi cái bằng trung cấp sư phạm. Sao bao nhiêu người lúc đầu cũng như anh, mà bây giờ người ta đã có bằng đại học rồi. Cháu bảo nó: Tôi mà đi học như cô, thì cô làm gì có thời gian mà tung tẩy, học hết bằng này đến bằng nọ.Thật đúng là “nhân bảo như thần bảo”, lấy được cái bằng thạc sỹ xong là nó nhận quyế định nghỉ hưu, cất bằng vào gác bếp.
Mà chú này, không biết trong thời gian làm việc ở xã hay đi học, nó có cặp với thằng nào không, mà mấy chục năm nó không chop cháu đụng đến người nó. Nghỉ hưu rồi, nó lại càng lạ…
- Lạ thế nào. Mỗi lần chú về quê, gặp nó, nó đều chào hỏi chú rất lễ phép, xởi lởi…
- Từ khi nhận quyết định về hưu, là nó không thèm ăn cơm nhà nữa, dù cháu vẫn nhẫn nhịn hầu hạ cơm nước đến mồm nó. Thóc lúa cấy được, nó chở đi đâu không biết. Thấy bảo nó ăn cơm ở nhà em gái nó ở làng bên, nhưng không biết có đúng không? Nhà này thì nó nhận một phòng, mua ti vi lắp vào đấy.
Tuy không phải làm việc nữa nhưng nó vẫn đi suốt ngày, chỉ đêm khuya mới chui vào phòng để ngủ rồi sáng sớm lại đi, cả ngày nó không thèm trò truyện với cháu một lời.
Con học ở Hà Nội về chơi, nó cũng không ăn cơm với con lấy một bữa. Nói thật với chú, sự chịu đựng của cháu cũng đã đến hạn rồi, nên cháu quyết định…