Báo động vấn nạn bẫy chim yến
Tại Phú Yên, tình trạng bẫy bắt chim yến diễn ra rầm rộ từ năm 2019 đến nay, chủ yếu bằng phương thức giăng lưới tàng hình trên các khu đồng trống, các vùng thức ăn chim thường tìm đến và trên đường đàn yến di chuyển tìm mồi…
Theo Hội Yến sào tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện hơn 20 vụ giăng bẫy bắt chim yến trên địa bàn.
Gần đây nhất vào sáng 4/5 vừa qua, Ban bảo vệ chim yến trực thuộc Hội Yến sào tỉnh Phú Yên đã nhận được tin báo trên địa bàn khu phố 1, khu phố 2 phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa) có người giăng lưới tàng hình khoảng 50 mét và bẫy chim.
Sau đó, Ban bảo vệ chim yến đã tuyên truyền, vận động người giăng lưới là ông Trí, trú ở phường Hòa Vinh nhưng không hợp tác và bỏ đi.
Do đó Ban bảo vệ đã thu quấn lưới lại và mang đến trụ sở UBND phường Hòa Vinh để trình bảo theo đúng qui định nhưng không nhận được sự phối hợp từ cơ quan chức năng.
Ông Phạm Duy Khiêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết, thời điểm năm 2017 cả nước có khoảng 8.000 nhà nuôi yến với số lượng ước trên 7 triệu con chim. Tuy nhiên sau năm 2017 đến nay do vấn nạn bẫy chim yến và chim hoang dã xảy ra rộng khắp trên toàn quốc, nhất là ở các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ đã làm cho số lượng đàn yến cả nước giảm mạnh.
Cụ thể, đến cuối năm 2019 tới nay mặc dù lượng nhà yến toàn quốc tăng đột biến trên 12.000 nhà song lượng chim yến lại giảm đi từ 20 - 30%, thậm chí có nơi giảm tới gần 50%, kéo theo sản phẩm tổ yến cũng giảm tương ứng.
Cần xử lý nghiêm để bảo vệ đàn chim yến
Theo ông Phạm Duy Khiêm, trước vấn nạn bẫy chim làm uy hiếp đàn yến và nghề nuôi chim yến, nhằm bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm này, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã vận dụng Chỉ thị 29 của Thủ tướng, Nghị định 13 và Nghị định 14 của Chính phủ gửi công văn đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước để nắm bắt, phối hợp ngăn chặn.
Tuy nhiên theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam thì TX La Gi (Bình Thuận), Đồng Nai, Bình Dương là những địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt. Từ đó để vấn nạn bẫy chim yến ngày càng tiếp diễn và trầm trọng hơn.
Theo điều 27 khoản 3 Nghị định 14 của Chính phủ thì hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học sẽ bị xử phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng; cùng với đó tịch thu tang vật để dùng hành vi này và buộc thả chim về tự nhiên.
Để ngăn chặn triệt để hành vi săn bắt chim yến, Hiệp hội Yến sào Việt Nam kiến nghị các Bộ ngành liên quan nên đưa ra nhiều hơn chế tài đã có như: cho phép các địa phương cấp xã, phường cũng được phép xử phạt theo chế tài.
Bởi hiện chế tài xử phạt chỉ ở cấp huyện, thành phố, thị xã trở lên mà cấp phường, xã thì không thể phạt vì mức phạt trên 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo bằng văn bản đến các tỉnh thành có nghề yến tăng cường tuyên truyền bằng báo đài, truyền thanh, truyền hình, các fanpage, nhóm trên địa phường và đoàn thanh niên là lực lượng tuyên truyền tốt nhất.
Đối với các địa phương nên có chỉ đạo từ trên xuống để cấp cơ sở nắm và triển khai thực hiện tốt hơn về quản lý chim yến, cũng như sớm thành lập tổ liên ngành chuyên thực hiện chế tài xử phạt theo điều 25 khoản e Nghị định 13 và điều 27 khoản 3 Nghị định 14 nhằm giúp nghề yến phát triển đúng hướng theo tinh thần Chính phủ đề ra.