Hoa màu cũng chưa nhận được đồng nào
Năm 1998, bảy hộ dân tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bàn giao đất khai hoang của gia đình để triển khai dự án xây dựng cảng cá Nam Cửa Việt. Theo đơn gửi các cấp có thẩm quyền, đất thu hồi của người dân đều là đất sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gần 5,2 nghìn m2. Hộ bị thu hồi ít nhất là 500 m2, hộ nhiều nhất 1000 m2. Có hộ bị thu hồi toàn bộ đất sản xuất.
Theo các hộ dân, dù đất đã được thu hồi và dự án cảng cá Nam Cửa Việt đã đi vào hoạt động nhưng đến năm 2001, bốn thửa đất của 4 hộ dân gồm bà Nguyễn Thị Nghĩa, ông Nguyễn Đức Xinh, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Lữ đã được UBND huyện Triệu Phong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) với tổng diện tích 2.670 m2.
Bà Nguyễn Thị Gái cho rằng, trước năm 1998, gia đình bà làm thủ tục xin cấp GCN QSDĐ. Có thể, trong quá trình thu hồi đất, hồ sơ không được thông qua cơ quan quản lý đất đai cấp huyện nên mới có chuyện cấp trùng GCN QSDĐ chồng lên phần đất đã thu hồi làm dự án(?).
Vì điều này, bà Gái cho rằng, về mặt nguồn gốc sử dụng đất, Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng của người dân. Vì vậy, khi thu hồi (dù thời điểm thu hồi chưa có GCN QSDĐ), Nhà nước phải có chính sách đền bù thỏa đáng.
Tuy nhiên, không những tiền đền bù đất chưa được nhận, ngay cả tiền hoa màu cũng chưa một hộ dân nào được nhận. Tại thời điểm đó, vì tin tưởng cán bộ xã, 7 hộ dân này đã không ngần ngại giao đất dù chưa thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy định của pháp luật.
“Họ nói, bà con yên tâm đi, có xã, có huyện. Rồi họ đưa hồ sơ, chúng tôi ký. Riêng tiền đền bù cây dương trên đất, gia đình tôi được trên 1,2 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa được nhận” – bà Gái bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, người bị thu hồi 500 m2 đất cho biết, đây đều là đất ông cha để lại cho con cháu. Tại vùng đất giáp biển này, nhiều hộ dân không có đất được cấp theo Nghị định 64. Để mưu sinh, ngay sau khi đất nước hòa bình thống nhất, người dân bất chấp nguy hiểm do bom mìn còn sót lại để khai hoang đất sản xuất. Đất chỉ có thể trồng màu và là nguồn sống chính của nhiều hộ dân trong xã. Vì vậy, khi đất bị thu hồi, nhiều hộ rơi vào tình cảnh khốn cùng.
“Mỗi bước chân đi khai hoang đều dẫm lên bom đạn, không ít người đã mang thương tật, di chứng suốt đời để có được đất sản xuất, kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày. Vậy mà họ nỡ lấy không đất của chúng tôi. Sau khi mất đất thì các gia đình này rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, phải xin đi biển đánh cá, chạy chợ đong gạo ăn từng bữa” – bà Nghĩa nghẹn ngào.
Đang rà soát, sao lục hồ sơ
Đã hàng chục năm trôi qua, gần như năm nào, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, 7 hộ dân bị thu hồi đất chưa được đền bù đều lên tiếng cầu cứu đại biểu hội đồng Nhân dân các cấp nhưng không có câu trả lời thỏa đáng, sự việc vẫn dậm chân tại chỗ. Đến cuối năm 2023, ông Nguyễn Quang Cơ, đại biểu HĐND xã Triệu An đã thay mặt các hộ dân gửi đơn lên chính quyền cấp huyện.
Được biết, tại thời điểm xây dựng cảng cá Nam Cửa Việt, ông Lê Văn Sơn (nay là Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị) là người trực tiếp được Sở Thủy sản Quảng Trị giao trách nhiệm thực hiện các vấn đề liên quan đến xây dựng cảng cá. Ông Sơn cũng chỉ còn nhớ mang máng về sự việc và cho rằng, đất bàn giao xây dựng cảng cá thuộc quản lý của UBND huyện Triệu Phong nên người dân đương nhiên không được nhận tiền đền bù mà chỉ được hỗ trợ hoa màu trên đất.
“Hồi đó, hình như chủ trương là đền cây không đền đất. Đất đó không được cấp GCN QSDĐ (cho dân) mà chỉ cấp cho cảng cá. Ai có GCN QSDĐ mới được đền bù. Hồi xưa, đó là đất thủy sản, đất sông suối. Tôi không rõ nguồn gốc đất nhưng là đất của thủy sản ngày xưa. Cái đó phải về hỏi xã, huyện thôi” – ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Phương, đất của 7 hộ dân là đất khai hoang sản xuất và theo quy định phải được đền bù trong quá trình giải phóng mặt bằng thi công cảng cá.
Ông Phương cho biết thêm, sau khi nhận được đơn của ông Nguyễn Quang Cơ, các phòng ban cấp huyện đang rà soát, tìm hiểu xem số tiền đền bù đang nằm ở đâu.
“Bà con đã phản ánh mười mấy năm nay rồi mà! Tại UBND xã cũng không có hồ sơ nào liên quan đến vấn đề này. Vừa rồi, UBND tỉnh cũng đã giao cho UBND huyện Triệu Phong kiểm tra lại xem thuộc phạm vi của Ban quản lý dự án huyện hay Sở Thủy Sản tại thời điểm đó. Huyện cũng có văn bản chỉ đạo các phòng ban của huyện phối hợp thực hiện trả lời thỏa đáng cho dân. Đất của người dân và xứng đáng được đền bù” – ông Phương cho hay.
Chúng tôi trực tiếp Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong để tiếp cận hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng cảng cá Nam Cửa Việt năm 1998 nhưng sự việc vẫn chưa sáng tỏ.
Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Triệu Phong cho biết, tháng 11/2023, đơn vị được huyện giao rà soát hồ sơ nhưng quá trình sao lục thì tìm không thấy. Đơn vị này đã báo cáo và tham mưu UBND huyện Triệu Phong đề nghị chủ đầu tư sao lục hồ sơ.
Hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng đang ở đâu?
Được biết, tại thời điểm năm 1998, dự án xây dựng cảng cá Nam Cửa Việt do Sở Thủy sản là chủ đầu tư. Sau này, Sở Thủy sản sáp nhập vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Vì vậy, chúng tôi tiếp tục liên hệ với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị để tiếp cận hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng cảng cá Nam Cửa Việt. Tuy nhiên, đại diện sở này cho biết sẽ tìm hiểu thông tin để chuyển tới phóng viên Báo NNVN trong thời gian sớm nhất.