| Hotline: 0983.970.780

Bỏ việc 'trên đe dưới búa’ về quê làm trang trại, thu nhập nửa tỷ đồng/năm

Thứ Ba 06/06/2023 , 19:16 (GMT+7)

HÀ TĨNH Đang ổn định cuộc sống với mức thu nhập hơn 25 triệu đồng tại Bình Dương, vợ chồng kỹ sư chế biến lâm sản bỏ việc về quê lập trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Anh Hoàng Huỳnh Ngư, 35 tuổi, sinh ra lớn lên ở mảnh đất gió Lào bỏng rát xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tốt nghiệp THPT, dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng bố mẹ anh quyết cho anh học đại học mong tương lai con thoát khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.

Năm 2012, Ngư tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, sau đó "Nam tiến" làm kỹ sư chế biến lâm sản tại một công ty gỗ. Hai năm sau, anh kết hôn với cô gái cùng quê Lê Thị Thu Trang, nhân viên văn phòng. Tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng lúc bấy giờ dao động trên dưới 25 triệu đồng, được xem là ổn định.

Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Ngư xây dựng trên diện tích 1,5ha. Ảnh: Thanh Nga. 

Mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Ngư xây dựng trên diện tích 1,5ha. Ảnh: Thanh Nga. 

Anh Ngư tâm sự, mức thu nhập ấy là mơ ước của nhiều người nhưng anh không hài lòng bởi bản thân đang làm thuê, lúc nào cũng chịu cảnh "trên đe dưới búa". Quản lý hơn chục công nhân, nếu anh làm chặt thì họ trách móc, nới lỏng thì lại bị ông chủ mắng.

“Tính cách tôi thích tự do tự tại và muốn sống gần gia đình nên muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất hương”, anh Ngư nói và chia sẻ, trong quá trình làm việc ở Bình Dương, tranh thủ ngày nghỉ, anh lái xe đến các tỉnh lân cận tham quan các mô hình nuôi bò nái và lợn rừng chờ cơ hội.

Giữa năm 2016, anh nhờ bố mẹ thuê 1,5ha đất của xã, quyết về quê lập trang trại tổng hợp. Vài ngày sau, anh viết đơn xin nghỉ việc, dù vợ mới sinh con đầu, lương hai người lúc ấy đã tăng lên ở mức 30 triệu đồng mỗi tháng.

Khi nghe quyết định của anh Ngư, bố mẹ và vợ đều phản đối gay gắt nhưng qua thời gian “trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Anh Ngư tích góp hết vốn liếng, mượn thêm bìa đỏ của bố mẹ cùng hai người họ hàng làm hồ sơ vay 800 triệu đồng khởi nghiệp. Anh xây nhà điều hành, 3 dãy chuồng trại, mua 10 con bò sinh sản trị giá 250 triệu đồng về nuôi. Ổn định xong nơi ở, anh đón vợ con từ Bình Dương về.

Ở vùng nông thôn huyện Hương Sơn, trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Ngư là điểm sáng để nhiều thanh niên học tập. Ảnh: Thanh Nga.

Ở vùng nông thôn huyện Hương Sơn, trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Ngư là điểm sáng để nhiều thanh niên học tập. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Ngư cho biết, diện tích anh thuê trước đây là đồi trồng keo và chè. Sau khi hoàn thiện hệ thống chuồng trại, đầu năm 2017, anh mua 200 con gà ri về chăm sóc với mục đích lấy ngắn nuôi dài. 4 tháng sau anh xuất bán lứa gà đầu tiên và có được nguồn thu để trả lãi các khoản vay.

Giai đoạn đầu lời lãi tuy đang ít nhưng khá ổn định, song đến cuối năm, khi đàn bê 10 con đến kỳ xuất bán thì thị trường ảm đạm, bê rớt giá thảm hại khiến trang trại thua lỗ cả trăm triệu đồng.

“Lúc đó một con bê 5 - 6 tháng tuổi giá từ 12 - 14 triệu đồng giảm xuống chỉ còn 4 triệu đồng/con. Các đối tác lớn trong nước không thu mua vì xuất khẩu ra nước ngoài khó khăn. Thua lỗ nặng khiến tôi sụt tới 7kg chỉ trong 2 tháng", anh Hoàng Huỳnh Ngư nhớ lại.

Theo anh, căng thẳng nhất là khoản vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, mỗi tháng cần ít nhất khoảng 5 - 7 triệu đồng trả lãi. Tận dụng chính sách hỗ trợ nông dân, anh vay thêm vốn mua máy cày 33 triệu đồng để vừa làm đất cho trang trại vừa tranh thủ cày thuê cho xóm làng lấy tiền chi tiêu hàng ngày.

Tôi hỏi, đã bao giờ anh nghĩ đến bỏ cuộc? Người đàn ông cơ bắp vạm vỡ với làn da rám nắng trải lòng: “Nhiều hôm đi làm về khuya, thấy vợ vẫn thức chờ ăn cơm, tôi tự hỏi liệu quyết định về quê có sai không. Trong đầu cũng nảy ý định trở lại miền Nam làm việc kiếm tiền trả nợ để gia đình bớt áp lực, nhưng sáng hôm sau hầu như ý nghĩ đó lại dập tắt”.

Trước mắt, anh Ngư duy trì tổng đàn chăn nuôi như hiện nay, sau khi dày vốn anh sẽ mở rộng quy mô. Ảnh: Thanh Nga.

Trước mắt, anh Ngư duy trì tổng đàn chăn nuôi như hiện nay, sau khi dày vốn anh sẽ mở rộng quy mô. Ảnh: Thanh Nga.

Kiên trì với quyết định của mình, đến đầu năm 2019, trang trại khởi sắc trở lại. Anh lấy tiền lời mở rộng quy mô lên 12.000 con gà, 26 con hươu, 3 con bò. Bình quân những năm gần đây, doanh thu từ bán gà thịt, nhung hươu và bê giống đạt trên dưới 1,5 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

Không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, anh tham giá các lớp đào tạo kỹ sư nông nghiệp, sơ cấp về thú y để tự điều trị cho bò, hươu, gà của trang trại.

Bảy năm rời phố trở về quê, anh Ngư trải lòng: "Để đánh giá quyết định này đúng hay sai thực sự khó. Thời ở Bình Dương, vợ chồng nhiều hôm tăng ca, 21h mới về nhà, ít có cơ hội chăm sóc con. Về quê vất vả hơn, song được hưởng không khí trong lành, buổi tối có thời gian nghỉ ngơi, gia đình quây quần". Đến nay, vợ chồng anh đã sinh thêm bé thứ hai, kinh tế khá giả hơn so với thời làm công nhân.

Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Hương Sơn, mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Hoàng Đình Ngư phát triển khá hiệu quả. Anh là thanh niên trẻ tiên phong bỏ công việc lương cao, về quê vay tiền khởi nghiệp từ con số không. Đây thực sự là quyết định táo bạo và đầy rủi ro. Sự táo bạo ấy bước đầu mang lại thành công và tạo nguồn cảm hứng cho những thanh niên đang ấp ủ ý tưởng làm giàu tại quê nhà, thay vì ly hương tìm sinh kế.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.