| Hotline: 0983.970.780

Buồn chán chuyện 'chồng chung vợ chạ'

Thứ Năm 20/02/2020 , 09:53 (GMT+7)

Gần đây, cháu có nghe một người họ hàng xa nói thấy chồng cháu đã “lập phòng nhì”. Cháu định đơn phương gửi đơn lên tòa và đưa hai con về quê ngoại.

Cháu và chồng cháu quen nhau khi cả hai cùng đi xuất khẩu lao động. Cháu và anh được phân công làm cùng phân xưởng.

Cháu nghĩ, cuộc sống nơi đất khách quê người ban đầu còn lạ lẫm, bỡ ngỡ thì chẳng có gì quý bằng gặp được người cùng quê hương, bản quán...

Cũng từ đó mà cháu và anh luôn bên nhau, cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc và chăm sóc nhau lúc xa nhà. Tình cảm của hai đứa cũng tự nhiên như thế.

Hết hợp đồng lao động, chúng cháu về nước rồi kết hôn. Cháu theo anh về quê, làm công nhân ở một công ty da giày; còn anh lại tiếp tục đi học nghề để tìm một công việc có vị trí hơn.

Thật may, sau khi học xong, với sự cần cù chăm chỉ, lại cộng thêm tài ngoại giao nên anh đã được nhận vào một công ty vận tải.

Các con trai, gái của cháu cũng lần lượt ra đời. Công việc của anh ngày một thuận lợi, thăng tiến. Anh bắt đầu đi làm ở nơi khác xa hơn (nói xa vì là hai tỉnh giáp ranh khác nhau, nhưng đi thì chỉ cách có một con sông), lúc này anh bận rộn với công việc của mình và cũng ít về nhà hơn.

Những ngày đầu xa nhà, anh còn hay gọi điện hỏi thăm, quan tâm đến cảm xúc của cháu; nhưng chỉ vài tháng sau, số lần về thưa dần, có lúc chỉ kịp tạt qua mà không kịp ăn với mấy mẹ con một bữa cơm.

Cháu có hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Anh bận lắm! Anh hứa sẽ thu xếp thời gian về và đưa ba mẹ con đi chơi. Nhưng câu nói đó, nghe mãi cũng thành quen mà không thể thành hiện thực.

Gần đây, cháu có nghe thấy chỗ anh làm (một người họ hàng xa) nói cho cháu biết là anh đã “lập phòng nhì” với một cô bên đó, cô này cũng đã có gia đình, nhưng chồng đang đi nước ngoài, phần không có việc làm, phần vì buồn nên muốn “cặp” cùng chồng cháu vừa để khỏa lấp nỗi buồn khi chồng xa nhà, lại cũng tăng thu nhập nữa.

Nghe tin, cháu buồn lắm, cháu đã gọi chồng về để nói rõ mọi chuyện. Nhưng có lẽ, anh biết cháu đã biết mối quan hệ không minh bạch này nên anh không thèm nghe máy, không trả lời tin nhắn. Cháu định đơn phương gửi đơn lên tòa và đưa hai đứa con về quê ngoại sinh sống.

Chứ mấy tháng nay không liên lạc được, lại sống trong cảnh “chồng chung vợ chạ” thế này, cháu không thể chịu được. Theo cô, cháu làm như vậy có đúng không? Cô hãy cho cháu một lời khuyên, để cháu biết mình nên làm gì vào lúc này ạ?

----------------------

Cháu thân mến!

Thật ra đôi nào cũng từ một cái duyên, ngẫu nhiên hoặc là hoàn cảnh, hoặc đồng hương…Các cháu đã cùng nhau vượt qua một chặng dài vui buồn đủ cả. Đi nước ngoài dạng xuất khẩu lao động, quần quật, xa nhà xa quê. Và tìm thấy nhau, gắn bó, quyết tâm đi đến cùng với nhau bằng một cái đám cưới. Rồi hai đứa con, có nếp có tẻ ra đời, vợ chịu đời công nhân, chồng phấn đấu học lên và vững vàng, khởi sắc. Không mong muốn nào hơn.

Chuyện đàn ông Việt mình sẽ có bồ bịch là chuyện thời gian mà thôi. Vì sao họ có cái quyền đó? Là vì văn hóa truyền thống của mình ngấm ngầm vẫn là “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”, xa vợ là kiếm chuyện ngay.

Mà phụ nữ Việt mình rất, rất nhiều người giờ phóng túng (chứ không phải tự do, tự do phải đi cùng với nguyên tắc và văn minh), họ góa, hoặc thiếu chồng, hoặc là con gái tơ cũng dễ có cái máu phóng túng mồi chài. Chàng và nàng, lửa và rơm, thế là bùng.

Cô luôn nói với con cháu, với bạn trẻ là khi người đàn ông hết hơi thì khi ấy họ mới không phạm lỗi vì không có khả năng phạm lỗi đó. Vấn đề ở chỗ, biết vậy mà cũng không thể phòng ngừa mấy ông chồng phong tình được.

Khi va phải chuyện thì nên chuẩn bị mấy thứ. Thứ nhất: bình tĩnh, tự quan sát, bằng linh cảm nữa, nếu chồng không đối thoại, cứ để đó. Thứ hai phải có cách, nhờ người họ hàng đã bắn tin cho mình ấy đến gặp chồng cháu và người phụ nữ ấy để nghe họ tính làm sao (nhất định không được manh động đánh ghen nhé, sẽ mất chồng và mất thể diện cả đám luôn đấy nhé). Chỉ để biết họ yêu nhau thật không, thế thôi.

Nếu họ yêu nhau thì thôi, đừng đối thoại hay gì nữa. Khi ấy cháu hãy tính chuyện viết đơn, ly dị đơn phương hay cùng với chồng, tính sau. Bây giờ phải bình tĩnh chờ đợi. Vì các con, vì tâm lý của chúng, cả về quyền lợi để bố nó góp phần nuôi con nữa. Mình đùng đùng bỏ việc, ôm con về làm khổ ba mẹ mình, rất không nên.

Cũng cần cho nhà chồng biết khi mọi chuyện không cứu vãn được nữa. Chuyện đàn ông có bồ, chuyện bỏ nhau giờ không cá biệt và ghê gớm nữa. Bình tĩnh nhé cháu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm