| Hotline: 0983.970.780

Cải lão hoàn đồng cho… bò bằng ăn ngon, nằm đệm và nghe tin tức

Thứ Hai 11/01/2021 , 05:42 (GMT+7)

Nhạc hiệu đài phát thanh vừa bật lên là trong chuồng mấy chục đôi tai cùng ngỏng dậy, hướng về một phía, mắt mở to tròn, đuôi ve vẩy đầy phấn khích…

Những con bò béo núc ních của anh Tới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những con bò béo núc ních của anh Tới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phát hiện tình cờ

Trong những ngày đông giá rét này không có gì khoan khoái bằng được ăn ngon, nằm xoài trên đệm ấm rồi nghe các bản tin thời sự từ thông xe cầu Thăng Long ở Hà Nội sau 5 tháng sửa chữa đến bạo loạn ở tòa quốc hội Mỹ. Đến người còn thích huống hồ là những con bò trong trại của anh Quách Công Tới ở xóm Bãi Khoai, xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.

Năm 2015 gia đình anh bắt đầu mở nghề “cải lão hoàn đồng” cho bò trên một quả đồi rộng 5ha cao đến nỗi mỗi khi phóng xe máy lên, người ngồi sau dù nhắm tịt mắt mà tim cứ trực nhảy ra khỏi lồng ngực. Trước đó, dân trong vùng mỗi khi có bò già tầm 7 - 10 tuổi, bò gầy hay bò không đẻ đều phải bán rẻ mà cánh thương lái còn chê ỏng, chê eo kì kèo xin bớt tiếp. Nảy ra hướng làm ăn mới, anh Tới phóng xe máy đi săn loại bò này, tùy khung xương và trọng lượng mà định giá 15 - 20 triệu về vỗ béo.

Việc đầu tiên là tiêm cho chúng liều phòng lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tẩy giun sán rồi bồi dưỡng bằng một chế độ ăn mỗi ngày 3 - 3,5kg tinh bột cùng vô số cỏ non và các vitamin tổng hợp. Mùa đông trâu bò thả rông nhiều con dân phải ngậm ngùi mổ vì chết đói, chết rét nhưng gia đình anh nhờ tận dụng rơm, cây ngô, cây sắn ủ chua trữ từ mùa hè và nhốt trong chuồng kín gió nên không con nào bị sao cả.

Đệm lót dính đầy phân và nước tiểu nhưng không có mùi khó chịu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đệm lót dính đầy phân và nước tiểu nhưng không có mùi khó chịu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau 3 tháng chăm sóc theo chế độ đặc biệt những chỗ nhăn nheo, lồi lõm trên thân thể bò được “là phẳng”, lấp đầy bởi cơ bắp, mỗi con nặng thêm đến 60 - 70kg. Đều đặn xuất 5 - 6 con/tháng, mỗi năm anh đút túi số lãi 150 - 200 triệu ngon ơ.     

Gần đây anh Tới còn áp dụng kỹ thuật mới mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình hướng dẫn là cho bò nằm đệm lót sinh học và bổ sung thức ăn giàu dưỡng chất. Trước, chuồng bò 20 con của nhà ngày nào cũng phải dọn phân, xịt rửa mà lúc nào cũng sực mùi và còn gây lạnh cho chúng. Thế mà mấy tháng nay dùng chế phẩm sinh học cùng nguyên liệu là rơm rạ, lá khô làm đệm lót cho bò nằm không phải một ngày hót phân cũng không hề có mùi lại rất ấm.

Để cho tôi tin, anh Tới bốc một nắm đệm lót dính đầy phân và nước tiểu bò đưa lên sát mũi ngửi. Sợ mình đã quen mùi, không khách quan anh còn dí cái nắm sền sệt, đang bốc khói nghi ngút giữa tiết đại hàn đó sát… mũi tôi, nể quá, tôi cũng thử ngửi nhưng không thấy có gì khó chịu!

Cứ 5h30 anh chị lại dậy dọn máng, dùng xẻng đảo lớp thảm dày đến 30 - 40cm lên, bỏ cỏ vào máy phay đến 10h mới chịu nghỉ tay, 2h chiều cho bò uống nước, ăn tiếp rồi tối lại thêm một bữa phụ. Còn chuyện cho bò nghe tin tức trên đài là sáng kiến rất tình cờ của họ.

“Lúc đầu chúng tôi treo đài vào chuồng bò để vừa làm việc vừa nghe cho đỡ buồn nhưng rồi thấy chúng cũng thích nghe. Nếu bật đài thì bò vừa ăn vừa nghe, nhai hết cả các thân cỏ kể cả cứng, ngủ nghỉ rất đều còn không bật thì nhớn nhác, nhẩy cẫng lên, ăn kém thậm chí là không ngủ.

Con nào mới mua về không quen nhưng chỉ vài ngày là lại thích nghe đài ngay bởi thế mà chúng tôi bật từ 6h sáng đến 6h tối. Buồn cười nhất là hôm anh Hà Công Tiến - Phó Chủ tịch xã đến thấy mở đài oang oang trong chuồng hỏi tại sao, giải thích mãi mà anh ấy vẫn nghi ngờ tôi liền tắt đi rồi bật lại để thấy chúng dựng tai lên nghe thì mới tin”, anh Tới kể.

Kết quả bất ngờ

Chuồng bò nhà chị Dinh. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chuồng bò nhà chị Dinh. Ảnh: Dương Đình Tường

Sau 3 tháng nuôi bò theo kiểu mới gia đình anh Tới bán được 8 con, lãi chênh hơn 10 triệu so với cách nuôi cũ nên giờ dù đã hết thời gian của mô hình vẫn muốn tự mua chế phẩm để áp dụng. Phấn khởi anh còn nói cho tôi hay về ước mơ đưa “nhà máy sản xuất thịt bò” tức tinh con bò chuyên thịt nặng ngót 1 tấn BBB về quê mình để lai tạo…

Tối mịt mà không thấy đoàn, tưởng thôi, chị Nguyễn Thị Dinh ở phố Mỵ Thanh xã Mỵ Hòa đã đi tắm rồi, khi chúng tôi đến đầu còn quấn khăn nhưng vẫn cầm đèn pin xăm xăm soi đường ra chuồng. Những con bò cổ vẫn còn đeo lục lạc, dấu ấn của một thời chăn thả rông. Trước đây chị Dinh chỉ nuôi bò sinh sản rồi được con bê nào thì chăm cho đến lớn bán chứ không mua bò già, bò gầy hay bò tịt đẻ về để “cải lão hoàn đồng” như anh Tới.

Sáng lùa chúng lên đồi, bò tự tìm cỏ, người tự tìm gốc cây mát ngồi tối lại lùa về nhưng mà thả mãi vẫn không thấy chúng béo. Lại thêm một nỗi khổ là chăn nuôi ở phố, chuồng gần nhà, mùi xú uế rồi ruồi muỗi cứ bay vù vù khiến hàng xóm than phiền không ngớt. Từ hồi tham gia mô hình vỗ béo, chị trồng 1ha cỏ để nuôi đàn bò 12 con, tuy có vất vả hơn tí chút vì phải cắt cỏ, băm cỏ, ủ chua nhưng bù lại gia súc lớn nhanh và môi trường thì được cải thiện rõ rệt:

“Lúc trước rét mướt thế này nhưng ngày nào tôi cũng phải rửa chuồng hai lượt, người ướt, bò ướt mà vẫn mùi nhưng giờ vừa bước vào chuồng đã thấy hơi ấm bốc lên từ lớp đệm lót mà lại không có mùi gì nữa. Lúc nào thấy chúng cuồng chân thì tôi mới dắt lên đồi cho đi dạo một lúc thôi”.

Con bò đang vào thời kỳ vỗ béo của anh Tới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con bò đang vào thời kỳ vỗ béo của anh Tới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi chưa biết kỹ thuật vỗ béo này chị bán 4 con bò được có 50 triệu, giờ cũng vẫn 4 con tuổi như thế nhưng bán được tới 80 triệu. Gần đó là chuồng bò 11 con của chị Nguyễn Thị Vọng, ngoài cho ăn bằng cỏ non, cám ngô, gạo, sắn còn được tráng miệng bằng những khẩu mía ngọt lịm nữa. Mía năm nay dội chợ, giá rẻ quá nên chị để lại làm thức ăn cho bò trong mùa đông.

Trước đây chị nuôi thả rông, phân rơi, phân vãi đã đành mà bò còn chậm lớn, bán không ra tấm ra món. Vừa rồi nuôi theo kiểu mới, xuất chuồng 3 con được 75 triệu cộng tiết kiệm được 25 triệu chị don lại cho tất cô con gái để thêm thắt tậu nhà ngoài Hà Nội. Trước đây cả ngày chị ăn rồi phải đi dọn phân bò, sáng 8h, trưa 10h30, chiều 2h, đến tận 8h tối mới được nghỉ nhưng giờ mấy tháng cũng chẳng phải động tay. Đã thế, phân, nước tiểu ở đệm lót sau khi hết hạn được sử dụng để bón lại cho cỏ tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín, không bỏ phí chút nào.  

Vắt sữa người để bám mô hình

Chuồng bò nhà chị Vọng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chuồng bò nhà chị Vọng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong những năm gần đây người dân Hòa Bình đã có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hộ từ trồng trọt sang chăn nuôi, nhờ đó số lượng trâu, bò tăng lên đáng kể. Tuy nhiên sự chuyển dịch này vẫn chỉ dừng lại ở số đầu con mà vẫn chưa chú trọng về chất. Đa số bà con vẫn chăn thả quảng canh lạc hậu, lợi dụng thức ăn sẵn có trong tự nhiên nên xâm phạm cả vào diện tích trồng trọt, lâm nghiệp. Hơn thế, do không nắm được kỹ thuật nên việc phòng và chữa bệnh còn bị buông lỏng, dịch bệnh xảy ra tràn lan, liên tục. Khi một số hộ bắt đầu muốn đầu tư lớn lại gặp phải vấn đề xử lý môi trường…

Để giải quyết những vấn đề đó, năm 2020 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông qua Công ty Cổ phần T&T 159 đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hoà Bình thực hiện mô hình “Vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học” tại xã Mỵ Hoà và xã Thanh Sơn (huyện Lương Sơn) với quy mô 155 con. Nguyễn Thị Bích Thảo - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình được giao phụ trách mô hình lúc vừa mới đi làm lại sau sinh mà mỗi tuần vẫn đôi lần phóng xe máy gần 100km từ thành phố đến hai xã vùng núi này để vận động.

Ngực nhiều lúc tức sữa phải vắt bỏ bớt xuống đất nhưng cũng không tức bằng chuyện mới đầu nói bà con cứ không chịu tin nhất là khâu làm đệm lót rất cách rách để cho bò nằm giữ ấm và không phải hót phân. Thế là chị phải xông vào, tự tay pha chế phẩm rồi xúc đổ vào chuồng. Mất một hai ngày mùi hết thì chủ hộ mới làm theo. Cho đến nay, mô hình đã đạt được mục tiêu đề ra khi bò tăng trọng hơn 750 gram/ngày, sau thời gian vỗ béo 3 tháng, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y mỗi con bán lãi được 5 triệu. Bà con ngoài mô hình cũng đã lác đác tò mò tìm đến xem và học tập, bước đầu hình thành nên một nghề mới, mở ra hi vọng giảm dần được tập quán nuôi thả rông, giảm phát thải khí nhà kính.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.